Cách phòng chống bụi mịn để bảo vệ sức khỏe bé yêu

(VOH) – Bụi mịn được xem như một 'sát thủ' thầm lặng, có thể tấn công và gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt là các bệnh lý về đường hô hấp đối với trẻ em.

Trong những năm trở lại đây, tình trạng bụi mịn ở TPHCM hay Hà Nội luôn ở mức cao, thậm chí ở một số thời điểm chỉ số ô nhiễm đã vượt chuẩn cho phép có thể gây hại cho sức khỏe. Và để hiểu hơn những ảnh hưởng của bụi mịn đối với sức khỏe con người mà đặc biệt là trẻ nhỏ như thế nào cũng như những cách phòng ngừa, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó GĐ bệnh viện Nhi đồng TP đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này trong chương trình Bé khỏe nhà vui.

1. Bụi mịn và những tác động đến sức khỏe của trẻ

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến cho biết, bụi mịn hay bụi siêu mịn là những vi hạt ở thể rắn hoặc thể lỏng, những hạt bụi này kích thước có thể nhỏ tới khoảng 2.5 micron trở xuống, hoặc có một dạng bụi mịn lớn hơn có kích thước từ 2.5 - 10 micron. Bản chất của những hạt bụi này những chất hữu cơ và chất vô cơ kết tủa với nhau, thậm chí là có chứa những kim loại, ví dụ như: chì, cadimi, thủy ngân v.v... Đây đều là những kim loại rất độc khi chúng kết tinh lại với nhau. 

Nguyên nhân gây ra bụi mịn có rất nhiều, nhưng chủ yếu nó xuất phát từ những vụ cháy rừng, khói xe hoặc khói từ các khu công nghiệp.... 

Đối với trẻ nhỏ khi tiếp xúc với bụi mịn, chúng sẽ đi vào đường hô hấp gây kích ứng, khiến bé khó chịu ở mũi, chảy mũi, hắt xì hơi. Không những thế, những hạt bụi này có thể đi vào đường hô hấp bên dưới, kích hoạt khiến bé lên cơn hen suyễn. Những trẻ đã từng bị hen thì sẽ càng dễ lên cơn hen nhiều hơn.

cach-phong-chong-bui-min-de-bao-ve-suc-khoe-be-yeu-voh

Trẻ em hít phải bụi mịn dễ gặp phải các vấn đề về đường hô hấp (Nguồn: Internet)

Với những trẻ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thì khi gặp những hạt bụi mịn, hít vào sẽ càng dễ lên cơn kịch phát cấp tính.

Ngoài ra, bụi mịn còn có thể kích ứng qua hệ thống mắt, khiến bé bị chảy nước mắt gây khó chịu, làm đỏ mắt. Hoặc gây kích ứng da, với những biểu hiện giống như bị nổi mề đay, ngứa ngáy.

Về lâu dài, trẻ hít phải bụi mịn sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa thông qua niêm mạc. Hoặc chúng sẽ xâm nhập vào da, đi vào trong cơ thể và gây ra những ảnh hưởng đến gan, thận, thậm chí là ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ.

Vì thế, các bậc phụ huynh cần lưu ý, trong trường hợp thời tiết có những diễn biến xấu như hiện nay thì gia đình cần phải quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đặc biệt là với những trẻ bị hen suyễn hoặc trên cơ địa dễ bị mẫn cảm, dễ bị kích ứng... thì khi thấy trẻ có những triệu chứng như: Bị ho nhiều; Hắt hơi liên tục; Sổ mũi, khò khè; Khó thở; Nặng ngực... thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và xử trí thích hợp.

2. Làm sao để phòng ngừa cho trẻ tránh khỏi việc hít phải bụi mịn?

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, cách tốt nhất để phòng ngừa tình trạng bụi mịn hiện nay chính là hạn chế cho trẻ đi ngoài đường, nhất là vào những giờ cao điểm.

Với những trẻ trong độ tuổi đến trường, cha mẹ có thể trang bị cho trẻ những loại khẩu trang, ví dụ như: với khẩu trang y tế thì cho trẻ đeo 2 cái, hoặc sử dụng các loại khẩu trang chuyên dụng như N95, N99...

cach-phong-chong-bui-min-de-bao-ve-suc-khoe-be-yeu-1-voh

Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường là một cách giúp hạn chế ảnh hưởng từ bụi mịn (Nguồn: Internet)

Khi trẻ về nhà, cha mẹ có thể áp dụng những cách chăm sóc như rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc sử dụng các loại dung dịch dạng xịt như xisat, sterimar... Đây là những dung dịch mang tính vừa sát khuẩn, vừa làm sạch đường hô hấp.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể trồng nhiều cây xanh quanh nhà để cản bớt bụi, lọc không khí, giúp không gian sống của mình được dễ chịu hơn, đặc biệt  là với những người già, trẻ em hay những người mắc bệnh hen suyễn, hoặc là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì sẽ có thể sống một cách an toàn.

Nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ qua audio dưới đây: