Bạn đã biết những gì về hội chứng ngưng thở khi ngủ?

(VOH) - Một trong những nguyên nhân phổ biến nhưng thường bị bỏ qua của bệnh cao huyết áp là chứng ngưng thở khi ngủ. Vậy bạn đã biết được những gì về hội chứng này?

Theo nghiên cứu, có khoảng 25% những người được chẩn đoán cao huyết áp gặp phải tình trạng ngưng thở trong lúc ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ là một trong những tình trạng khó nhận biết nhất và làm tăng nguy cơ khó kiểm soát huyết áp ở người bệnh.

1. Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ mà người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn trong ít nhất 10 lần trong 1 giấc ngủ và lập đi lập lại nhiều lần trong đêm.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường có 3 dạng: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân thần kinh trung ương và ngưng thở hỗn hợp.

  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: thường xảy ra do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong khi ngủ (do lưỡi, các mô ở thành sau họng quá to hay bất thường xương hàm).
  • Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân thần kinh trung ương: là khi não không gửi được những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp, trong những trường hợp người bệnh bị tổn thương não.
  • Ngưng thở hỗn hợp: là bao gồm cả 2 dạng trên.

Điều đặc biệt là hầu hết bệnh nhân của của hội chứng ngưng thở khi ngủ khi đi khám bệnh vì có các triệu chứng thông thường như nhức đầu, mệt mỏi... Nếu bác sĩ không phải là những chuyên gia về giấc ngủ cũng thường sẽ ít nghĩ đến và không phát hiện được vì đâu ngưng thở khi ngủ?

ban-da-biet-nhung-gi-ve-hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-voh

Người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ thường không nhận biết được tình trạng của mình (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp là: phì đại amidan, viêm mũi. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ là:

  • Người bị béo phì
  • Người nghiện rượu, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện
  • Trong gia đình có người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Người bị hội chứng chuyển hóa.
  • Đang mắc phải các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não...

2. Triệu chứng nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ

Những triệu chứng thường gặp ở những người mắc phải hội chứng ngừng thở khi ngủ bao gồm:

  • Ngáy to khi ngủ
  • Ngưng thở từng đợt: Bạn hoặc người ngủ bên cạnh có thể nhận thấy bạn ngừng thở trong 1 hoặc 2 giây. Điều này có thể xảy ra nhiều lần trong đêm khi bạn ngủ.
  • Có cảm giác cực kỳ mệt mỏi, đau đầu vào buổi sáng, buồn ngủ vào ban ngày quá mức, bạn có thể ngủ trong khi làm việc, thậm chí khi đang lái xe.
  • Một số biểu hiện khác của hội chứng ngưng thở khi ngủ là giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, dễ cáu gắt, trầm cảm, thay đổi tính tình, tiểu đêm nhiều lần, khô cổ khi thức giấc...
  • Ở trẻ em, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng hiếu động thái quá, hay gây gổ, giảm thành tích học tập, đái dầm...

3. Ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không?

Chứng ngưng thở khi ngủ không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nặng nề khác như: bệnh lý tim mạch, tăng áp động mạch phổi các rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, đái tháo đường và ngay cả đột tử trong đêm.

Những đợt ngưng thở và giảm thở lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng giảm oxy trong máu và gia tăng than khí (CO2). Những biến cố hô hấp này sẽ kích kích và gây ra tình trạng xơ mỡ động mạch với các di chứng tim mạch.

ban-da-biet-nhung-gi-ve-hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-1-voh

Chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến bệnh cao huyết áp (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, những nghiên cứu của các nhà khoa đều cho thấy những người bị chứng ngưng thở khi ngủ đều có liên quan đến bệnh cao huyết áp. Cụ thể, có khoảng 25% bệnh nhân bị cao huyết áp đều gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ (trong các nghiên cứu tại Việt Nam và Thái Lan).

Như vậy, hội chứng ngưng thở khi ngủ được xem như là một trong những nguyên nhân gây cao huyết áp mà chúng ta cần đề phòng.

4. Có thể điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách nào?

Việc điều trị chứng ngưng thở khi ngủ sẽ được dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng, mức độ nặng nhẹ của bệnh và các bất thường về hô hấp trên, bệnh lý đi kèm... để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị hiện nay là:

  • Dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP).
  • Dùng dụng cụ gắn vào trong miệng khi ngủ.
  • Phẫu thuật.

Ngoài ra, người bệnh cần phải thay đổi một số thói quen sinh hoạt hàng ngày như: giảm cảm cân ở người béo phì, sắp xếp giấc ngủ hợp lý, thực hiện các bài tập cơ ở vùng hầu họng, tránh uống rượu, ngưng các loại thuốc an thần, chất gây nghiện, thay đổi tư thế ngủ...

Thông thường người bệnh sẽ không biết mình đang bị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Người thân hay người ngủ chung giường thường sẽ là người đầu tiên phát hiện ra. Vì thế, nếu bạn đã được cảnh báo về việc mình thường ngủ ngáy hay bị ngừng thở thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.