Cảnh giác với nguy cơ dịch chồng dịch do tác động của thời tiết

(VOH) - Sáng 21/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với sự tham gia của 62 tỉnh, thành phố.

Hiện nay nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn đang đe dọa

Đánh giá tại Hội nghi trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - chủ trì hội nghị - cho biết: Bên cạnh dịch COVID-19, trên thế giới cũng như các nước ở khu vực Đông Nam Á, dịch sốt xuất huyết, sởi vẫn đang lưu hành. Đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc và vắc xin phòng bệnh.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 198 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 4 ca tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1 ca); các ca bệnh tập trung chủ yếu ở 3 khu vực chính là: Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. Đặc biệt từ tháng 6 đến nay, số ca bệnh tại khu vực Tây Nguyên đã tăng nhanh rõ rệt, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, chủ yếu là những người không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin bạch hầu.

Hiện cả nước cũng đang ghi nhận gia tăng số người mắc sốt xuất huyết. Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc đang có xu hướng tăng lên đã gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Cụ thể, tích luỹ tuần 37 năm 2020, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 70.585 ca mắc sốt xuất huyết, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 là 200.426 ca). Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Kon Tum, Khánh Hoà, TPHCM, Hà Nội… Tuy nhiên hiện chưa có bất thường về diễn biến dịch, xu hướng gia tăng ca mắc vẫn theo chu kỳ như hàng năm.

Đáng lưu ý, giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết khi thời tiết vào mùa mưa, khi hậu rất thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, hiện ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, tốc độ đô thị hoá, di biến động dân cư làm tăng nguy cơ lan rộng dịch bệnh và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, “Dự báo, những tháng còn lại của năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Thêm vào đó thời tiết mùa Đông – Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.”

Việt Nam đang tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch. Hiện chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, nhưng cùng với đó cũng không được lơ là với các dịch bệnh khác. Việt Nam quyết tâm không để một địa phương nào xảy ra dịch chồng dịch. Các cấp, các ngành và nhất là người dân không được lơ là, chủ quan với các dịch bệnh. Đồng thời, phải tập trung công tác ngăn chặn nguồn lây hiệu quả.

Theo đó, nguy cơ bùng phát dịch tại mỗi khu vực, vùng miền là khác nhau, vì vậy, ngành y tế cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình và yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại từng khu vực, từng thành phố và làm rõ những tồn tại, vứng mắc, nguyên nhân tiềm ẩn bùng phát dịch trong thời gian qua để có biện pháp phòng chống phù hợp. Trên cơ sở phân tích này, ngành y tế sẽ đề xuất các hoạt động, biện pháp trọng tâm trong phòng dịch để nâng cao hiệu quả chống dịch.

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020. Ảnh: SKĐS

Phát huy các tổ chống dịch cộng đồng

Việc chủ động trong giám sát ca bệnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch, sát sao đến từng người dân là biện pháp pháp quan trọng trong ngăn chặn các dịch bệnh bùng phát.

“Cuộc chiến chống COVID-19 đã cho thấy, tầm quan trọng của việc giám sát và phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, truy vết và dập dịch. Đây cũng là chiến lược trong phòng, chống và ứng phó các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, việc duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và đảm bảo an toàn tiêm chủng phòng bệnh cũng vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Theo đó, với các dịch bệnh đã có vắc xin, công tác tiêm chủng được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu để phòng bệnh. Như vừa qua, dịch bạch hầu xảy ra ở một số địa phương đa số là ở “vùng lõm tiêm chủng”. Do vậy, vấn đề đặt ra là các biện pháp duy trì tỷ lệ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ này đặc biệt tại các “vùng lõm”.

Để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức tiêm bù cho các trẻ chưa được tiêm đầy đủ, tổ chức tiêm vét cho các địa phương bị hoãn tiêm do dịch COVID-19. Hiện theo lịch, các trạm đã tổ chức 2 lần trong 1 tháng, vì vậy những trẻ hoãn tiêm nên tiêm bổ sung ngay trong tháng để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh. Đặc biệt, mũi vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cũng đang được nỗ lực triển khai tại 35 tỉnh thành phố.

Vắc xin uốn ván – bạch hầu hấp phụ (Td) được chỉ định cho trẻ em lứa tuổi lớn (từ 7 tuổi trở lên) và người lớn nhằm gây miễn dịch, phòng các bệnh uốn ván và bạch hầu....

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Đối với các bệnh truyền nhiễm, việc tiến hành khoanh vùng, dập dịch càng sớm càng tốt; trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, cần phải cách ly ngay, điều tra, xét nghiệm, triển khai ngay các biện pháp phòng dịch. Khi có ca bệnh truyền nhiễm xuất hiện, các địa phương phải có hệ thống giám sát, tăng cường cắm chốt ngay tại ổ dịch chứ không chỉ qua điện thoại. Qua kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, hoạt động của các tổ chống dịch cộng đồng cực kỳ hiệu quả. Đây là cầu nối đến từng hộ gia đình, giúp người dân yên tâm tin tưởng thực hiện các biện pháp phòng dịch. Việc thành lập các tổ cộng đồng mà nòng cốt chính là người dân ngay tại cộng đồng giúp cho việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giám sát chủ động các người nghi ngờ để có các biện pháp phòng dịch ngay lập tức. Vì vậy, những nơi nào đã các tổ phòng dịch cộng đồng cần tiếp tục phát huy, áp dụng trong các dịch bệnh có nguy cơ hiện nay”.

Đối với dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia cũng khuyến cáo quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân tại các hộ gia đình, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng để cắt nguồn truyền bệnh là muỗi vằn. Cần tổ chức chiến dịch theo quy mô lớn, duy trì hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần ở các khu vực có nguy cơ cao và hàng ngày tại các khu vực.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các Sở Y tế đẩy mạnh hoạt động tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động phòng chống dịch, lồng ghép trong phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, truyền thông đến người dân các thông điệp, khuyến cáo tới người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân; thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tự giác thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình; tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh và đưa trẻ đi tiêm chủng.

Phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học 2020-2021.
Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng...
Tăng cường chỉ đạo triển khai hoạt động tiêm chủng tại các tỉnh trên địa bàn phụ trách, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô xã, phường. Thực hiện tiêm chủng an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng, truyền thông an toàn tiêm chủng trên địa bàn. Tăng cường giám sát, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện các quy định hiện hành đảm bảo chất lượng tiêm chủng.

Phối hợp ngành NN-PTNT, ngành Công thương và đơn vị liên quan trong việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, đặc biệt là cúm ở gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch không để lây nhiễm sang người.
Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế...