Cách điều trị tràn dịch màng phổi nhanh chóng hồi phục

(VOH) - Việc điều trị tràn dịch màng phổi lành tính thường không quá phức tạp, tuy nhiên trường hợp ác tính tái phát nhiều lần thì khó điều trị và nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng rất lớn.

1. Tràn dịch màng phổi là gì?

Tràn dịch màng phổi hay hội chứng tràn dịch màng phổi là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng tích tụ dịch (có thể là máu, dịch hoặc khí) trong khoang trống giữa phổi và thành ngực vượt quá mức cho phép khoang màng phổi, từ đó gây nên những biến đổi trên lâm sàng.

Ở Mỹ, hàng năm có khoảng trên 1 triệu người bị tràn dịch màng phổi. Ở nước ta, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng số lượng người bị tràn dịch màng phổi cũng khá nhiều.

cach-dieu-tri-tran-dich-mang-phoi-nhanh-chong-hoi-phuc-voh-1

Khi có nhiều dịch hơn bình thường trong khoang màng phổi thì được gọi là tràn dịch màng phổi (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân tràn dịch màng phổi?

Tràn dịch màng phổi là do một kích thích hoặc nhiễm trùng ở phổi gây ra. Nhiều bệnh có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi gồm:

  • Nhiễm trùng phổi (viêm phổi).
  • Suy tim sung huyết.
  • Xơ gan (chức năng gan kém).
  • Ung thư hệ bạch huyết, loại ung thư bắt đầu trong hệ thống miễn dịch.
  • Ung thư phổi nguyên phát hay ung thư phổi di căn từ nơi khác đến.
  • Tắc mạch phổi, là tình trạng tắc nghẽn trong động mạch phổi.

Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân rất quan trọng trong việc điều trị và tiên lượng cho người bệnh.

3. Triệu chứng tràn dịch màng phổi là gì?

cach-dieu-tri-tran-dich-mang-phoi-nhanh-chong-hoi-phuc-voh-2

Ho và khó thở là triệu chứng bao hiệu tràn dịch màng phổi (Nguồn: Internet)

Khó thở, nhất là khó thở khi nằm là triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng tràn dịch màng phổi. Biểu hiện tiếp theo là đau ngực bên tràn dịch, có thể kèm theo sốt. Bệnh nhân có thể ho khan hay ho có đàm nếu nguyên nhân gây tràn dịch là viêm phổi.

Nếu tràn dịch màng phổi do ung thư phổi, các cơn ho có thể kéo dài kèm theo khạc ra máu lẫn đàm, cơ thể suy kiệt.

Khi chụp X-quang phổi thấy hình mờ đậm, đồng đều, dịch thường ở dưới thấp, có khi mờ ở cả 2 bên phổi, tim bị đẩy sang bên đối diện.

4. Điều trị tràn dịch màng phổi bằng cách nào?

Thông thường, điều trị tràn dịch màng phổi sẽ bắt đầu với việc điều trị các nguyên nhân để giảm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Tùy thuộc vào tình trạng gây ra sự tích tụ chất lỏng mà việc điều trị có thể khác nhau.

Thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng khi có nguyên nhân nhiễm trùng. Thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng để giảm dần lượng dịch ứ đọng trong màng phổi.

Chất lỏng thường không cần xử lý riêng, vì nó sẽ tự biến mất nếu nguyên nhân cơ bản được giải quyết. Nếu chất lỏng tích tụ có mủ, gây ra cảm giác khó chịu, bác sĩ sẽ rút chất lỏng bằng cách hút dịch màng phổi hoặc dẫn lưu màng phổi.

Nhìn chung, tùy từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu tràn dịch màng phổi do nhiễm khuẩn sẽ dùng kháng sinh, nếu do lao thì điều trị bằng thuốc kháng lao, nếu ung thư thì phẫu thuật hoặc hóa trị và xạ trị, điều trị suy tim, xơ gan, suy thận,…

Bên cạnh việc điều trị đúng cách, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi nhiều, ăn những thức ăn nhẹ như cháo, súp để dễ tiêu mà đủ năng lượng và dinh dưỡng. Khi cơ thể đã khỏe mạnh trở lại thì mới ăn uống bình thường.

cach-dieu-tri-tran-dich-mang-phoi-nhanh-chong-hoi-phuc-voh-3

Người bị tràn dịch màng phổi nên ăn thức ăn dễ tiêu như cháo hay súp (Nguồn: Internet)

5. Tràn dịch màng phổi phải kiêng gì?

Người bị tràn dịch màng phổi nên kiêng những việc sau đây:

  • Kiêng rượu, bia, các loại đồ uống có cồn, có ga,…
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Hạn chế ăn quá mặn.
  • Kiêng đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ vì dễ kích thích niêm mạc họng gây ho.
  • Không nên ăn, uống đồ lạnh như nước đá, kem,...vì sẽ gây ho, lạnh phổi.

Trong quá trình điều trị, người bệnh tràn dịch màng phổi nên kiêng những việc trên để sớm hồi phục và phòng ngừa nguy cơ tái phát.