Cấp cứu ngoạn mục từ các trạm vệ tinh

(VOH) - Với đặc thù vị trí địa lý của TPHCM, là trung tâm kinh tế, nơi giao thương hằng ngày, người dân từ khắp mọi miền đổ về TP học tập, làm việc, kinh doanh… mật độ lưu thông ngày càng dày đặc đòi hỏi ngành y tế phải hoạch định, vạch ra chiến lược cụ thể trong bài toán cấp cứu người bệnh.

Nghe bài viết tại đây.  

Ngoài tai nạn giao thông với những ca cực kì nguy hiểm tính mạng thì hằng ngày, với vô vàn tai nạn về sức khỏe, biến cố bệnh tật mà chỉ chậm vài giây, bệnh nhân sẽ tử vong.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, tại các cửa ngõ TP, trạm vệ tinh cấp cứu được hình thành gắn với bệnh viện tọa lạc trên địa bàn. Từ khi đi vào hoạt động, có lẽ thành công nhất từ các trạm vệ tinh là đã cứu sống được nhiều người.

Trong một lần lưu thông trên đường ở địa phận Củ Chi, xe đâm vào con lương khiến  bệnh nhân nam Trần Minh Nhứt, 25 tuổi, bị đứt lìa 1/3 dưới cẳng chân phải. Ngay lúc đó, người đi đường đã gọi ngay số điện thoại cấp cứu của Trạm cấp cứu 115 – bệnh viện đa khoa Xuyên Á tọa lạc tại Quốc lộ 22 – xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM.

Chỉ sau đó ít phút, ê kíp y bác sĩ của bệnh viện đã đến hiện trường vì hầu hết những ca chấn thương đứt lìa như thế, nếu chậm trễ bệnh nhân sẽ mất máu dẫn đến tử vong. Quả thật, khi đến hiện trường thì bệnh nhân đã ở trạng thái nguy hiểm với biểu hiện lơ mơ do choáng mất máu, vết thương dưới chân thì dập nát lộ rõ xương trắng cẳng chân, ngón chân tím nhạt, huyết áp tụt…

Có thể nói, việc cấp cứu kịp thời bệnh nhân này đã là một thành công vì nếu di chuyển trong đoạn đường khá xa từ Củ Chi đến bệnh viện tuyến trên, sẽ không kịp thời trong thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân.

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Công Chánh – Trưởng trạm vệ tinh cấp cứu 115 bệnh viện Xuyên Á  kể về trường hợp hi hữu bệnh nhân vỡ gan vỡ lách gọi đến từ xã Tân Thuận Đông, huyện Củ Chi:”Ca này được nhận cấp cứu 115 lúc 8 giờ 50 phút, trong tình trạng chấn thương đau bụng dữ dội, tụt huyết áp. Sau khi gọi cấp cứu 115 báo động theo quy trình báo động đỏ, ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào bệnh viện. Ngay sau xác định bệnh nhân vỡ gan vỡ lách, là đưa lên mổ ngay. Nếu chậm trễ, bệnh nhân sẽ tử vong. Nhanh như vậy mà bệnh nhân mất 1,5 lít máu, nếu chậm trễ bệnh nhân sẽ tử vong do tụt huyết áp”.

Cũng rơi vào trường hợp nguy kịch, công nhân Phạm Thị Nghĩa, sinh năm 1987, ngụ chợ Bùi Môn, huyện Hóc Môn bị  thai ngoài tử cung vỡ, đau bụng khó thở  kèm xuất huyết ồ ạt cũng đã được xử trí cấp cứu kịp thời tại trạm cấp cứu vệ tinh 115 Xuyên Á. Bệnh nhân Nghĩa ngay sau khi nhập viện đã được chuyển ngay vào phòng mổ, truyền máu, cứu sống kịp thời.

Ghi nhận sự nỗ lực cao độ vì người bệnh, bệnh nhân Phạm Thị Nghĩa kể lại:”Đau bụng xong thở không được, chồng mới gọi điện lên Xuyên Á, xe cấp cứu xuống đẩy vô phòng lấy máu, xét nghiệm, siêu âm, thông tiểu rồi đưa vô phòng mổ. Bệnh viện rất là chu đáo. Do mất máu nhiều nên còn choáng chứ nay hết ra máu rồi”. 

Phối hợp liên chuyên khoa - yêu cầu cần thiết trong quy trình báo động đỏ tại bệnh viện quận Thủ Đức 

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc bệnh viện đa khoa Xuyên Á chia sẻ, việc đưa vào trạm cấp cứu vệ tinh tại đây là việc làm hết sức nhân văn xuất phát từ nhu cầu thực tế: "Qua triển khai một số trạm vệ tinh cấp cứu người dân đảm bảo thời gian quý giá đã cứu sống rất nhiều mạng người. Tôi cảm thấy nếu việc này mình triển khai rộng hơn nữa, nhiều hơn nữa thì càng đem lại nhiều cơ hội sống còn cho người dân hơn nữa”.

Trước những khó khăn khách quan về độ rộng, dân cư đông và nhất là giao thông của thành phố thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm, việc xây dựng các trạm vệ tinh cấp cứu 115 thực tế đã đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện của người dân thành phố.

