Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng với 3 chú ý quan trọng

(VOH) - Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng tại nhà cần đặc biệt chú ý đến việc ăn uống, vệ sinh để tránh lây lan và biến chứng.

Bệnh có tính lây lan nhanh, diễn biến theo chu kỳ, đặc biệt thường bùng phát vào giai đoạn chuyển mùa, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Bệnh tay chân miệng là bệnh rất dễ lây, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi. 

lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà voh.com.vn

Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường quấy khóc và biếng ăn khiến phụ huynh lo lắng

Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý 3 vấn đề để sớm giúp con mình bình phục.

1. Chế độ ăn cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Khi trẻ nhiễm bệnh, biểu hiện đặc trưng nhất là các vết loét hoặc nốt phồng đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lưỡi... gây đau, nhức khiến cháu quấy khóc, bỏ ăn (hoặc bú) do không nhai, nuốt được. Vì thế, giai đoạn này, bé cần món ăn giàu dinh dưỡng và khoáng chất, dễ hấp thu để nhanh chóng hỗ trợ tăng sức đề kháng cho bé.

  • Cháo nhuyễn: Tốt nhất là xay cháo thật nhuyễn để bé đỡ phải nhai, tránh gây đau ở miệng. Mẹ có thể xay nhuyễn thịt heo, bò và thêm cả rau, củ để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ chất đạm, chất xơ. Khi vết loét đã đỡ đau rát (khoảng sau 5 ngày), bé có thể ăn cháo như thường mà không cần xay nữa.

ăn cháo cho trẻ bị tay chân miệng voh.com.vn

Nên cho trẻ ăn cháo đã xay nhuyễn để tránh làm tăng cảm giác khó chịu của bé 

  • Sữa: Sữa chứa nhiều protein giúp bé mau hồi phục đồng thời cung cấp nước để bù lại những cơn sốt làm bé kiệt sức. Một ly sữa mát sẽ giúp bé cảm thấy dịu lại trong miệng. Hãy cho bé uống từng chút, chia nhiều lần trong ngày.
  • Sữa chua là một lựa chọn tốt do giúp bé thấy dễ chịu và bổ sung lợi khuẩn giúp tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, các mẹ nên cho bé dùng nước ép trái cây thay cho nước uống hằng ngày, vì thức uống này bổ sung rất nhiều vitamin giúp bé nâng cao sức đề kháng. Các loại trái cây mẹ có thể cho bé dùng là: dưa hấu, xoài, bơ, đu đủ...

2. Trẻ em bị tay chân miệng cần kiêng gì ?

Khi nhiễm bệnh, trẻ thường hay sốt tuy nhiên phụ huynh chỉ cần cho bé mặc đồ rộng, nằm nghỉ ở nơi thông thoáng. Đừng lạm dụng thuốc hạ sốt. Chỉ nên dùng thuốc khi thân nhiệt cháu vượt quá 38, 5 độ C. 

Do trẻ bị nổi các mụn nước trong khoang miệng và trên lưỡi, chúng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết loét gây đau rát làm trẻ khó ăn uống. Vì những nguyên nhân này, các phụ huynh đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ:

  • Tuyệt đối không cho trẻ ăn thức ăn nóng và cứng. Không nên ép trẻ ăn quá nhiều, khi bé đã từ chối không ăn thì nên ngưng ngay và bù vào bằng một ly sữa lạnh, một bánh flan, một hũ yaourt hoặc một ly nước trái cây lạnh. Không nên ép trẻ ăn quá làm trẻ khóc, trẻ sẽ mệt mỏi hơn.
  • Không cho trẻ ngậm đồ chơi hay núm vú cao su. Chú ý, tránh dùng những loại muỗng có cạnh bén để đút cho trẻ. Không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.
  • Nhiều phụ huynh có quan niệm dùng khăn, bông gạc thấm nước muối để chà sạch răng miệng cho trẻ, điều này tăng nguy cơ chạm, vỡ các nốt phồng, làm trầm trọng thêm vết thương của bé. Cách tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý xúc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. Sau súc miệng, không cho bé ăn gì thêm trong 3 – 4 giờ, chỉ khi đến bữa mới cho ăn.

chọn cách ăn thích hợp cho trẻ bị tay chân miệng tại nhà voh.com.vn

Khi cho trẻ ăn, không nên dùng muỗng có viền mỏng, sắc cạnh vì có thể gây tổn thương các nốt phồng

3. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể tắm?

Thông thường, sau 2 -3 ngày có biểu hiện bệnh, các mụn nước bắt đầu mọc khắp cơ thể và tự khô lại sau 7 – 10 ngày.

Theo quan niệm dân gian, nhiều bậc phụ huynh thực hiện kiêng gió, kiêng nước dẫn đến việc không tắm cho trẻ. Đây là điều sai lầm, bởi khi trẻ bị sốt, mồ hôi và dịch tiết ra từ các nốt phồng bị vỡ là môi trường tốt cho vi khuẩn có hại sinh trưởng và phát triển, dẫn đến những căn bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm.

Vì thế, đừng tránh việc tắm cho trẻ, thay vào đó hãy sử dụng xà bông diệt khuẩn để thực hiện vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho bé, sau đó lau khô, nhất là cổ, nách, háng... và cho bé mặc quần áo mỏng, nhẹ, nằm ở nơi thoáng mát.

Điều quan trọng nhất trong việc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là giữ vệ sinh sạch sẽ và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Tóm lại, đa số trẻ em khi mắc bệnh tay chân miệng thường bị sụt cân nhanh nên phụ huynh cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nước và chất khoáng cho bé để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể phục hồi nhanh.

Về cơ bản, đây là căn bệnh không cần phải kiêng nhiều ngoại trừ việc không cho trẻ ăn thức ăn nóng và cứng. Ngoài ra cũng cần vệ sinh răng miệng, và giữ bé trong môi trường thoáng mát.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", việc phòng tránh lây lan của bệnh tay chân miệng đặc biệt quan trọng vì đây là bệnh dễ lây. Một khi nếu mắc bệnh, các phụ huynh cần đáp ứng đúng yêu cầu điều trị của bác sĩ để không bị biến chứng nguy hiểm.