Cách mát xa chân cho bà bầu để thoát khỏi chứng phù nề

(VOH) – Phù chân và tê chân là rắc rối mà rất nhiều mẹ bầu thường xuyên gặp phải trong thai kỳ. Để giảm bớt những khó chịu này, bạn có thể thử học cách mát xa chân cho bà bầu.

Bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, nhiều mẹ bầu đã bắt đầu phải đối mặt với chứng phù nề, đặc biệt là ở chân. Phù chân ảnh hưởng trực tiếp tới việc đi lại của mẹ bầu, lúc này trợ thủ giúp mẹ thư giãn chính là những động tác mát xa chân cho bà bầu. Thế nhưng việc mát xa chân cho bà bầu có thật sự tốt và liệu có trường hợp nào nên tránh sử dụng thủ thuật này không?

Bà bầu mát xa chân có thật sự an toàn?

Mát xa chân là thủ thuật đang được rất nhiều mẹ bầu yêu thích để giúp giảm đau nhức trong thời gian mang thai. Mặc dù vậy, phương pháp này hiện nay vẫn chưa được bất kỳ cơ quan y tế nào kiểm chứng. Vì thế, lợi ích của nó vẫn chưa được nhiều người công nhận. Thậm chí, một số trung tâm spa cũng không dám nhận mát xa chân cho bà bầu.

Tuy nhiên thực tế, việc mát xa chân trong thời kỳ mang thai nếu được thực hiện đúng cách sẽ không ảnh hưởng gì đến mẹ bầu cũng như thai nhi, đồng thời còn giúp đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ mang thai.

Lợi ích của việc mát xa chân khi mang thai

Thực hiện các động tác mát xa chân cho bà bầu sẽ giúp mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ và bé như:

  • Về mặt sức khỏe

Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ tích tụ rất nhiều chất lỏng dư thừa. Thêm vào đó, tử cung lớn dần còn tạo áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch chủ, khiến dòng máu ở chân lưu thông chậm tạo ra hiện tượng ứ đọng, sưng phù đau nhức. Bà bầu mát xa chân thường xuyên sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng đau nhức, khó chịu này.

cach-mat-xa-chan-cho-ba-bau-de-thoat-khoi-chung-phu-ne-voh

Mát xa chân mang đến nhiều lợi ích cho mẹ bầu (Nguồn: Internet)

  • Về mặt tinh thần

Các động tác mát xa chân có thể giúp mẹ bầu thư giãn, xoa dịu tâm trí. Điều này rất cần thiết cho các mẹ bầu mới lần đầu mang thai, những mẹ luôn lo lắng và căng thẳng về việc sinh nở cũng như quá trình chăm sóc em bé sau khi sinh.

Đối với mẹ bầu có dấu hiệu trầm cảm, mát xa chân có thể giúp mẹ cải thiện tâm trạng. Từ đó, em bé sinh ra sẽ được khỏe mạnh, giảm nguy cơ sinh non.

  • Đối với thai nhi

Không chỉ tốt cho mẹ, các động tác mát xa còn giúp kích thích sự phát triển của thai nhi. Khi xoa bóp bàn chân, em bé trong bụng có thể cảm nhận được và sẽ phản ứng lại bằng cách di chuyển bên trong bụng mẹ. Vì vậy, mát xa chân thường xuyên sẽ giúp tăng cường sự gắn kết giữa hai mẹ con.

Do đó, nếu thích mát xa thì mẹ bầu có thể đến những trung tâm spa uy tín để được thực hiện các bài tập mát xa chân. Hoặc mẹ cũng có thể nhờ chồng hoặc người thân thực hiện những động tác mát xa chân đơn giản tại nhà.

Cách mát xa chân đơn giản tại nhà

Mát xa chân có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe của cả mẹ và bé, tuy nhiên, để nhận được những lợi ích này, bạn cần phải biết các thủ thuật mát xa chân phù hợp.

Đầu tiên trước khi tiến hành mát xa chân, mẹ bầu hãy ngồi trên một chiếc ghế. Chọn ghế không quá cao, sao cho cả bàn chân có thể tiếp xúc với mặt đất. Sau đó, người mát xa sẽ thoa một lượng dầu mát xa lên bàn chân mẹ bầu và bắt đầu với 2 động tác mát xa đơn giản nhất:

  • Mát xa bàn chân

Dùng ngón tay cái chà nhẹ vào chỗ nhiều thịt, phía sau mỗi ngón chân, trong vòng 30 giây. Vuốt ve đều đặn, liên tục hoặc nhẹ nhàng di chuyển ngón tay dọc theo bàn chân. Xoa bóp nhẹ nhàng từng kẽ của ngón chân.

cach-mat-xa-chan-cho-ba-bau-de-thoat-khoi-chung-phu-ne-1-voh

Để mát xa lòng bàn chân, bạn dùng 2 tay đặt giữa lòng bàn chân, ấn 2 đầu ngón cái chậm rãi, dọc theo chiều dài của lòng bàn chân, từ gót tới các ngón chân. Lặp lại các thao tác này và mát xa bàn chân khoảng 5 – 8 phút.

  • Mát xa cẳng chân

Sau khi mát xa bàn chân, hãy di chuyển tiếp lên khu vực mắt cá chân và mát xa nhẹ nhàng khu vực này. Sau đó, dùng hai tay nhẹ nhàng xoa từ khủy chân đến bắp đùi. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp chân để giúp lưu thông máu, giảm sưng phù. 

Cuối cùng, xoa bóp nhẹ nhàng dọc từ bắp đùi xuống bắp chân. Lặp lại động tác này khoảng 10 phút hoặc lâu hơn rồi đổi sang chân khác.

Một số trường hợp nên tránh mát xa chân

Mặc dù mát xa chân mang đến cho bà bầu cảm giác thoải mái, dễ chịu nhưng trong những tình huống sau, mẹ bầu nên tránh mát xa chân:

  1.  Mẹ bầu bị tiền sản giật

Đây là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng do huyết áp tăng cao và có các dấu hiệu tổn thương cơ quan khác, thường là thận. Thai phụ ở tháng cuối thai kỳ thường dễ mắc phải biến chứng này. Khi bị tiền sản giật, mẹ bầu thường gặp các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, thay đổi thị lực,... và có thể gặp phải chứng phù chân tay và cân nặng tăng đột ngột.

Trong trường hợp này, mẹ chỉ được phép mát xa chân khi được bác sĩ đồng ý, còn nếu không hãy tránh thực hiện các động tác mát xa nhé.

  1. Huyết khối tĩnh mạch sâu

Đây là chứng bệnh liên quan đến tình trạng máu đóng cục trong các tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể, thường là các tĩnh mạch nằm sâu bên trong chân. Tình trạng này sẽ khiến chân mẹ bầu bị sưng lên khá nhiều, kèm theo đau nhức dữ dội.

Nếu mẹ bầu bị chứng bệnh này thì tuyệt đối không được mát xa chân vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân là do, khi mát xa sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch, khiến cục máu đông tách khỏi thành tĩnh mạch và di chuyển. Khi chuyển đến phổi, nó có thể ngăn chặn dòng chảy của máu và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tắc mạch.

Như vậy việc mát xa chân là rất có ích cho mẹ và bé, tuy nhiên hãy nhớ lưu ý những trường hợp không được mát xa chân để bảo vệ sức khỏe con yêu và cả mẹ bầu. Ngoài ra, nếu muốn thực hiện những động tác mát xa khó thì mẹ nên đến các spa chuyên nghiệp để được tiến hành đúng kỹ thuật.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang hellobacsi.com
  2. Trang marrybaby.vn
4 cách chữa đau răng cho bà bầu đơn giản tại nhà : Bà bầu bị đau răng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ trong thai kỳ, thậm chí là dẫn đến sinh non. Để hạn chế những ảnh hưởng trên, mẹ cần phải biết những cách chữa đau răng cho bà bầu.
 

5 nguyên nhân hàng đầu gây đau xương mu khi mang thai : Đau xương mu là tình trạng thường gặp ở nhiều mẹ bầu, hiện tượng này thường xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ. Vậy tại sao lại xuất hiện tình trạng này và làm sao khắc phục?