Cách nhận biết và điều trị trầm cảm sau sinh

(VOH) - Nhiều bà mẹ đã giết chết con mình hoặc tự sát khi mắc chứng bệnh trầm cảm sau sinh.

Khoảng 13% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh xảy ra trên một số sản phụ trong thời kỳ hậu sản là chứng bệnh với biểu hiện suy giảm về tinh thần lẫn thể chất. Triệu chứng có thể xuất hiện vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau sinh nở.

Khác với lầm tưởng, chứng bệnh này có thể xảy ra sau bất cứ lần sinh nào, không chỉ có ở đứa con đầu. Căn bệnh này chiếm tỉ lệ khoảng 13% các bà mẹ sau khi sinh con.

Trầm cảm sau sinh có thể ở mức độ nhẹ qua như tâm trạng đau buồn, suy sụp sau sinh, mặc cảm về bản thân. Một số trường hợp biểu hiện ở mức độ nguy hiểm như có ý muốn tự sát hoặc những hành động làm chết chính con mình.

Những trạng thái tiêu cực này dễ làm người mẹ mất khả năng chăm sóc trẻ an toàn và nếu không điều trị, các triệu chứng có thể ngày càng xấu hơn và kéo dài thậm chí cả năm. Những bé có mẹ bị trầm cảm thường có nguy cơ phát triển không tốt về sức khỏe cũng như tâm lý về sau.

Cách nhận biết và điều trị trầm cảm sau sinh 1

Khoảng 13% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh - Ảnh: Internet

Đối tượng nào dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh ?

- Những người có tiền sử bị bệnh trầm cảm là đối tượng cần quan tâm đặc biệt trong suốt thời gian mang thai cũng như thời gian 6 tháng đầu nuôi con.

- Các bà mẹ trẻ có độ tuổi dưới 18, chưa được chuẩn bị tâm lý làm mẹ thường chịu nhiều áp lực trong quá trình mang thai, nuôi con, từ đó tăng khả năng mắc bệnh trầm cảm.

- Với người chịu những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước khi sinh như: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp.... cũng tăng nguy cơ trầm cảm.

- Ngay cả phụ nữ từng có kinh nghiệm sinh nở, nhưng gặp trường hợp thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia xẻ của người thân, đặc biệt là người chồng hoặc xảy ra mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn gia đình chồng.... đều có khả năng bị trầm cảm sau sinh.

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh

- Sự thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen trong cơ thể người mẹ góp phần gây mất cân bằng tâm sinh lý. Hoóc-môn tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.

- Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc.

- Mâu thuẫn gia đình, áp lực tài chính, cảm giác thiếu sự giúp đỡ của người thân khi gặp khó khăn cũng làm tâm lý người mẹ chịu nhiều tác động tiêu cực.

- Khi gặp khó khăn, nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.

- Ngoài ra, yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ mắc bệnh cao.

Triệu chứng nhận biết sớm bệnh trầm cảm sau sinh

Các triệu chứng của bệnh này thể hiện ở các biểu hiện lâm sàng như:

- Người mẹ không còn cảm thấy thích thú với con của mình nữa. Có những cảm xúc tiêu cực đối như chán ghét con, không yêu con nữa… Hoặc cũng có người mẹ cảm thấy đau khổ, cảm giác tuyệt vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả.

Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những phụ nữ này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà.

Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt. Loại căng thẳng này là một triệu chứng của trầm cảm, không thể giải quyết bằng thuốc an thần.

- Người bệnh cũng không còn quan tâm chăm sóc bản thân. Không có sự hài lòng trong cuộc sống, cảm thấy kiệt sức và không có động cơ trong cuộc sống. Tâm lý luôn cảm thấy mình không có giá trị thậm chí là mặc cảm tội lỗi.

- Người bệnh ăn không ngon miệng, tụt cân nhanh; rối loạn giấc ngủ

- Nguy hiểm hơn, một số người phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh thường có ý nghĩ đến cái chết hoặc tự sát.

Cách chữa trị trầm cảm sau sinh

Để điều trị trầm cảm, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau: liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormon, thuốc chống trầm cảm.

Liệu pháp tâm lý bao gồm tâm lý cá nhân hoặc tâm lý nhóm là một phương pháp hiệu quả. Đây là liệu pháp được chọn lựa đầu tiên vì không cần sử dụng đến thuốc, không sợ ảnh hưởng đến trẻ nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

Ngoài ra, sự tác động của mọi người xung quanh có vai trò quan trọng đến quá trình hồi phục của người bệnh.

- Gia đình cần có sự thấu hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng. Đừng quên rằng người mẹ không được khỏe và đừng quấy rầy. Hãy cố gắng đối xử chân tình và chia sẻ.

- Khi người bệnh không được khỏe thì hãy tạo điều kiện để họ nghỉ ngơi nhiều hơn.

- Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có 1 người mà cô ta có thể tin tưởng ở bên cạnh.

Cách nhận biết và điều trị trầm cảm sau sinh 2

Người mắc trầm cảm sau sinh luôn cần một nguồn động viên từ người mình tin tưởng nhất - Ảnh: Internet

Một số lời khuyên cho người mẹ tránh trầm cảm sau sinh.

- Hãy yêu cầu bạn đời, người thân và bạn bè giúp chăm sóc bé và làm việc nhà.

- Đừng che giấu cảm xúc với những người thân yêu nhất.

- Không thực hiện những thay đổi lớn trong thời gian mang thai và ngay sau sinh (như chuyển việc, chuyển nhà... )

- Đừng cố làm việc quá nhiều và quá cầu toàn.

- Dành thời gian riêng tư với bạn đời hoặc đi thăm người thân.

- Nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào có thể và hãy cố ngủ khi em bé ngủ.

Trầm cảm sau sinh là căn bệnh có thể điều trị bằng thuốc và qua sự giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn về tâm lý từ bác sĩ chuyên khoa và người thân. Nhiều bà mẹ thường có biểu hiện trầm cảm kéo dài nhiều tháng trước khi bắt đầu điều trị.

Mặc dù những triệu chứng trầm cảm có thể tự khỏi, nhưng nhiều bà mẹ vẫn còn trầm cảm đến một năm sau khi sinh con.