Cảnh giác: Số ca mắc tay chân miệng nhập viện tăng gấp 5 lần tại TPHCM

(VOH) - Trong 3 tuần trở lại đây tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM tiếp nhận số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng mới tăng đột biến.

Nhiều trẻ mắc virus Ev71 – lây lan nhanh, dễ diễn tiến nặng

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tuần trở lại đây tại Bệnh viện Nhi đồng 1 số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng mới tăng đột biến.

Trong 3 tuần gần đây, số trẻ mắc TCM tăng gấp 5 lần so với tháng trước. Đáng chú ý là ngày 24/9, khoa Nhiễm điều trị cho 222 bé mắc tay chân miệng (TCM) và đã có 1 ca tử vong do bệnh TCM. Từ đầu tuần đến nay, đã có 10 trẻ phải thở máy và 5 trẻ phải lọc máu.

tay chân miệng, dịch tay chân miệng, phòng bệnh tay chân miệng

Bệnh nhi bị bệnh hô hấp được điều trị chăm sóc tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. (Ảnh: TTXVN)

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh viện cũng tiếp nhận gần 7.000 lượt bệnh nhi khám bệnh TCM và 664 lượt bệnh nhi phải nhập viện. 

Nếu như những năm trước kết quả điều tra dịch tễ cho thấy số trẻ mắc TCM do virus Ev71 rất thấp, nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc virus Ev71. Đặc tính của loại virus này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, vì thế số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng.

Trẻ mắc TCM do virus Ev71 có thể gặp các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho hay, hiện TP đang trong giai đoạn cao điểm bệnh TCM với số ca nhập viện trong tuần qua lên đến gần 290 ca trên địa bàn TP (tăng 47% so với 4 tuần trước đó).

Phụ huynh cần làm gì để giúp trẻ phòng tránh TCM?

Do số ca mắc tăng, nhiều ca nặng nên bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý đến việc phòng ngừa bệnh cho trẻ, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi. Đỉnh dịch có thể kéo dài tới tháng 11, tháng 12. 

Phòng ngừa bệnh TCM

Hiện bệnh TCM chưa có vaccine dự phòng, để chủ động phòng ngừa cần:

  • Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng cho bản thân và cho trẻ nhỏ.
  • Thường xuyên vệ sinh nơi trẻ sinh hoạt vui chơi.
  • Thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng nước sạch, xà phòng và nước khử khuẩn.

Virus gây bệnh TCM có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu, phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh kỹ càng hơn các khu vực này.

Tại trường học, nếu xảy ra các ca nhiễm TCM, giáo viên phải cho trẻ nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày, trong trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên. 

Theo dõi chặt chẽ khi trẻ sốt cao

Nếu trẻ sốt cao không rõ lý do, cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đi khám trong các trường hợp sau:

  • Trẻ sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều
  • Trẻ giật mình (trong lúc thiu thiu ngủ) trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao khó hạ trên 2 ngày.

Các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện địa phương hiện đã có phác đồ, có đủ nhân lực và thiết bị để điều trị bệnh TCM nên các bậc phụ huynhn không cần phải chuyển trẻ về bệnh viện tuyến cuối, vừa mất thời gian, chi phí, vừa khó khăn trong việc chăm sóc.