Bạn có biết người Việt bệnh tật do ăn nhiều thịt, ít rau cá ?

Lượng tiêu thụ thịt của người Việt trong 30 năm qua tăng gấp 6 lần trong khi việc ăn rau xanh chỉ đạt một nửa so với mức khuyến nghị.

Phó giáo sư Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện Dinh dưỡng chia sẻ tại một cuộc hội thảo mới đây, khẩu phần ăn của người Việt hiện nay có sự thay đổi rất nhiều. Điển hình chính là mức tiêu thụ gạo giảm đáng kể nhưng lại tăng mạnh ở nhóm lương thực khác như bánh mì, bột mì. Ngoài ra, các thực phẩm truyền thống như chất bột từ khoai củ cũng giảm 10 lần.

Đặc biệt nhất chính là mức tiêu thụ thịt của người Việt lại tăng mạnh. Cụ thể, năm 1985 trung bình mỗi người một ngày ăn dưới 14gr thịt nhưng trong năm 2010 con số này đã tăng lên là 85gr. Mức tiêu thịt của người dân vùng nông thôn bằng 2/3 người thành thị.

Hiện nay, người Việt cũng ít ăn cá mặc dù đây là loại thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích nên ăn. Nếu như năm 1985 trung bình một ngày mỗi người tiêu thụ khoảng 40gr cá thì sau 25 năm chỉ tăng lên 60gr.

Nhóm thực phẩm trứng sữa cũng tăng gấp 20 lần, song chỉ tập trung ở người già và trẻ nhỏ dùng. Mặc dù người Việt ăn nhiều quả chín hơn trước tuy nhiên con số này vẫn còn rất ít, chỉ 64gr một người mỗi ngày.

Ngoài ra, theo số liệu thống kê còn cho thấy lượng tiêu thụ rau xanh của một người mỗi ngày chỉ khoảng 200gr, giảm hơn so với vài chục năm trước và con số này chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Số liệu cũng chỉ ra một nửa dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo. Nam giới ít ăn rau xanh hơn phụ nữ.

ban-co-biet-nguoi-viet-benh-tat-do-an-nhieu-thit-it-rau-ca-VOH

Người dân hiện nay ưa chuộng ăn các loại thịt, ít ăn rau (Nguồn: Internet)

Điều đáng nói chính là trong khẩu phần ăn của người Việt hiện nay lại không chú trọng dinh dưỡng đến từ các loại hạt.

Theo đánh giá, người dân ở vùng nông thôn thường ít bị bệnh  tim mạch, đái tháo đường, táo bón, ung thư ruột già hơn so với dân thành thị. Lý do là vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, còn người dân thành thị lại ưa chuộng có các loại thức ăn có nhiều thịt và mỡ, đồng thời lại ăn ít thực phẩm chứa chất xơ.

Phó giáo sư Bạch Mai cho rằng, chính thói quen ăn uống này đã dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng béo phì, gia tăng bệnh tăng huyết áp, tim mạch. Việc ăn đủ rau xanh, trái cây sẽ giúp phòng ngừa được rất nhiều bệnh lý như ung thư, tim mạch.

Theo Tổ chức Lương nông thế giới, mỗi người cần cung cấp đủ 14gr chất xơ cho 1.000 kcal khẩu phần. Để đảm bảo lượng nhu cầu chất xơ đối với người từ 24 tháng tuổi trở lên thì cần phải ăn 2 lần các loại quả, từ 3 lần trở lên đối với các loại rau. Tuy nhiên, số lượng mỗi lần ăn cũng cần phải phù hợp với lứa tuổi.

Với người Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên ăn tối thiểu 18 -20gr chất xơ mỗi ngày (khoảng 300gr rau và 100gr quả chín). Không nên ăn nhiều hơn vì sẽ gây đầy hơi, trướng bụng, kém hấp thu một số vi khoáng.

Nhu cầu khuyến nghị dành cho người béo phì là sử dụng chất xơ bằng với nhu cầu của người bình thường cộng thêm 14 gr nữa.

Rau quả tươi có "bổ" hơn rau quả đông lạnh?Hẳn ai cũng nghĩ rằng trái cây, rau củ tươi tốt nhất cho sức khỏe, nhưng một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy – không có sự khác biệt lớn về dinh dưỡng giữa hai loại rau củ tươi và đông lạnh.