Bác sĩ hướng dẫn cách chữa ho tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc, trong dân gian còn rất nhiều cách trị ho đơn giản mà lại hiệu quả nhanh chóng.

Dưới đây là những chia sẻ của PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) về những cách chữa bệnh ho bằng thuốc Tây y, Đông y và kinh nghiệm dân gian trong chương trình Phòng mạch FM, phát sóng trên VOH Radio – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

1. Cách chữa bệnh ho bằng thuốc Tây y

Bác sĩ Bay cho biết, ho là một phản xạ của cơ thể để bài tiết những dị vật hoặc chất đờm ra ngoài, nhằm làm sạch đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu ho lâu ngày không khỏi cũng có thể là triệu chứng của những căn bệnh nguy hiểm. Do đó, việc điều trị dứt điểm bệnh ho là vô cùng quan trọng.

Để điều trị bệnh ho hiệu quả, trước tiên bạn cần điều trị các nguyên nhân gây ra những cơn ho. Các bệnh lý có thể kể như nhiễm trùng, giãn phế quản, bệnh phổi, lao phổi, suy tim xung huyết hay ung thư,…

bac-si-huong-dan-cach-chua-ho-tai-nha-voh-1

Không nên lạm dụng thuốc Tây trong điều trị ho (Nguồn: Internet)

Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc Tây y chữa bệnh ho được điều chế bằng hóa chất tổng hợp, kể cả các loại siro. Hầu hết các loại thuốc ho đều có thêm thuốc an thần để làm dịu những cơn ho nhiều và nặng.

Khi sử dụng thuốc Tây để chữa bệnh ho bạn cần lưu ý:

  • Không lạm dụng các loại thuốc Tây chữa bệnh ho. Khi sử dụng thuốc được 2 ngày thì cần theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh, nếu bệnh không khỏi thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và được chẩn đoán điều trị phù hợp.
  • Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Không dùng thuốc trị ho trong 5 ngày liên tục.

2. Chữa bệnh ho bằng thuốc Đông y

Bác sĩ Bay cho biết, theo quan niệm Đông y, bệnh ho hình thành là do sự mất cân bằng niêm mạc phế quản, niêm mạc hô hấp. Do đó, quan điểm chung để điều trị là tạo lại sự cân bằng cho cơ thể.

Hiện nay, trong Đông y có nhiều loại dược thảo có tác dụng giảm phản xạ ho, long đờm để dễ khạc ra ngoài. Các loại dược thảo được dùng phổ biến nhất là hạnh nhân, cát cánh, thiên môn, mạch môn, tang bạch bì, tang diệp, xuyên bối mẫu, kha tử,…Hay dược thảo giúp tiêu đờm như trần bì (vỏ quýt phơi khô), báng hạ, bạch linh, cam thảo.

Ngoài ra, có một số bài thuốc bổ phổi, bổ phế thận được tạo ra bởi các dược thảo với mục đích giảm ho, giúp loãng đờm để người bệnh dễ thở hơn.

3. Chữa ho bằng kinh nghiệm dân gian

Theo bác sĩ Bay, trong dân gian có nhiều cách chữa bệnh ho như:

bac-si-huong-dan-cach-chua-ho-tai-nha-voh-1

Tắc chưng đường phèn là cách chữa ho hiệu quả theo kinh nghiệm dân gian (Nguồn: Internet)

  • Chữa ho bằng quả tắc: Người bệnh có thể dùng quả tắc chưng cách thủy với mật ong hoặc đường phèn để uống.
  • Chữa ho bằng tỏi: Dùng vài tép tỏi giã nát rồi pha với mật ong, sau đó đem chưng cách thủy khoảng 5 – 7 phút để lấy nước uống.
  • Chữa ho bằng lá tía tô, tần ô dày lá: Dùng lá tía tô hoặc tần ô dày lá đem giã nát, sau đó vắt lấy nước cốt, cho thêm một chút muối vào để uống.
  • Chữa ho bằng lá hẹ: Dùng hẹ lá để nấu nước uống, tốt nhất nên uống khi nước còn ấm để giảm ho và long đờm hiệu quả hơn.

Nếu bạn bị ho kèm với trào ngược dạ dày thì có thể dùng gừng, nghệ và mật ong. Nghệ và gừng tươi băm nhuyễn sau đó pha với mật ong để uống. Cách dùng này có tác dụng vừa chữa bệnh dạ dày vừa giảm ho hiệu quả.

4. Tài liệu tham khảo:

Kiến thức trong bài viết được tham khảo từ những trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thị Bay trong chương trình Phòng Mạch FM phát sóng trên VOH Radio - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM