Bị say nắng, say nóng nên xử trí thế nào?

(VOH) – Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng cao điểm.... Và tình trạng này lại không hề đơn giản như nhiều người vẫn thường nghĩ.

Say nắng, say nóng không đơn thuần là khiến cho cơ thể bị mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt nhức đầu... mà nó còn có thể gây đột quỵ. Nếu nạn nhân không được xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.

Say nắng, say nóng là gì?

Theo định nghĩa y khoa, say nắng, say nóng là tình trạng thân nhiệt tăng lên và lúc này nhiệt độ bên trong cơ thể đã vượt qua mức 40.6 độ C (MSN dẫn lời tiến sĩ Emma Wedgeworth - bác sĩ da liễu của Quỹ da liễu Anh)

Say nắng

Say nắng thường xảy ra ở những người thường xuyên phải lao động, làm việc hoặc đi quá lâu ngoài trời nhưng không trang bị đồ bảo vệ như nón (mũ), quần áo dài chống nắng. Dưới tác động liên tục của các tia UV, tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng cổ gáy, trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể sẽ bị chấn động gây ra hiện tượng rối loạn và tình trạng mất nước cấp.

Tình trạng say nắng nếu diễn ra liên tục kéo dài có thể là dấu hiệu thần kinh sớm, các tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể làm tích tụ máu dưới màng cứng và trong não.

bi-say-nang-say-nong-xu-tri-the-nao-voh

Những người làm việc liên tục ngoài trời nắng rất dễ bị say nắng (Nguồn: Internet)

Say nóng

Khác với say nắng, tình trạng say nóng thường gặp ở những người làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, nóng bức như trong lò hầm, phòng kín...Ngoài ra, cũng có thể gặp ở người phơi mình quá lâu dưới ánh nắng hay hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ như làm việc nặng nhọc kéo dài, chơi các môn thể thao cường độ cao...

Khi làm việc trong môi trường nóng bức hoặc hoạt động thể lực quá sức sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Từ đó dẫn đến tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt và rối loạn vận mạch.

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng say nắng, say nóng như:

  • Thừa hoặc thiếu cân
  • Tuổi quá cao hoặc quá nhỏ
  • Không uống nước hoặc uống ít nước
  • Mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim – phổi – thận, bệnh tâm thần...
  • Đang sử dụng một số loại thuốc như: thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch, thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh...

Say nắng, say nóng có biểu hiện như thế nào?

Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Khi bị say nắng hoặc say nóng cơ thể sẽ phát ra một số cảnh báo chung như:

Tăng thân nhiệt: Đây là biểu hiện chung của cả say nắng và say nóng. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Nếu không được bù kịp sẽ làm giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng, có thể gây tử vong. Ngoài ra, nó còn có thể gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh...

Ngất xỉu: Người bị say nắng hoặc say nóng đều có thể bị ngất xỉu.

Những biểu hiện khác:

  • Người bị say nắng: Biểu hiện sốt cao trên 39 độ, lúc đầu thở sâu, mạch nhanh, sau đó là thở nông và mạch yếu, đồng tử giãn, lú lẫn, mê sảng, co giật, ngất. Say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy,
  • Người bị say nóng: Da nạn nhân bị lạnh và ẩm ướt (do gắng sức, da thường ẩm), tái mét, vã mồ hôi; miệng khô, yếu sức, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, bị chuột rút; mạch nhanh và yếu; loạn nhịp tim, hạ huyết áp; hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn; rối loạn thần kinh trung ương; suy gan và thận, rối loạn đông máu...

Dấu hiệu trẻ em bị say nắng: Khi bị say nắng trẻ thường mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt có thể lên đến 40 - 41 độ C, nhịp thở nhanh nông, mạch yếu, khó bắt hoặc không bắt được. Nếu trẻ say nắng nặng, trẻ có biểu hiện như sốt cao co giật, hôn mê.

Say nóng, say nắng kéo dài trong bao lâu?

Các biểu hiện của tình trạng say nắng, say nóng có thể sẽ tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian.

Ban đầu có thể là những biểu hiện nhẹ như tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp trống ngực. Sau đó chuyển sang trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, khó thở tăng dần, chuột rút.... Cuối cùng là ngất xỉu, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

Cách xử trí khi nạn nhân bị say nắng, say nóng

Khi thấy người bị say nóng cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Các bước tiến hành như sau:

  1. Đưa nạn nhân vào nơi râm mát

Chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió hoặc tới môi trường có điều hòa nhiệt độ và cởi bớt những quần áo nào không cần thiết.

  1. Làm mát cơ thể tức thì

bi-say-nang-say-nong-xu-tri-the-nao-1-voh

Chườm mát cơ thể để làm hạ thân nhiệt (Nguồn: Internet)

Có thể sử dụng quạt và làm ướt da nạn nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước. Áp túi nước mát vào nách, bẹn, cổ và lưng nạn nhân để làm hạ thân nhiệt nhanh chóng, vì những khu vực này có nhiều mạch máu gần da.

  1. Theo dõi liên tục tình trạng nạn nhân

Người sơ cứu cần phải theo dõi liên tục ý thức, tình trạng mất nước của nạn nhân. Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục và kèm theo các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở... thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý: Trong quá trình chuyển vẫn phải thường xuyên chườm mát cho nạn nhân. Nên nhớ rằng, hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc đặc hiệu nào làm giảm thân nhiệt trong say nóng và say nắng.    

Làm sao để phòng chống say nắng, say nóng vào mùa hè?

Cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng chống say nắng, say nóng chính là không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức. Cũng như hạn chế các hoạt động thể lực quá sức.

Luôn trang bị cho mình những thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính mát, kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF trên 30...

Làm thoáng mát môi trường làm việc, nhất là ở tại các công xưởng, hầm lò. Cần tránh làm việc, hoạt động trong thời điểm nắng gắt, nhất là buổi trưa.

Thường xuyên uống nước dù chưa khát. Nên uống các loại nước trái cây có nhiều kali như: nước cam, nước dừa... để bổ sung chất điện giải cho cơ thể.

Sau khoảng thời gian từ 45 phút hay 1 tiếng làm việc ngoài nắng nóng thì nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 – 20 phút.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang eva.vn
  2. Trang giaoducsuckhoe.soctrang.gov.vn
  3. Trang thanhnien.vn

Da bị cháy nắng cần được chăm sóc như thế nào? : Việc đi biển hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời hay ra ngoài vào lúc nắng nóng cao điểm có khiến khiến làn da bị cháy nắng và tổn thương nghiêm trọng.

Tia UV nguy hiểm như thế nào? Và đây là cách phòng tránh an toàn nhất : Hiện nay, người dân TPHCM đang chống chọi với cái nắng khắc nghiệt. Điều đáng nói là chỉ số tia UV đã vượt ngưỡng và có nguy cơ gây ung thư da. Vậy làm sao để phòng tránh tác hại của tia UV?