Bệnh đa hồng cầu và những điều ai cũng cần biết

(VOH) - Bệnh đa hồng cầu là một bệnh về máu khiến cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu. Hậu quả là máu trở nên quá đặc, kéo theo hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

1. Bệnh đa hồng cầu là gì?

Hồng cầu hay hồng huyết cầu (có nghĩa là tế bào máu đỏ) là thành phần chiếm đa số lượng lớn tế bào máu với nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến các mô, vận chuyển CO2 từ các mô lên đào thải ở phổi. Vì vậy, hồng cầu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cơ thể hàng ngày.

Bệnh đa hồng cầu là tình trạng tăng mức độ lưu thông của các tế bào hồng cầu trong máu. Những người bị bệnh đa hồng cầu có sự gia tăng hematocrit, huyết sắc tố hoặc số lượng hồng cầu vượt quá giới hạn bình thường. 

benh-da-hong-cau-va-nhung-dieu-ai-cung-can-biet-voh-1

Đa hồng cầu là tình trạng tăng số lượng hồng cầu quá mức bình thường trong máu (Nguồn: Internet)

Bệnh đa hồng cầu thường được biểu hiện bởi sự dạng tăng hematocrit (hematocrit là tỷ lệ thể tích của hồng cầu so với tổng thể tích máu) hoặc nồng độ hemoglobin (hemoglobin là một protein chịu trách nhiệm vận chuyển oxy trong máu.

Bệnh đa hồng cầu được chia là 2 loại là:

  • Đa hồng cầu nguyên phát: Các tế bào hồng cầu gia tăng do gặp phải một số vấn đề trong quá trình sản xuất hồng cầu.
  • Đa hồng cầu thứ phát: Các yếu tố ngoại biên thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu. Các yếu tố đó thường là tăng sản xuất erythropoietin (EPO), đáp ứng với tình trạng thiếu oxy mãn tính (nồng độ oxy trong máu thấp) hoặc do khối u tiết erythropoietin.

2. Triệu chứng của bệnh đa hồng cầu

Ở giai đoạn đầu, đa hồng cầu thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ có một số triệu chứng do độ sệt hay độ đặc của máu hoặc do các hóa chất bất thường trong tủy xương. Bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

  • Khó thở;
  • Chóng mặt;
  • Da ngứa và đỏ ửng;
  • Mệt mỏi;
  • Nhức đầu;
  • Đổ mồ hôi quá nhiều;
  • Nhìn mờ hoặc có điểm mù;
  • Cảm giác ngứa hoặc nóng rát ở tay, chân;
  • Cục máu đông ở chân, phổi hoặc nơi khác;
  • Loét dạ dày và tá tràng;
  • Chướng bụng hoặc có cảm giác no do phì tỳ tạng.
  • Suy tim sung huyết hoặc viêm họng.

3. Vì sao mắc bệnh đa hồng cầu?

Những người nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh đa hồng cầu. Tuy nhiên, họ biết rằng trong hầu hết các trường hợp thì người bệnh bị một số đột biến cụ thể của gen JAK2 trong tế bào gốc tủy xương.

Mặc dù bệnh đa hồng cầu có liên quan đến đột biến gen nhưng đây không phải là bệnh di truyền vì bệnh này, nói chung chỉ thấy ở tế bào gốc, không phải ở những tế bào còn lại của cơ thể như tinh trùng hay trứng. 

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa hồng cầu như:

  • Thiếu oxy từ bệnh phổi lâu năm (mãn tính) và hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây bệnh đa hồng cầu phổ biến.
  • Tiếp xúc với carbon monoxide trong một thời gian dài (những người làm việc trong đường hầm hoặc nhà để xe, tài xế taxi ở các thành phố bị ô nhiễm, công nhân trong các nhà máy tiếp xúc với khí động cơ,…
  • Những người có đột biến gen, bất thường về huyết sắc tố.

Bệnh đa hồng cầu thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới và độ tuổi phổ biến là người từ 60 tuổi trở lên, ít gặp ở những người trẻ tuổi.

4. Bệnh đa hồng cầu có chữa được không?

Bệnh đa hồng cầu không có cách nào điều trị dứt điểm. Đây là bệnh mãn tính tiến triển theo thời gian nên người bệnh có thể kiểm soát các ảnh hưởng của bệnh bằng việc chăm sóc y tế và chữa trị thích hợp.

Bác sĩ có thể lên kế hoạch điều trị cho người bệnh dựa trên nguy cơ phát triển cục máu đông. 

4.1 Những phương pháp điều trị cho những người có nguy cơ thấp bao gồm:

  • Aspirin liều thấp: Aspirin ảnh hưởng đến tiểu cầu trong máu của người bệnh, làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối).
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Sử dụng kim, bác sĩ sẽ loại bỏ lượng máu nhỏ từ một trong những tĩnh mạch. Việc làm này giúp giảm số lượng hồng cầu trong máu.

benh-da-hong-cau-va-nhung-dieu-ai-cung-can-biet-voh-1

Đa hồng cầu không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát (Nguồn: Internet)

4.2 Điều trị cho những người có nguy cơ cao:

  • Hydroxyurea: Đây là một loại thuốc trị ung thư ngăn cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu. Nó làm giảm nguy cơ đông máu cho người bệnh. 
  • Interferon alpha: Thuốc này giúp hệ thống miễn dịch chống lại các tế bào tủy xương hoạt động quá mức. Nó cũng ngăn cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu. 
  • Busulfan (Myleran): Thuốc ung thư này được phê duyệt để điều trị bệnh bạch cầu, nhưng nó có thể được sử dụng ngoài nhãn để điều trị bệnh đa hồng cầu.
  • Ruxolitinib (Jakafi): Đây là loại thuốc duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân đa hồng cầu. 

Lưu ý: Các loại thuốc trên cần được chỉ định liều dùng bởi các bác sĩ chuyên khoa.

5. Các biện pháp điều trị liên quan

Bác sĩ có thể chỉ định thêm các biện pháp khác với mục đích giúp giảm ngứa – một triệu chứng dai dẳng và khó chịu đối với người bệnh đa hồng cầu. Các biện pháp bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin.
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
  • Quang trị liệu (điều trị bằng tia cực tím).

Lời khuyên: Bệnh đa hồng cầu không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh có thể kiểm soát bệnh và duy trì sức khỏe bằng các biện pháp kể trên theo chỉ định của bác sĩ. Không nên chủ quan với các dấu hiệu của bệnh đa hồng cầu vì bệnh có nguy cơ biến chứng thành một dạng ung thư máu nguy hiểm cho tính mạnh.