Bọ chét cắn nên làm gì?

(VOH) - Bọ chét chủ yếu ký sinh trên cơ thể động vật nhưng có thể cắn và lây nhiễm cho người. Hãy học cách xử lý khi bị bọ chét cắn để bảo vệ cho chính mình và thậm chí giúp đỡ những người khác.

Bọ chét là con gì?

Bọ chét hay bù chét là loại côn trùng nhỏ, không có cánh, thuộc bộ Siphonaptera. Đây là một loại ký sinh trùng sống trên da các loài động vật có vú và chim để hút máu.

Bọ chét không có cánh nên di chuyển xung quanh bằng cách nhảy từ nơi này sang nơi khác. Bọ chét là một trong những tác nhân truyền bệnh dịch, chúng cắn và hút máu người gây ra bệnh sẩn ngứa. Ở nước ta, loại bọ chét thường gặp là bọ chét chó và bọ chét mèo.

bo-chet-can-nen-lam-gi-voh-1

Hình ảnh con bọ chét (Nguồn: Internet)

Triệu chứng khi bị bọ chét cắn

Khi bị bọ chét cắn bạn sẽ nhận thấy trên da có những biểu hiện sau:

  • Các vết cắn xuất hiện như nốt mụn nhỏ có màu đỏ.
  • Có một quầng đỏ xung quanh vết cắn trung tâm.
  • Các vết bọ chét cắn tụ lại thành nhóm 3 hoặc 4 nốt hoặc thành một đường thẳng.
  • Các vết cắn xuất hiện xung quanh mắt cá chân hoặc chân.

Bọ chét cắn người thường gây ngứa và da xung quanh vết cắn có thể bị đau hoặc nhói. Ngoài ra, người bị bọ chét cắn cũng có thể bị phát ban hoặc nổi mẩn gần vết cắn.

Nếu bạn không biết cách xử lý khi bị bọ chét cắn mà cứ gãi để làm dịu cơn ngứa thì sẽ có nguy cơ làm tổn thương da và nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn có thể phát triển.

Bị bọ chét cắn phải làm sao?

Phần lớn các trường hợp bị bọ chét cắn không cần phải đến bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên bạn vẫn cần theo dõi các vết cắn để tìm ra dấu hiệu của phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng như mụn nước trắng hoặc phát ban.

Cách trị bọ chét cắn thường được áp dụng tại nhà với các loại thuốc không cần kê toa. Bạn có thể bôi kem kháng histamin hoặc corticoid hoặc DEP. Nếu có viêm tấy, bội nhiễm thì dùng thuốc sát khuẩn hoặc kem kháng sinh. Trường hợp ngứa nhiều có thể kết hợp dùng kháng histamin toàn thân.

Ngoài ra, khi bị bọ chét cắn, bạn cũng có thể dùng dầu tràm bôi lên vết cắn. Loại dầu này cũng có tác dụng giảm triệu chứng do bọ chét cắn.

bo-chet-can-nen-lam-gi-voh-2

Bọ chét cắn sẽ gây ngứa nhưng hãy cố gắng đừng gãi mà hãy dùng các loại thuốc bôi để giảm ngứa (Nguồn: Internet)

Để tránh nhiễm trùng thứ phát, điều quan trọng là bạn không làm trầy xước vết cắn. Trong hầu hết các trường hợp, vết bọ chét cắn sẽ tự hết mà không cần điều trị, quan trọng là bạn cần biết bọ chét cắn bạn đã ký sinh ở sinh vật nào để tìm cách tiêu diệt.

Nếu vật nuôi trong nhà gãi ngứa thường xuyên thì có thể là dấu hiệu chúng bị bọ chét cắn. Khi đó hãy đưa thú cưng của bạn đến gặp bác sĩ thú y, họ sẽ giúp bạn xử lý bọ chét hiệu quả. Điều này không chỉ giúp bảo vệ thú cưng mà còn phòng tránh bọ chét cắn cho chính bạn và cả gia đình.

Bên cạnh việc điều trị bọ chét cho thú cưng, bạn cũng cần phải vệ sinh nơi ở cho chúng bằng cách phun hoặc xịt thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt trứng, ấu trùng, nhộng và bọ chét trưởng thành.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
  3. Trang hellobacsi.com
  4. Trang dalieu.vn
Bị kiến ba khoang đốt: Cách xử lý và phòng ngừa đơn giản: Chất độc của kiến ba khoang được cho là cực kỳ nguy hiểm vì còn độc hơn so với nọc rắn hổ mang. Vậy bị kiến ba khoang đốt sẽ có dấu hiệu gì và cách xử lý nào mới là an toàn nhất? 
Bị rết cắn phải làm sao?: Bất cứ ai cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể xử lý an toàn khi chẳng may bị rết cắn.