Bệnh ngoài da thường gặp và biện pháp phòng tránh

VOH - Các bệnh ngoài da không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Bổ sung kiến thức về các bệnh ngoài da có thể giúp bạn phòng tránh hiệu quả.

Da cung cấp hàng rào bảo vệ tự nhiên rất tốt, che chở cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài. Mặc dù trên da thường xuyên có các loại vi khuẩn cư trú, nhưng chỉ khi có môi trường thuận lợi thì các loại vi khuẩn này mới có dịp hoành hành.

1. Các bệnh ngoài da thường gặp

Bệnh ngoài da có thể xuất hiện trong mùa nắng nóng oi bức và cả mùa mưa ẩm ướt. Nếu không chăm sóc và bảo vệ cẩn thận, làn da sẽ là đối tượng cho những căn bệnh ngoài da tấn công và gây hại. Một số căn bệnh ngoài da thường gặp nhất gồm có:

benh-ngoai-da-thuong-gap-va-bien-phap-phong-tranh-voh-1

Các bệnh ngoài da thường gây ngứa và làm tổn thương da (Nguồn: Internet)

1.1 Viêm da mủ

Viêm da mủ là tình trạng nhiễm khuẩn da do các vi trùng thông thường gây ra. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A, nhưng đa số các trường hợp viêm da mủ đều có sự hỗn hợp của cả liên cầu và tụ cầu khuẩn.

Viêm da mủ thường gặp ở những người vệ sinh kém. Nếu không điều trị và chăm sóc tốt thì có thể lan nhanh sang các vùng da lành và có thể gây chốc hóa, viêm nang lông, nhọt và chuyển thành viêm mô tế bào, rất nguy hiểm.

1.2 Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em và ít hơn ở người lớn. Nguyên nhân gây nên viêm da cơ địa là yếu tố di truyền hoặc do yếu tố môi trường.

Bệnh viêm da cấp tính thường xuất hiện các đám phát ban đỏ hình tròn, trên bề mặt nổi nhiều mụn nước và vảy tiết. Trên bề mặt da tiết dịch và phù nề. Đây là lúc người bệnh rất ngứa, đau rát, nhất là về đêm.

Viêm da mạn tính, sắc tố da của người bệnh bị thay đổi, rối loạn và xuất hiện nhiều đám da sần, dày sừng bong tróc và rất ngứa.

1.3 Viêm da do virus

Thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại virus phát triển, đây là điều kiện dễ phát triển bệnh viêm da do virus. Bệnh cần được khám và điều trị ở bệnh viện để xác định virus gây bệnh, từ đó chỉ định dùng thuốc chính xác.

Bệnh viêm da do virus có thể lây lan nếu không có sự cách ly tốt.

1.4 Viêm nang lông

Bệnh có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, vảy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông như viêm chân tóc. Khi nang lông bị áp xe (tức là biến chứng thành nhọt) có thể gây viêm mô dưới làn da của bạn.

1.5 Mụn nhọt

Mụn nhọt là hiện tượng nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng. Nhọt có thể xảy ra ở mọi vị trí trên cơ thể.

Khi nhọt nổi ở vùng mặt quanh mũi miệng sẽ rất nguy hiểm. Bởi đó là tình trạng nhiễm tụ cầu ác tính vùng mặt, có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch xoang hang rất nguy hiểm.

1.6 Rôm sảy

Rôm sảy thường nổi thành đám, mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán,…đôi khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí là toàn thân.

Biểu hiện của bệnh là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ trắng xen lẫn, người bệnh có cảm giác bứt rứt, khó chịu, ngứa. Nếu càng gãi thì càng làm da sây sát, dễ gây bội nhiễm vi khuẩn.

1.7 Nấm da

Bệnh nấm da có thể xuất hiện ở nhiều nơi như da, niêm mạc, tóc và móng. Có 3 thể bệnh nấm da thường gặp là nấm chân, bẹn và thân. Trường hợp nặng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn có mụn mủ, bóng mủ, sưng tấy bàn chân, sốt.

1.8 Eczema

Eczema hay còn gọi là chàm, là một thể bệnh gồm một nhóm các bệnh ngoài da, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hiện nay, bệnh chàm chiếm đến 25% trên tổng số những người mắc bệnh ngoài da ở Việt Nam.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do cơ địa người bệnh và do tiếp xúc với các hóa chất trong cuộc sống và công việc, ăn phải thức ăn lạ,...hoặc do cơ thể bị rối loạn, sức đề kháng kém.

