Bạn biết gì về đình chỉ thai chỉ định y khoa và đình chỉ thai chủ động?

(VOH) – Tình chỉ thai là việc chủ động chấm dứt thai kỳ trước ngày sinh nở. Ngoài việc đình chỉ thai theo ý muốn người phụ nữ thì một số trường hợp thai phụ buộc phải chấm dứt thai kỳ theo chỉ định.

Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM), đình chỉ thai là tình trạng chủ động kết thúc thai kỳ. Đình chỉ thai hiện được chia ra làm 2 nhóm đó là:

Đình chỉ thai kỳ theo chỉ định y khoa, nghĩa là vì một lý do gì đó bắt buộc thai phụ phải chấm dứt thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ.
Đình chỉ thai kỳ theo ý muốn người phụ nữ, nghĩa là vì một lý do nào đó chị em lựa chọn chủ động kết thúc thai kỳ, chẳng hạn như bị “vỡ kế hoạch” mang thai ngoài ý muốn,...

Đình chỉ thai theo chỉ định y khoa là gì?

Trong y khoa sẽ có những trường hợp thai phụ được chỉ định chấm dứt thai kỳ do lý do y khoa, bởi việc giữ thai có thể gây nguy hiểm cho mẹ hoặc nguy hiểm cho con.

ban-biet-gi-ve-dinh-chi-thai-chi-dinh-y-khoa-va-dinh-chi-thai-chu-dong-1-voh

Trong y khoa có một số trường hợp bắt buộc phải chỉ định đình chỉ thai kỳ để đảm bao an toàn cho người mẹ (Nguồn: Internet)

  1. Về phía người mẹ

  • Người mẹ có bệnh lý về nội khoa như bệnh tim mạch, bệnh huyết áp, bệnh suy thận đang tiến triển, viêm gan C đang điều trị...
  • Đang điều trị ung thư.
  • Bị nhiễm một loại virus có thể gây nguy hiểm cho em bé.
  • Phụ nữ uống những loại thuốc chống chỉ định trong thai kỳ.
  1. Về phía thai nhi

Những trường hợp này gọi là những dị tật bất thường về di truyền hoặc hình thái học, nếu giữ lại thai em bé có thể sẽ bị chết lưu trong thai kỳ hoặc bị chết sau khi được sinh ra.

Thông thường, thời gian đình chỉ thai y khoa có thể trải dài theo tuổi thai. Nhưng thường được chỉ định nhiều nhất là ở 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Một số trường hợp thai phụ có thể sẽ được chỉ định chấm dứt thai kỳ ở 3 tháng cuối trong trường hợp thai phụ bị tiền sản giật nặng nhưng điều trị nội khoa không hiệu quả.

Để phòng ngừa và hạn chế việc phải đình chỉ thai kỳ y khoa, thai phụ nên thực hiện khám tiền hôn nhânkhám tiền sản để có thể phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể, từ đó chủ động được việc điều trị cũng như nhận được những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ.

Thế nào là đình chỉ thai chủ động?

Đình chỉ thai theo yêu cầu, nguyện vọng của thai phụ là trường hợp người phụ nữ chủ động lựa chọn biện pháp chấm dứt thai kỳ.

Có rất nhiều lý do khiến phụ nữ đi đến quyết định đình chỉ thai kỳ, chẳng hạn như vỡ kế hoạch, mang thai ngoài ý muốn, điều kiện kinh tế, gia đình không cho phép....

Những phương pháp đình chỉ thai thường áp dụng

Hiện nay, có 2 phương pháp chấm dứt thai kỳ cơ bản là phá thai nội khoa và phá thai ngoại khoa.

