Cách giảm trào ngược dạ dày, thực quản ở trẻ sơ sinh

(VOH) – Trẻ thường nôn trớ sau khi bú sữa là cách gọi khác của chứng trào ngược dạ dày thực quản. Phần lớn trẻ tự hết sau 6 – 12 tháng nhưng mẹ có thể giúp bé giảm bớt tình trạng này bằng những cách đơn giản

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Bé sinh đủ tháng, lúc sinh được 2,9kg. Nay bé 1,5 tháng. Gần đây bé thường bị ọc sữa sau khi uống sữa công thức. Mỗi ngày ọc sữa 4 – 5 lần kéo dài 10 ngày. Đây là một trong số những thắc mắc gửi về VOH liên quan đến việc con nhỏ thường bị nôn trớ sau khi bú sữa.

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM tư vấn:

Ở độ tuổi này, việc bé bị ói thường do trào ngược dạ dày thực quản. Với trường hợp trẻ không bị sinh non, nhẹ cân thì có thể là do rối loạn về mặt chức năng.

Đối với trẻ nhỏ, bao tử thường chứa lượng thức ăn (sữa) khá dài bởi vì từ dạ dày đi xuống ruột non có một khối cơ rất chắc gọi là khối cơ môn vị. Khi dạ dày co bóp có khuynh hướng đi ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản sẽ nhiều hơn (bởi cơ này quá chắc) làm cho thức ăn xuống ruột khó khăn hơn.

Em bé còn nhỏ, thứ ăn lỏng (sữa) trong khi dạ dày nằm ngang nên chỉ cần một co bóp bất thường có thể tạo nên tình trạng nôn trớ sau ăn (tức trào ngược dạ dày thực quản). 

Để điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản, có mấy lưu ý sau:

Cho bé bú sữa từng ít, chia làm nhiều lần để đảm bảo lượng sữa bé bú không thay đổi

Bé bú xong vỗ vai bé nhẹ nhàng cho bé ợ phần hơi trong dạ dày, dạ dày thu nhỏ lại, ít co bóp mạnh nên hạn chế trào ngược hơn.

Sau đó cho bé nằm xuống thì phải để nằm đầu hơi cao.

Nếu bé ói liên tục kéo dài (1 tuần lễ trở lên) nên đưa bé đi khám. Nếu cần bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm. Nếu trong vòng 10 phút mà có 6 cơn trào ngược thì bé sẽ được cho uống thuốc làm dịu cơn trào ngược.

Tình trạng này còn liên quan đến sinh lý nên khi bé lớn thêm môn vị mềm ra, dãn ra hơn, thần kinh bé ổn định thì sẽ giảm dần

Đa số trường hợp trẻ tự hết trong vòng 6 – 12 tháng