Tác dụng của cây bồ công anh với sức khỏe như thế nào?

(VOH) – Nếu là người mê đắm những cánh hoa bồ công anh mỏng manh bay trong gió thì có lẽ bạn sẽ không khỏi bất ngờ khi biết được các tác dụng của cây bồ công anh với sức khỏe ở bài viết này.

Đối với nhiều gia đình, trồng cây bồ công anh không chỉ đơn thuần để làm tiểu cảnh tô điểm cho không gian nhà mà còn “nhân tiện” tận dụng các bộ phận của cây nhằm cải thiện sức khỏe. Vậy cây bồ công anh có đặc điểm thế nào và mang đến dưỡng chất quý giá gì? Cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!

1. Cây bồ công anh có đặc điểm thế nào?

Cây bồ công anh (hay bồ cóc, diếp hoang, diếp dại, diếp trời, mũi mác), có tên khoa học là Lactuca indica, thuộc giống cây thân thảo họ Cúc, có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á. Phần thân của cây mọc thẳng, cao khoảng 1m, nhẵn mịn và không có lông, phiến lá thuôn dài khoảng 13 – 25cm. Theo đó, cây thường được gieo trồng từ hạt, nở hoa vàng sau khoảng 3 tháng, rồi cánh hoa vàng rụng “nhường chỗ” cho cánh trắng mỏng manh.

tac-dung-cua-cay-bo-cong-anh-voi-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-0
Cây bồ công anh là cây thân thảo họ Cúc (Nguồn: Internet)

Điểm đặc biệt khi nhắc tới bồ công anh đó là cây có sức sống rất mãnh liệt, không quá kén đất trồng, thậm chí có thể sinh trưởng tốt ven vệ đường mà không cần chăm bón nhiều. Chính vì vậy, có thể nói cây bồ công anh hấp thu khá nhiều “tinh hoa” của thiên nhiên, chứa đựng vô vàn dưỡng chất quý giá.

2. Tác dụng của cây bồ công anh với sức khỏe

Theo chia sẻ của PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), hầu hết các bộ phận của cây bồ công anh, từ hoa, lá, thân tới rễ đều được điều chế làm thuốc trong y học cổ truyền. Do đó, nếu sử dụng đúng cách, bạn sẽ nhận được những tác dụng của cây bồ công anh như:

2.1 Hỗ trợ giải độc gan

Bồ công anh là dược liệu có tính hàn mát khá điển hình, thường có mặt trong các bài thuốc hỗ trợ giải độc gan và thanh nhiệt cơ thể. Theo đó, bạn có thể hãm trà bồ công anh rồi uống hàng ngày, xen kẽ nước lọc thông thường, nhằm thúc đẩy quá trình bài tiết độc tố, chất thải ra bên ngoài, giảm “áp lực” lên tế bào gan.

Xem thêm: Mát gan giải độc, thanh lọc toàn thân với 8 loại nước uống có sẵn trong nhà

2.2 Cải thiện táo bón

Bên cạnh trà bồ công anh, bổ sung các món ăn từ lá bồ công anh (rau bồ công anh) vào khẩu phần ăn cũng là cách giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa. Lúc này chất xơ inulin từ rau có khả năng kích thích nhu động ruột, tăng co bóp dạ dày và đẩy phân ra ngoài, giảm chứng táo bón hiệu quả.

2.3 Tăng cường sức đề kháng

Bác sĩ Bay cho biết, các bộ phận của bồ công anh rất giàu chất chống oxy hóa, điển hình phải kể đến beta – carotene và polyphenol. Những hoạt chất này có tính kháng viêm, kháng khuẩn rất mạnh, khi vào cơ thể sẽ hình thành nên “hàng rào” ngăn chặn mầm bệnh, từ đây tăng cường sức đề kháng khỏe mạnh hơn.

Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn

2.4 Tốt cho phụ nữ sau sinh

Trà bồ công anh hay các món ăn từ rau bồ công anh được xếp vào nhóm thực phẩm lành mạnh dành cho phụ nữ sau sinh. Đặc biệt, nếu mẹ đang ở trong tình trạng tắc tia sữa thì hãy tham khảo uống thêm bồ công anh, nhằm thúc đẩy thông tuyến sữa cho bé bú.

tac-dung-cua-cay-bo-cong-anh-voi-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-1
Trà bồ công anh thích hợp cho phụ nữ sau sinh (Nguồn: Internet)

2.5 Công dụng bồ công anh kiểm soát đường huyết

Trong bồ công anh có chứa hai nhóm chất cực kì cần thiết đối với người bệnh đang điều trị tiểu đường đó là axit chicoric và chlorogenic. Chúng sẽ đảm nhiệm vai trò kiểm soát tốc độ chuyển hóa đường glucose vào máu, đồng thời điều hòa quá trình bài tiết insulin ổn định.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

2.6 Củng cố xương chắc khỏe

Các bộ phận lá, thân hay rễ bồ công anh được đánh giá là những thảo dược chứa đa dạng khoáng chất tốt cho hệ xương khớp, như canxi, photpho hay magie. Hấp thu các dưỡng chất này từ bồ công anh sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ xương khớp, giảm tỉ lệ loãng xương và gãy xương, duy trì hệ vận động chắc khỏe.

2.7 Tác dụng của cây bồ công anh điều hòa huyết áp

Một trong những tác dụng của bồ công anh không thể quên nhắc tới chính là hỗ trợ điều hòa huyết áp ở mức an toàn, không tăng cao đột ngột. Điều này nhờ vào lượng chất khoáng kali cùng đặc tính hàn mát, lợi tiểu từ bồ công anh, góp phần đào thải lượng muối natri dư thừa, giảm áp lực lên thành mạch và ổn định huyết áp.

2.8 Ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu

Một số nghiên cứu nhận thấy rằng chất đắng taraxacin trong bồ công anh có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiết niệu, nhất là ở nữ giới. Ngoài ra, trà bồ công hay nước bồ công anh đều có tính mát, giúp kích thích bài tiết nước tiểu, khắc phục tình trạng bí tiểu hay tiểu rắt.

Xem thêm: Những thói quen có thể gây nhiễm trùng tiểu mà chị em khó ngờ tới

2.9 Phòng chống thiếu máu

Theo bác sĩ Bay chia sẻ, hàm lượng vi chất sắt được tìm thấy từ bồ công anh khá dồi dào, thậm chí còn cao hơn rau dền hay rau cải bó xôi. Vì vậy, nếu kết hợp linh hoạt các món ăn từ bồ công anh trong thực đơn hàng ngày, bạn có thể cung ứng thêm lượng chất sắt để sản sinh tế bào hồng cầu và phòng chống thiếu máu.

2.11 Hỗ trợ giảm cân

Ngoài đặc tính bảo vệ cơ thể không bị mắc các bệnh viêm nhiễm, taraxacin từ bồ công anh còn tác động tới cơ chế tiết lipase ở tuyến tụy, từ đó hạn chế hấp thu chất béo xấu, ngăn ngừa béo phí và hỗ trợ giảm cân hữu hiệu.

tac-dung-cua-cay-bo-cong-anh-voi-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-2
Trà bồ công anh là thức uống lành mạnh cho chế độ giảm cân (Nguồn: Internet)

2.11 Tăng cường sự tập trung

Nếu đang tìm một thức uống an toàn và bổ dưỡng để lấy lại sự tỉnh táo thì trà bồ công anh là một gợi ý lý tưởng dành cho bạn. Trà thơm dịu, đắng nhẹ nhưng ngọt hậu sẽ “đánh thức” các tế bào thần kinh, đưa bạn trở về trạng thái tập trung làm việc.

3. Rau bồ công anh nấu món gì ngon?

Để “đổi vị” bữa cơm gia đình, bạn hoàn toàn có thể biến tấu nhanh các món ăn ngon từ rau bồ công anh theo một vài gợi ý sau:

3.1 Rau bồ công anh xào

tac-dung-cua-cay-bo-cong-anh-voi-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-3
Rau bồ công anh xào tỏi thơm phức (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau bồ công anh (phần lá và thân còn non): 150 – 200g
  • Tỏi
  • Hành tím
  • Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu

Cách làm rau bồ công anh xào

  • Rửa sạch rau bồ công anh, để ráo nước rồi ngắt thành các khúc ngắn.
  • Băm nhuyễn nhỏ tỏi.
  • Bắc chảo lên bếp, cho dầu và tỏi vào phi thơm, vớt tỏi ra, tiếp tục cho bồ công anh vào xào nhanh, nêm nếm gia vị vừa ăn.
  • Cuối cùng, hãy cho tỏi đã phi thơm vào và tắt bếp. 

