Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: ‘thủ phạm’ gây bệnh và cách điều trị

(VOH) - Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp lại. Vậy ngoài khó thở, người bệnh còn phải chịu những hậu quả gì khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (viết tắt là COPD, COAD hay COLD) là một bệnh hô hấp gây khó thở do đường thở bị hẹp lại. Đây là một bệnh tiến triển, có nghĩa là nó sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian. 

Tổn thương trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ và nhu mô phổi. Khi đến giai đoạn nặng, bệnh không chỉ gây tổn thương ở phổi mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, cơ, xương, rối loạn chuyển hóa, tâm thần,…

benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-thu-pham-gay-benh-va-cach-dieu-tri-voh

Phổi tắc nghẽn mãn tính do nhiều yếu tố gây ra (Nguồn: Internet)

2. ‘Thủ phạm’ gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Có 2 loại yếu tố nguy cơ có thể là nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bao gồm:

2.1 Các yếu tố nội tại

Các thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin (rất ít gặp, ở những người này bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính xuất hiện sớm trước tuổi 40 và nặng lên nhanh chóng).

2.2 Các yếu tố môi trường

Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp, ô nhiễm trong nhà (từ bếp củi, bếp than), ô nhiễm môi trường là những yếu tố gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính phổ biến nhất.

benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-thu-pham-gay-benh-va-cach-dieu-tri-voh

Thuốc lá là nguyên nhân phổ biến gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Nguồn: Internet)

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh (chiếm 90% các trường hợp mắc bệnh COPD). Khoảng 20 – 30% số người sử dụng từ trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

COPD do tiếp xúc bụi nghề nghiệp chiếm khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân làm việc tại các xưởng đúc, xưởng luyện kim, công nhân xây dựng thợ dệt, nông dân,…là những người phơi nhiễm thường xuyên với các yếu tố kích thích phế quản nên có nguy cơ cao bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

3. Dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp nên có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng, bao gồm:

  • Ho mãn tính (kéo dài).
  • Ho có đờm, đờm có thể màu trắng, màu vàng xám hoặc màu xanh lá cây. Đôi khi, nó có thể đi kèm vệt máu.
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại (như cúm và cảm lạnh).
  • Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức.
  • Có cảm giác thắt chặt ở ngực.
  • Thở khò khè.
  • Mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh.

Bản chất bệnh COPD là tình trạng viêm mạn tính gây tắc nghẽn phế quản và phá hủy các thành, vách phế nang là túi chứa khí của phổi, làm cản trở sự trao đổi khí, do đó nồng độ khí oxy trong máu bị giảm, ứ đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến hoạt đồng của nhiều cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là tim mạch. Vì vậy, khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh COPD thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và được tư vấn điều trị.

4. Cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Cho đến nay, chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn COPD. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ thì bệnh có thể được kiểm soát và làm giảm số đợt cấp cần nhập viện.

Mục tiêu điều trị sẽ bao gồm:

  • Giảm các triệu chứng.
  • Làm chậm tiến triển của bệnh.
  • Ngăn ngừa và điều trị biến chứng.

Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

4.1 Thuốc

  • Thuốc giãn phế quản, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn bằng cách giãn các cơ trơn trong phổi, từ đó mở rộng đường hô hấp.
  • Thuốc giãn phế quản kết hợp với corticosteroid dạng hít, đây là một loại steroid để giảm viêm ở phổi.

4.2 Vắc xin

  • Vắc xin ngừa bệnh cúm.
  • Thuốc chủng ngừa phế cầu
  • Liệu pháp oxy.

Bên cạnh đó, người bệnh cần có lối sống lành mạnh để sống “hòa bình” với bệnh. Bao gồm:

benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-thu-pham-gay-benh-va-cach-dieu-tri-voh

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh COPD thì nên đi thăm khám ngay (Nguồn: Internet)

  • Ngừng hút thuốc lá. Hãy trao đổi với các bác sĩ hoặc chuyên gia để có thể cai thuốc lá thành công hơn. Nếu không hút thuốc lá thì bạn cũng cần tránh những nơi có khói thuốc lá.
  • Tránh những nơi có nhiều khói, bụi ô nhiễm.
  • Xây dựng chế độ ăn và uống hợp lý.
  • Tích cực hoạt động bằng cách tập thể dục mỗi ngày. Bạn có thể đi bộ và hít thở đúng cách.
  • Nếu công việc phải tiếp xúc với hóa chất, khói độc thì cần có bảo hộ lao động đúng chuẩn.
  • Vệ sinh họng, răng miệng sạch sẽ mỗi ngày để không mắc bệnh đường hô hấp.
  • Nếu đã bị viêm phế quản mãn tính thì cần thăm khám và điều trị tích cực.
  • Tránh bị lạnh đột ngột.

Lời khuyên: Khi tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính nặng, cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Có hơn 3 triệu người đã chết vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vào năm 2012, tương đương với 6% tất cả các trường hợp tử vong trên thế giới năm đó. Vì vậy, đừng chủ quan với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.