CẢNH BÁO: Bệnh truyền nhiễm đang gia tăng ở trẻ

Các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, các bậc cha mẹ phải hết sức quan tâm để chủ động phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Theo thống kê, số ca trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TPHCM đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là thời tiết đang vào cao điểm mùa mưa, cùng với đó là việc giữ vệ sinh, ăn uống hằng ngày, tiêm vắc xin phòng ngừa cho trẻ hiện chưa được thực hiện tốt...

Tại bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng hơn so với những tháng trước. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm - Thần kinh tại bệnh viện có khoảng 30 - 40 trẻ bị bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với trước đó. Tương tự, tại Khoa Sốt xuất huyết cũng đã tiếp nhận hàng chục trẻ nhập viện mỗi ngày. 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ thời gian gần đây phần lớn là thời tiết đang vào cao điểm mùa mưa cùng với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa cũng như giữ gìn vệ sinh chung tại các gia đình chưa tốt.

Đặc biệt, thời điểm này cũng là thời điểm bắt đầu năm học mới nên trong thời gian tới các bệnh truyền nhiễm sẽ có xu hướng tăng cao, nhất là ở lứa tuổi trẻ học mầm non, tiểu học.

canh-bao-benh-tay-chan-mieng-dang-gia-tang-o-tre-VOH

Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, mỗi tuần thành phố có khoảng 150 trẻ nhập viện do nhiễm bệnh tay chân miệng. Trong 8 tháng năm 2018, TPHCM có gần 2.500 ca, tuy nhiên đây chưa phải là con số chính xác cuối cùng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận có khoảng hơn 10.000 ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện. Tuy vẫn còn thấp hơn 28% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng qua các con số thống kê mỗi tuần đã cho thấy, số lượng ca bệnh đang tăng lên.

Cùng với bệnh tay chân miệng sốt xuất huyết thì một bệnh truyền nhiễm khác là bệnh sởi cũng có dấu hiệu gia tăng. Thời điểm tháng 7, 8 năm 2018, toàn thành phố đã có tới 7 ca mắc bệnh sởi. Điều đáng nói là trong số 7 trường hợp mắc sởi, phần lớn bệnh nhân chưa được tiêm chủng vắc xin đầy đủ.

Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng đã tiến hành rà soát lại việc tiêm chủng trên địa bàn và phát hiện tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi còn quá thấp. Theo ghi nhận, chỉ có hơn 61% trẻ được tiêm mũi 1 và 30% trẻ được tiêm mũi 2.

Với tỷ lệ tiêm chủng này thì nguy cơ bệnh sởi bùng phát trong cộng đồng thời gian tới là rất lớn.

Với xu hướng gia tăng các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi... tại TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã yêu cầu các quận, huyện cần có sự chủ động hơn trong các biện pháp phòng chống dịch: kiểm soát cũng như xử lý tốt các điểm nguy cơ sốt xuất huyết, tăng cường giám sát các điểm giữ trẻ tư nhân, gia đình để bệnh tay chân miệng không có cơ hội lây lan; giám sát các ca mắc bệnh sởi hiện đang điều trị... 

Song song đó, các quận, huyện cần tổ chức tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm ngừa sởi trong thời gian sớm nhất. Trong trường hợp nhu cầu tiêm bù vắc xin quá cao thì cần báo cáo ngay về Sở Y tế để được chủ động phân phối vắc xin kịp thời, không để xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin sởi tại khu vực.

Chuyên đề Bệnh tay chân miệng - Phần 1: Nguyên nhân và hậu quả : Tay chân miệng là căn bệnh dễ lây và để lại những di chứng nặng nề nếu không phát hiện sớm và điều trị tích cực. Quý vị phụ huynh cần hiểu biết đầy đủ nguyên nhân và hậu quả của bệnh, từ đó mới đưa ra được cách phòng tránh bệnh cho con nhỏ.

Chuyên đề Bệnh tay chân miệng - Phần 2: Biểu hiện 4 giai đoạn bệnh : Các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các giai đoạn của bệnh tay chân miệng để sớm chọn cho mình giải pháp chữa trị và ứng phó phù hợp.

Chuyên đề Bệnh tay chân miệng - Phần 3: Có nên điều trị tại nhàBệnh tay chân miệng có thể điều trị tại nhà trong trường hợp bệnh nhẹ - tương đương cấp độ 1 của bệnh.