Xem thêm: Bí ngòi xào rau ngót – món ăn cực tốt cho đường ruột

3.2 Rau bồ công anh nấu canh

tac-dung-cua-cay-bo-cong-anh-voi-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-4
Canh rau bồ công anh ngọt mát (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau bồ công anh: 200g
  • Tôm tươi: 150g
  • Hành tím
  • Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu

Cách nấu canh rau bồ công anh

  • Ngâm rửa sạch rau bồ công anh với nước muối loãng, sau đó vớt để ráo rồi cắt thành các khúc ngắn.
  • Sơ chế sạch tôm, bóc vỏ, bỏ đầu rồi cắt miếng nhỏ.
  • Phi thơm hành tím, cho tôm vào xào xơ trước, nêm chút gia vị rồi đong lượng nước vừa ăn vào đun sôi.
  • Khi nước sôi thì thả rau bồ công anh vào, nêm nếm gia vị và đun thêm khoảng 7 – 10 phút để rau chín mềm thì có thể tắt bếp.  

3.3 Salad bồ công anh

tac-dung-cua-cay-bo-cong-anh-voi-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-5
Salad bồ công anh thanh đạm (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau bồ công anh: 200g
  • Trứng gà: 2 trái
  • Hành tím phi khô
  • Nước cốt canh
  • Dầu ô liu
  • Gia vị: đường cát trắng, hạt nêm (hoặc muối tinh)

Cách làm salad bồ công anh

  • Ngâm rửa sạch rau bồ công anh, để ráo nước rồi cắt khúc vừa ăn. Đem trụng (chần) chín rau.
  • Luộc chín trứng gà.
  • Pha nước sốt salad gồm pha nước cốt chanh với đường, muối và dầu ô liu.
  • Tiếp tục cho bồ công anh vào một tô lớn, rưới nước sốt vào và trộn đều lên. Sau đó, cho trứng luộc cắt lát mỏng và hành tím phi lên trên là có thể thưởng thức.

Xem thêm: Cách làm salad giảm cân đẹp da, gọn dáng đơn giản tại nhà

4. Lưu ý cần biết để phòng tránh tác dụng phụ của bồ công anh

Không thể phủ nhận rằng các tác dụng của cây bồ công anh mang lại cho sức khỏe rất tuyệt vời, nhưng chúng chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bạn sử dụng đúng cách và khoa học. Vì lẽ đó, hãy chú ý thực hiện đúng theo các khuyến cáo an toàn dưới đây:

4.1 Chọn cây bồ công anh có nguồn gốc rõ ràng

Tự trồng và thu hái bồ công anh để sử dụng là phương án hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp không gian căn nhà không thuận tiện cho việc trồng cây thì bạn hãy tìm kiếm các nhà cung cấp các sản phẩm từ cây bồ công anh uy tín, canh trồng hữu cơ và đảm bảo sức khỏe.

4.2 Không sử dụng quá nhiều

Dù bồ công anh cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng song bạn không nên sử dụng quá nhiều và tiêu thụ liên tục trong thời gian dài. Lời khuyên là mỗi lần chỉ dùng khoảng 200 – 300g rau bồ công anh, từ 100 – 150ml trà bồ công anh.

tac-dung-cua-cay-bo-cong-anh-voi-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-6
Nên sử dụng bồ công anh lượng vừa đủ để bảo vệ sức khỏe (Nguồn: Internet)

4.3 Hạn chế dùng khi có tì vị hư hàn

Trong trường hợp thuộc nhóm đối tượng có tì vị hư hàn, dễ bị lạnh bụng và tiêu chảy thì bạn nên hạn chế dùng bồ công anh, tránh khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

4.4 Không thay thế thuốc đặc trị

Các bài thuốc hay món ăn từ bồ công anh chỉ mang tính hỗ trợ cải thiện sức khỏe, không thể thay thế hoàn toàn cho thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị bệnh, bạn nên tham khảo bác sĩ chuyên khoa về liều lượng bồ công anh phù hợp trước khi sử dụng.

5. Thành phần dinh dưỡng của bồ công anh

Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), 100g bồ công anh có những thành phần hóa học sau đây:

  • Năng lượng: 45Kcal
  • Folate: 27µg
  • Niacin: 0.806mg
  • Axit pantothenic: 0.084mg
  • Pyridoxine: 0.251mg
  • Riboflavin: 0.260mg
  • Thiamin: 0.190mg
  • Vitamin A: 10161IU
  • Vitamin C: 35mg
  • Vitamin E: 3.44mg
  • Kali: 397mg
  • Canxi: 187mg
  • Sắt: 3.10 mg
  • Magie: 36mg
  • Mangan: 0.342mg
  • Phốt pho: 66mg
  • Carotene-ß: 5854 µg 

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này: