Bộ Y tế đã đăng ký mua vắcxin phòng COVID-19 của Nga và Anh

(VOH) - Chiều 13/8, Bộ Y thông tin sẽ nỗ lực hết mình để có thể có được vắcxin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Cụ thể, Bộ Y tế đang rất nỗ lực và tích cực phối hợp với các nhà cung cấp vắcxin trên thế giới để thực hiện mua và phối hợp sản xuất vắcxin, trong đó có Nga, Anh, Mỹ và các nước khác. Mới đây, Bộ Y tế đã đăng ký mua vắcxin của Nga và Anh.

Tuy nhiên, việc cung cấp vắcxin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất.

Bộ Y tế đã đăng ký mua vắcxin phòng COVID-19 của Nga và Anh

Đại học Oxford (Anh) đã bào chế xong một loại vắcxin ngừa COVID-19 và đang được thử nghiệm ở Anh, Brazil và Nam Phi. Ảnh: NATURE

Trong thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vắcxin trong nước đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp với các công ty, các đối tác sản xuất và cung cấp vắcxin có uy tín trên thế giới nhằm có vắcxin ngừa COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Về sản xuất vắcxin trong nước, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) đang phối hợp với Trường Đại học Briston của Anh nghiên cứu sản xuất vắcxin theo công nghệ vector virus. Đây là công nghệ tiên tiến được nhiều hãng sản xuất vacine lớn trên thế giới sử dụng trong phát triển vắcxin ngừa COVID-19.

Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) đang phối hợp với tổ chức PATH của Mỹ để sản xuất vắcxin trên cơ sở quy trình sản xuất vắcxin cúm mùa và cúm đại dịch theo chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Serbia.

IVAC là một trong 14 nhà sản xuất vắcxin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn để hợp tác sản xuất vắcxin cúm đại dịch.

Các đơn vị khác như Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế POLYVAC và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắcxin COVID-19, bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.

Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian, nên đây là một trong những thách thức lớn trong việc sớm đưa vaccine tiếp cận với người dân.

* Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng nay 14/8, Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam có đặt mua vắcxin ngừa COVID-19 do Nga sản xuất. Đây là loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên công bố ra mắt trên thế giới.

Theo đó, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Chính phủ Việt Nam sẽ tài trợ một số máy móc, sinh phẩm, thiết bị phòng chống COVID-19, bao gồm cả vắcxin vừa ra mắt kể trên.

Sau khi nhận văn bản này, đại diện Việt Nam và Nga đã trao đổi về số lượng vắcxin Việt Nam có thể đặt dao động trong khoảng 50 - 150 triệu liều, trong đó có một phần là phía Nga tặng, một phần là phía Việt Nam trả tiền.

Tuy nhiên, thời điểm tiếp nhận và mua/bán vắc xin vẫn chưa rõ ràng, do còn tiếp tục nhiều thủ tục. Về giá vắcxin cũng chưa rõ phía Nga sẽ bán với giá như công bố hay thấp hơn giá này.

Bộ Y tế đã đăng ký mua vắcxin phòng COVID-19 của Nga và Anh

Loại vắc xin Sputnik V sẽ được sử dụng rộng rãi ở Nga để ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19 tại nước này. Ảnh: TRTWorld

Hôm 11/8, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga đã đăng ký loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik V. Vắcxin này do Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya cùng Viện Nghiên cứu 48 - Bộ Quốc phòng Nga hợp tác phát triển.

Cái tên Sputnik V được lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.

Người đứng đầu Hội đồng quản trị Công ty R-Pharm, ông Alexey Repik, cho biết giá xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 của Nga ít nhất là 10 USD cho 2 liều.

Bằng chứng cho thấy virus nCoV có thể bay lơ lửng xa đến 5 mét - Mới đây một nhóm các nhà virus học và chuyên gia về aerosol của Đại học Florida (Mỹ) đã chứng minh được đúng điều đó: virus còn sống quả thật lơ lửng trong không khí và có khả năng lây nhiễm.

N.T (tổng hợp)