  1. Phá thai nội khoa

Đây là phương pháp dùng thuốc để phá thai. Với phương pháp này, đầu tiên bác sĩ sẽ cho thai phụ dùng một viên thuốc để túi thai bong tróc ra. Sau đó khoảng 48 giờ thai phụ sẽ được dùng viên thuốc thứ 2 để tử cung co bóp, nhằm đẩy túi thai ra ngoài. Thường áp dụng trong tuổi thai từ 12 tuần trở xuống.

ban-biet-gi-ve-dinh-chi-thai-chi-dinh-y-khoa-va-dinh-chi-thai-chu-dong-voh

Phá thai bằng thuốc là phương pháp được lựa chọn nhiều khi đình chỉ thai nghén (Nguồn: Internet)

Ưu – nhược điểm đình chỉ thai bằng thuốc

Ưu điểm: Là phương pháp không xâm lấn, không gây tổn hại tử cung người phụ nữ.

Nhược điểm: Thai phụ sẽ gặp tình trạng chảy máu âm đạo và đau bụng do có hiện tượng co bóp để tống xuất thai ra ngoài. Do đó, khi thực hiện đình chỉ thai bằng thuốc bạn cần lưu ý:

  • Khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế nơi thực hiện đình chỉ thai không quá 30 phút.
  • Dùng liều thuốc thứ 2 nên thực hiện ở bệnh viện.
  • Sau khi phá thai sẽ ra máu giống hiện tượng hành kinh trong vòng 5 ngày đầu với lượng máu nhiều hơn so với bình thường. 10 ngày tiếp theo hiện tượng ra máu âm đạo vẫn tiếp diễn nhưng với lượng ít hơn. Tuy nhiên, nếu thấy lượng máu chảy quá nhiều bạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra và xử trí kịp thời để tránh tình trạng bị băng huyết.
  • Ngoài ra, có khoảng từ 2 – 5% trường hợp bị sót nhau thai trong tử cung. Do đó, sau khi đình chỉ thai, bạn cần tái khám đúng hẹn theo lịch bác sĩ.

Những trường hợp chống chỉ định trong phá thai nội khoa

  • Có bệnh về máu.
  • Bị dị ứng.
  1. Phá thai ngoại khoa

Phá thai ngoại khoa (hay còn gọi nạo hút thai), đây là biện pháp xâm lấn, nghĩa là dùng các dụng cụ y tế can thiệp vào buồng tử cung để hút túi thai và bánh nhau ra ngoài.

Ưu – nhược điểm của phương pháp phá thai ngoại khoa

Ưu điểm: Do thực hiện hút thai nên có thể lấy sạch dịch và mô trong buồng tử cung. Thai phụ sẽ không gặp tình trạng ra huyết kéo dài như phá thai bằng thuốc.

Nhược điểm: Có thể gây tổn thương, trầy xước, rách niêm mạc tử cung.... ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau. Ngoài, phá thai ngoại khoa còn phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ và cơ sở vật chất nơi thực hiện đình chỉ thai.

Đình chỉ thai ngoại khoa thường không có giới hạn cụ thể bất kỳ tuổi thai nào nhưng thường chỉ áp dụng cho biện pháp chỉ định y khoa. Với những trường hợp đình chỉ thai chủ động bác sĩ không khuyến khích áp dụng khi thai đã lớn vì sẽ rất nguy hiểm cho thai phụ.

Nhìn chung, việc áp dụng bất kỳ một thủ thuật can thiệp nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nội mạc tử cung, tổn thương cổ tử cung, nếu nhiễm trùng có thể gây tắc ống dẫn trứng, vô sinh... Do đó, chị em không nên chấm dứt thai kỳ nếu không có chỉ định y khoa, trong trường hợp bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín thực hiện nằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe sinh sản.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Phá thai bằng thuốc và những điều cần biết : Phá thai bằng thuốc là phương pháp dùng thuốc để chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, muốn thực hiện phương pháp này cần tuân thủ những điều kiện bắt buộc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe sinh ...
Nạo phá thai và những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý ở phụ nữ : Nhiều người cho rằng, nạo phá thai là thủ thuật đơn giản, không gây ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế nạo phá thai để lại nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm lý, thậm chí là ...