Những triệu chứng của eczema thường là ngứa, nổi mụn nước trên bề mặt da. Những mụn nước này không mọc riêng lẻ mà tập trung thành từng mảng phát ban mẩn đỏ sưng tấy. Sau một thời gian, các vùng da bị chàm nhẵn lại và tạo lớp vảy trên bề mặt da bong tróc và rạn nứt. Sau đó, da dần chuyển đổi màu, sắc tố da có thể bị sẫm lại.

1.9 Bệnh vảy nến

benh-ngoai-da-thuong-gap-va-bien-phap-phong-tranh-voh-3

Hình ảnh bệnh vảy nến (Nguồn: Internet)

Bệnh vảy nến chiếm đến 10% tổng số người mắc bệnh ngoài da. Tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng bệnh vảy nến làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

Theo nghiên cứu và thống kê, nam giới có tỉ lệ mắc bệnh vảy nến nhiều hơn nữ giới.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là di truyền, nhiễm khuẩn do tâm lý người bệnh bị stress…Biểu hiện của bệnh vảy nến thường là bề mặt da gồ ghề do phủ trên bề mặt da là những lớp vảy trắng đục, dễ bong tróc, cạo ra thành vụn có hình dạng giống nến vụn. Bên cạnh đó, bệnh còn gây tổn thương trên cả khớp, móng chân tay và toàn thân.

1.10 Nổi mề đay

Mề đay là bệnh ngoài da ngứa thường gặp, ngoài ngứa bệnh có thể gây đau bỏng rát khó chịu cho người bệnh. Khi càng gãi, càng động vào vùng da bị mề đay thì càng ngứa và có thể bị chảy máu và bội nhiễm.

Nguyên nhân gây nổi mề đay chủ yếu là do dị ứng thuốc, thức ăn, chất kích thích, côn trùng cắn, tiêu thụ quá nhiều thức ăn giàu đạm, canxi,…

1.11 Bệnh ghẻ ngứa

Ghẻ ngứa là bệnh ngoài da thường gặp, bệnh do một loại côn trùng ký sinh (cái ghẻ) gây nên. Bệnh ghẻ ngứa thường xuất hiện vào màu hè, có thể lây lan từ người sang người khi dùng chung quần áo, giường, nệm, khăn,…hoặc tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh. Hầu hết sự lây truyền bệnh ghẻ xảy ra trong cùng một gia đình, vì vậy việc điều trị thường điều trị cho cả gia đình cùng lúc.

Trên đây là 11 loại bệnh ngoài da thường gặp nhất, khi có những dấu hiệu ngứa hoặc nổi mẩn đỏ bất thường trên da thì bạn nên đến bệnh viện da liễu để thăm khám. Các bác sĩ da liễu sẽ chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

2. Biện pháp phòng tránh các bệnh ngoài da

Để phòng tránh các bệnh ngoài da, bạn cần:

2.1 Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ

benh-ngoai-da-thuong-gap-va-bien-phap-phong-tranh-voh-2

Tắm gội mỗi ngày bằng nguồn nước sạch để phòng ngừa các bệnh ngoài da (Nguồn: Internet)

Hãy thường xuyên tắm gội để rửa trôi hết bụi bẩn, mồ hôi, vi khuẩn, bã nhờn bám trên da, nhất là sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc vừa tập thể dục thể thao ra nhiều mồ hôi. Dù vậy, bạn cũng không nên lạm dụng việc tắm gội, những ai mới đi ngoài nắng về cũng không nên tắm ngay vì dễ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng nước sạch để tắm, sử dụng dầu gội có chất tẩy rửa nhẹ, không dùng móng tay cào mạnh lên da đầu khi gội, gội đầu xong phải lau khô, không đi ngủ khi đầu vẫn còn ướt,..

2.2 Hạn chế sử dụng mỹ phẩm

Làn da vốn rất nhạy cảm, nhất là da mặt nên việc lạm dụng mỹ phẩm có thể gây viêm da, nám da, thậm chí là ung thư. Bạn chỉ nên sử dụng mỹ phẩm khi cần thiết nhất. Ngoài ra, các loại thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay cũng dễ gây dị ứng, viêm da đầu.

2.3 Không dùng chung đồ dùng cá nhân

Để tránh mắc các bệnh ngoài da, bạn nên hạn chế dùng chung đồ dùng với người khác. Bởi một số bệnh ngoài da có thể lây lan qua con đường này.

2.4 Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng

Ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng là cách để bạn tăng sức đề kháng, từ đó phòng tránh được các bệnh ngoài da tốt hơn.

Lưu ý, các chất kích thích, cà phê, trà, các loại hải sản như tôm, cua, mực dễ gây dị ứng cho da nên hạn chế ăn thường xuyên.