Bệnh tiểu đường - vì sao dễ gặp?

(VOH) – Hiện nay bệnh tiểu đường đang là căn bệnh đáng lo ngại. Vậy lý do vì sao ngày nay người ta lại dễ bị bệnh tiểu đường?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho biết, trước đây bệnh tiểu đường không được gọi là “cơn đại dịch của thế kỷ”, nhưng ngày nay số người bị bệnh tiểu đường đã tăng 3 - 5 lần, thậm chí là nhiều hơn so với trước kia và căn bệnh này xuất hiện tăng cao ngay cả những nước có nền y học phát triển. Đó là lý do khiến căn bệnh này được gọi là “cơn đại dịch của thế kỷ” cho dù bệnh không lây lan.

1. Vì sao thời nay dễ bị bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường là hậu quả của tình trạng rối loạn biến dưỡng chất đường, tuy nhiên lạm dụng chất đường không phải nguyên nhân duy nhất gây ra bệnh tiểu đường. Cơ thể chúng ta cần chất đường, cơ thể cũng không thể tồn tại nếu không có chất đường. Nhưng chất đường có trong máu cần phải thoái biến thành năng lượng để đảm bảo mọi hoạt động của cơ thể và để làm được điều này thì cần phải có tác động nội tiết tố insulin của tụy tạng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì lý do bẩm sinh tụy tạng không hoạt động khiến cơ thể thiếu insulin làm cho lượng đường bên ngoài đi ngoài vào cơ thể dù thấp cũng trở thành cao vì không được đưa vào bắp thịt để biến đổi thành năng lượng. Những trường hợp này được gọi là bệnh tiểu đường tuýp 1 – căn bệnh thường xảy ra ở người trẻ (bẩm sinh đã mắc bệnh).

benh-tieu-duong-vi-sao-de-gap-voh

Ăn nhiều chất ngọt không phải là nguyên nhân duy nhất gây bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Khác với bệnh tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra nhiều hơn với những người cao tuổi. Nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao ở người cao tuổi do nhiều lý do như:

  • Ăn ngọt nhiều, ăn nhiều món ăn chứa tinh bột, uống thuốc khiến đường trong máu tăng lên, cuộc sống căng thẳng,...
  • Tụy tạng làm việc tạo ra insulin để hạ đường huyết nhưng nhiều tuyến khác hoạt động ngược lại đẩy đường huyết lên cao chẳng hạn như tuyến thượng thận và tuyến giáp trạng.
  • Lạm dụng những loại thực phẩm, dược phẩm có khả năng làm tăng đường huyết như: dùng thuốc ngủ, thuốc giảm đau và đặc biệt là thuốc trị đau đầu. 

Lưu ý: Bệnh tiểu đường hiện nay không chỉ xuất phát từ việc ăn quá nhiều ngọt, bởi có rất nhiều người kiêng ăn ngọt vẫn bị bệnh tiểu đường. 

2. Bệnh tiểu đường dễ gặp - khó điều trị

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường, đặc biệt với những bệnh nhân thuộc nhóm bệnh tiểu đường tuýp 2 thì các loại thuốc đều có công hiệu nhanh, kéo dài và ít phản ứng phụ.

Tuy nhiên, những di chứng bệnh tiểu đường như: mù mắt, đoạn chi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận… vẫn không hề giảm. Điều đó cho thấy, thuốc chữa tiểu đường có rất nhiều nhưng lại không phải là giải pháp hiệu quả bởi vì biến chứng tiểu đường xảy ra do không hạ được đường huyết trong cơ thể.

benh-tieu-duong-vi-sao-de-gap-1-voh

Có nhiều cách chữa bệnh tiểu đường nhưng thường không mang lại hiệu quả cao (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho rằng, người bệnh tiểu đường cần phải được hạ đường huyết nhưng làm sao để đường huyết ổn định mới là điều quan trọng nhất. Người bị bệnh tiểu đường nếu có thể giữ ổn định đường huyết mỗi ngày sẽ góp phần rất lớn trong việc ngăn ngừa di chứng.

Ngược lại nếu bạn dùng thuốc để đường huyết tụt xuống nhanh nhưng sau đó lại vọt lên cao vì nhiều yếu tố chẳng hạn như: cảm xúc, cuộc sống bất ổn, giấc ngủ không sâu… sẽ rất dễ gặp phải các di chứng bệnh tiểu đường.

3. Phòng bệnh tiểu đường được không?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc tiêm ngừa bệnh tiểu đường, do đó biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường thường áp dụng là:

  • Thường xuyên vận động
  • Hạn chế ăn những loại thức ăn có chứa nhiều chất ngọt, tinh bột.
  • Đảm bảo giấc ngủ (ngủ đủ giấc, không thức khuya...)

Nhìn chung, bệnh tiểu đường vẫn là bệnh lý nguy hiểm cần phải điều trị và phòng ngừa càng sớm càng tốt. Bởi càng kéo dài thì những biến chứng bệnh tiểu đường gây ra càng nguy hiểm.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: