Bị chàm khi mang thai có sao không?

(VOH) – Phụ nữ mang thai mắc bệnh chàm thường gây ra tình trạng ngứa ngáy khó chịu, đôi khi da còn bị bong tróc nếu gãi mạnh. Vậy phụ nữ bị chàm khi mang thai có sao không?

Thắc mắc thính giả

Chào bác sĩ, tôi đang mang thai và làn da của tôi thường có cảm giác nóng rát, ngứa ngáy khó chịu. Lúc đầu tôi nghĩ mình bị dị ứng da nhưng sau khi đi khám thì bác sĩ nói là bị chàm, tình trạng này thường tái đi tái lại rất nhiều lần. Tôi nghe nói, bị chàm khi mang thai thì con sinh ra sẽ bị chàm do di truyền, vậy điều này có đúng không và hiện tại tôi có thể điều trị được hay không?

bi-cham-khi-mang-thai-co-sao-khong-voh

Bà bầu bị chàm có sao không? (Nguồn: Internet)

1. Bị chàm khi mang thai nên làm gì?

Theo ThS, BS Nguyễn Duy Hải (Giám đốc phòng khám da liễu thẩm mỹ Duy Hải) cho biết, phụ nữ trong quá trình mang thai các bệnh về da gây ngứa sẽ tăng lên nhiều hơn và thường gặp nhất là viêm da cơ địa hay còn gọi là tràm. Đây là tình trạng viêm bì, viêm hạ bì xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên như: nước, hóa chất… Một số trường hợp có thể liên quan đến thực phẩm như: thịt bò, thịt gà, đồ hải sản, thức ăn lên men....

Phụ nữ bị chàm khi mang thai có thể khiến diễn tiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, thai phụ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và có những chỉ định dùng thuốc uống, thuốc bôi phù hợp.

Bên cạnh việc thăm khám và dùng thuốc thì phụ nữ mang thai khi bị chàm cần phải có chế độ chăm sóc phù hợp bằng cách:

  • Hạn chế tiếp xúc với những hóa chất như nước rửa chén, xà phòng… Nếu có tiếp xúc thì nên sử dụng găng tay nhựa.
  • Tìm kiếm các dị nguyên có thể gây gây dị ứng từ thức ăn để hạn chế sử dụng Tuy nhiên, do không thể ngừng ăn tất cả những món ăn có chứa dị nguyên gây dị ứng vì mẹ bầu cần phải đảm bảo dinh dưỡng để thai nhi được phát triển khỏe mạnh, cho nên tốt nhất các mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để có được một chế độ ăn hợp lý.
  • Cố gắng uống thuốc và bôi thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

2. Bệnh chàm khi mang thai có di truyền không?

Bác sĩ Nguyễn Duy Hải cho biết, trên thực tế một số trẻ sau sinh ra thường sẽ gặp một tình trạng mà trong dân gian hay gọi là chàm sữa, đây cũng là 1 dạng viêm da cơ địa.

Chàm sữa là bệnh lý có yếu tố di truyền, thường khởi phát khi trẻ từ 3-6 tháng tuổi, thường thấy nhiều nhất là ở 2 bên má .

Khi thấy trẻ bị chàm sữa ba mẹ nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để thăm khám và điều trị đúng cách.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: