Bệnh trĩ nên ăn gì – kiêng gì?

(VOH) - Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh trĩ, nó không chỉ giúp giảm đau khi đi cầu mà còn giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả hơn. Vậy bệnh trĩ nên ăn gì?

Để điều trị bệnh trĩ hiệu quả người bệnh cần dùng thuốc đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng và lối sống sinh hoạt để sớm đẩy lùi bệnh, đồng thời tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. 

1. Chế độ ăn uống dành cho người bệnh trĩ

1.1 Bệnh trĩ nên ăn gì?

Các triệu chứng bệnh trĩ thường gặp là đau và ngứa hậu môn, đi cầu ra máu, sưng quanh vùng hậu môn,…Nguyên nhân gây bệnh trĩ thường do chế độ ăn nghèo chất xơ dẫn đến táo bón kéo dài, uống ít nước, ngồi lâu trên bồn cầu,…Để cải thiện những triệu chứng trên và khắc phục các nguyên nhân trên, người bệnh trĩ nên chú ý bổ sung những thực phẩm dưới đây:

  • Thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu hóa thức ăn, giảm đầy bụng, táo bón. Vì thế, những người bệnh trĩ nên ăn những thực phẩm chứa nhiều chất xơ.

Chất xơ được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm sau đây: rau đay, mồng tơi, cải bẹ xanh, các loại hạt, trái cây,...

benh-tri-nen-an-gi-kieng-gi-voh-1

Thực phẩm nhiều chất xơ rất có lợi cho người bệnh trĩ (Nguồn: Internet)

  • Thực phẩm giàu magie

Các thực phẩm chứa nhiều vi chất magie như sữa, đậu đũa, khoai lang, rau đay, mồng tơi, khoai sọ, đu đủ, chuối tiêu, sữa chua,…sẽ giúp tăng cường nhu động ruột.

  • Các thực phẩm có tính nhuận tràng

Các loại rau như rau mồng tơi, rau khoai lang, rau diếp cá, rau dền,…và các loại trái cây như chuối, đu đủ,…có tính nhuận tràng tốt, do đó, người bệnh trĩ nên bổ sung những thực phẩm này để giúp ngăn ngừa táo bón, khối phân mềm và đi cầu dễ dàng hơn, ít gây đau đớn.

  • Uống nhiều nước

Bên cạnh các thực phẩm người bệnh trĩ nên ăn thì người bệnh cũng cần chú ý uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ chuyển hóa, giúp làm mềm phân và đi cầu không bị đau rát hay chảy máu. 

Người bệnh trĩ có thể uống nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau củ,…thay phiên nhau trong ngày để tránh nhàm chán.

1.2 Bệnh trĩ kiêng ăn gì?

Đối với người bệnh trĩ, tiêu thụ một số thực phẩm có hại có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn, thậm chí khó chữa khỏi. Vì vậy, nếu mắc bệnh trĩ nên kiêng ăn những thực phẩm dưới đây:

  • Ngũ cốc tinh chế

Các loại ngũ cốc tinh chế gồm những loại ngũ cốc được xay nhuyễn và loại bỏ lớp vỏ cám. Những loại ngũ cốc này thường được dùng làm bánh quy, bánh snack, bánh mì,…người bệnh trĩ ăn nhiều dễ gây táo bón, khiến việc đi cầu trở nên khó khăn hơn, thậm chí gây chảy máu khi đi cầu.

  • Thực phẩm có tính cay nóng

benh-tri-nen-an-gi-kieng-gi-voh-2

Bị bệnh trĩ thì không nên ăn những thức ăn cay nóng (Nguồn: Internet)

Những thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, gừng, mù tạt,…khi hấp thu vào cơ thể dễ tăng huyết áp, đổ mồ hôi. Nếu người bệnh trĩ ăn quá nhiều những thực phẩm này sẽ dễ gây táo bón, khiến bệnh trĩ thêm nặng hơn.

  • Thức uống chứa cồn, caffein

Theo Đông y, những thức uống chứa cồn, chất kích thích dễ làm cho nội tạng tích nhiệt, khiến cơ thể mất nước, phân trở nên khô cứng, từ đó làm tổn hại đến niêm mạc trực tràng, làm sung huyết, cản trở quá trình lưu thông máu. 

  • Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ

Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ dễ gây đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa làm tăng nguy cơ táo bón. Táo bón kéo dài sẽ gây áp lực lên hậu môn, từ đó làm cho các búi trĩ phát triển.

Chế độ ăn ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị bệnh trĩ. Vì vậy, người bệnh hãy chọn cho mình những thực phẩm giúp khắc phục bệnh trĩ cũng như tránh các thực phẩm có hại. 

Xem thêm: Trĩ nội là gì? Làm sao nhận biết và phòng ngừa?

2. Chế độ sinh hoạt dành cho người bệnh trĩ

2.1 Bệnh trĩ nên làm gì?

Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh trĩ cũng cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và tập luyện sao cho khoa học. Cụ thể là:

benh-tri-nen-an-gi-kieng-gi-voh-3

Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày để ngăn ngừa bệnh trĩ tái phát (Nguồn: Internet)

  • Tích cực tập thể dục thể thao để tăng nhu động ruột, kích thích sự hấp thu và tiêu hóa.
  • Đi cầu ngay khi có cảm giác mắc cầu.
  • Rèn luyện thói quen đi cầu mỗi ngày để phân không dồn ứ nhiều bên trong, tốt nhất là đi cầu vào mỗi sáng sau khi thức dậy.
  • Dùng nước rửa hậu môn sau khi đi cầu, sau đó dùng khăn bông mềm để lau khô hậu môn.
  • Ngâm hậu môn trong nước ấm sẽ giúp giảm sưng và đau, giảm nhiễm trùng và phù nề. Mỗi ngày, người bệnh có thể ngâm rửa hậu môn 2 lần với nước muối ấm pha loãng.

2.2 Bệnh trĩ kiêng gì để mau khỏi bệnh?

Người bệnh trĩ cần kiêng một số việc sau đây để nhanh chóng đẩy lùi được bệnh:

  • Kiêng ngồi nhiều, ngồi lâu một chỗ mà không vận động.
  • Không nên nhịn đi cầu.
  • Không nên dùng giấy thô cứng để vệ sinh hậu môn sau khi đi cầu vì dễ làm trầy xước niêm mạc và tổn thương búi trĩ.
  • Không nên vệ sinh hậu môn bằng xà phòng vì dễ gây khô da và nó có tính kích ứng mạnh dễ gây đau rát.
  • Không rặn mạnh khi đi cầu vì sẽ tạo áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu. 

Nhìn chung, xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học và kiêng khem đúng mức thì người bệnh trĩ sẽ giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu, khắc phục được các nguyên nhân, từ đó điều trị bệnh trĩ tốt nhất và phòng ngừa tái phát hiệu quả.