Nếu như tại trạm vệ tinh Xuyên Á tọa lạc trên Quốc lộ 22 thường cứu sống kịp thời những ca tai nạn giao thông đa chấn thương, tổn thương nặng sức khỏe vô cùng nguy kịch thì tại các trạm vệ tinh đặt tại các tuyến đường cửa ngõ như bệnh viện Thủ Đức, bệnh viện Quận 2… dù đi vào hoạt động chưa bao lâu cũng đã xử trí vô cùng chuẩn xác, “níu giữ” thời gian vàng cấp cứu những ca đột quỵ, cao huyết áp, đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.

Bệnh nhân Đào Thị Túy Ngẫu, nhà ở khu phố 3, phường Linh Trung – Quận Thủ Đức kể, ngay trong đêm, tự nhiên huyết áp bà lên cao đột ngột, người nhà bấm gọi 115, ngay lập tức, bác sĩ trạm vệ tinh cấp cứu tại bệnh viện Thủ Đức đã có mặt: ”Tôi bị huyết áp, tim mạch đi cấp cứu hoài có như vầy thì đỡ quá. Nay tui 76 tuổi, tuổi ngoài 77, tui bệnh mười mấy năm rồi, ngồi là nó run run, đi cấp cứu chạy vô đây”.

Cùng với Củ Chi, Thủ Đức, khi thành lập trạm vệ tinh đặt tại bệnh viện Quận 2, bác sĩ Trần Văn Khanh – giám đốc bệnh viện Quận 2 cảm thấy vô cùng phấn khởi, vì từ đây người dân tại địa bàn Quận 9, hay huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai khi gặp sự cố sức khỏe, hay tình huống nguy kịch sẽ khỏi phải di chuyển, mà được cấp cứu ngay tại chỗ. Mô hình này theo bác sĩ Khanh rất cần nhân rộng để đáp ứng nhu cầu cấp cứu người dân:

“Qua triển khai thấy cái tính kịp thời cho bệnh nhân, không phải gọi vòng vòng. Sắp tới mấy bệnh viện còn lại cũng nên triển khai sớm, không nên đợi. Tùy theo cơ sở vật chất, điều kiện của bệnh viện mà mình triển khai tại vì hiện nay bệnh viện nào cũng có xe cứu thương, bệnh viện nào cũng có nguồn nhân lực từ cấp cứu”. - Bác sỹ Khanh cho biết.

Bác sĩ Võ Quang Huy – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, đơn vị điều phối mạng lưới cấp cứu TP phân tích, nếu so với thời gian trước chỉ có trung tâm cấp cứu 115 hoạt động độc lập thì việc ra đời các trạm vệ tinh cấp cứu cửa ngõ thật sự hiệu quả hơn vì bám sát địa bàn, nhanh, kịp thời cứu sống bệnh nhân.

“Mô hình cũ với nội lực nhân sự, xe cứu thương, trang thiết bị của Trung tâm cấp cứu 115 triển khai xuống các trạm vệ tinh sẽ mất thời gian khá lâu. Vối mô hình mới mạnh dạn đưa vào, phối hợp chặt chẽ với bệnh viện quận, với các đơn vị có khả năng, tận dụng tại chỗ để triển khai cấp cứu tôi nghĩ sẽ nhanh hơn so với tiến trình trong thời gian vừa qua”.  - Bác sĩ Võ Quang Huy nói.

Đánh giá về hiệu quả các trạm vệ tinh cấp cứu này, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP khẳng định, để thực hiện được thành công, đòi hỏi các bệnh viện tác phong phải chuyên nghiệp, đây là yếu tố nền tảng vì nếu cấp cứu sai, có những trường hợp nhẹ lại hóa nặng hay để lại di chứng vĩnh viễn về sau:

“Với phương tiện hiện đại ngày nay nếu chúng ta xử lý đúng cách, giải quyết rất là nhanh chóng thì chúng ta cứu được một mạng người.Đó là sự thành công rất ngoạn mục vì hiện nay qua các thông tin báo chí trên thế giới như vừa rồi có trường hợp tai nạn giao thông một em bé đầu lìa khỏi cổ nhưng nhờ hồi sức cấp cứu sơ khởi ban đầu chuyên nghiệp kịp thời đã cứu sống em bé. Nếu chúng ta không có tính chuyên nghiệp thì nhiều bệnh tưởng nhẹ lại gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về sau”. - PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết.

Với việc thành lập kịp thời các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại bệnh viện đa khoa Sài Gòn, bệnh viện Quận Bình Tân, Thủ Đức, Xuyên Á, quận 2 cùng với một số  bệnh viện khác nữa cho thấy ngành Y tế TP đã nghiên cứu và vận dụng thành công các mô hình cấp cứu ngoài bệnh viện tại các nước phát triển trên thế giới và đã định hình mô hình cấp cứu ngoài bệnh viện phù hợp thực tiễn của thành phố. Vì mục tiêu cứu sống người bệnh – đó chính là thành quả đáng khích lệ. Từ thực tế đó, người dân TPHCM cảm thấy an tâm hơn khi ngày càng được quan tâm chăm lo cho sức khỏe và an toàn tính mạng khi gặp sự cố./.

Phần 2 sẽ đề cập đến quy trình báo động đỏ của các bệnh viện khi gặp những ca cấp cứu nặng. Quy trình này đã góp phần làm nên kỳ tích, cứu sống mạng người trong ganh tấc và là niềm tự hào của ngành Y tế TPHCM.