Cập nhật Covid-19 tại TPHCM sáng 15/6: TPHCM ghi nhận thêm 23 ca nhiễm mới
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đây đều là các tiếp xúc tại nhà hoặc nơi làm việc liên quan đến BN10714 và BN10715. BN10714, BN10715 sống cùng nhà tại quận 10, cùng được phát hiện khi khám sàng lọc tại một bệnh viện.

Truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm giám sát tại khu vực liên quan ca bệnh (Trung tâm Y tế quận 10)
23 trường hợp mới được công bố sáng nay phân bố như sau: quận 1 (09), quận 6 (01), quận 8 (02), quận 10 (05), quận 11 (01), Bình Thạnh (03), Phú Nhuận (02).
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo, tình hình hiện nay mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng. Các chuỗi lây mới phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua các tiếp xúc gần tại nơi cư trú, nơi làm việc. Do đó để đạt hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội chúng ta cần tuân thủ đúng các quy định về giãn cách xã hội, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động khám bệnh khai báo y tế trung thực khi có các biểu hiện viêm đường hô hấp.
Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 Hiện nay, xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc-xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau. Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo: 1. Theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), để tránh nguy cơ lừa đảo: Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vắc-xin, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất. 2. Các loại vắc-xin phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi lô vắc-xin phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vắc-xin nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc-xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin theo quy định. Tất cả các vắc-xin đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh. 3. Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc-xin để tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo. 4. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động. 5. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc-xin phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. 6. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương. |