Cắt túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và tuổi thọ không?

(VOH) - Túi mật bị tổn thương nghiêm trọng buộc phải cắt túi mật nhằm bảo vệ tính mạng người bệnh. Trước khi thực hiện rất nhiều người lo lắng không biết cắt túi mật có ảnh hưởng gì không?

Vì sao cắt bỏ túi mật?

Túi mật đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, cô đọng và bài tiết dịch mật từ gan tiết ra. Khi ăn thức ăn, túi mật có chức năng co bóp để đẩy dịch mật qua đường mật vào ruột non nhằm tiêu hóa thức ăn. Những lắng đọng bất thường của các thành phần chính trong dịch mật sẽ hình thành nên bùn mật, sỏi mật.

Các bệnh của túi mật có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trung niên, đặc biệt là nữ giới. Một số bệnh ở túi mật thường gặp gồm:

cat-tui-mat-co-anh-huong-gi-den-suc-khoe-va-tuoi-tho-khong-voh-1

Rất nhiều trường hợp bị sỏi túi mật cần cắt bỏ túi mật (Nguồn: Internet)

  • Sỏi túi mật;
  • Nhiễm trùng túi mật;
  • Viêm túi mật;
  • Polyp túi mật;
  • Rối loạn vận động túi mật;
  • Ung thư túi mật;

Khi ăn, dịch mật tiết ra đi vào phần ruột non, tá tràng thông qua các ống mật để tiêu hóa thức ăn. Nhưng khi túi mật gặp phải những tình trạng trên, có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm túi mật gây đau, túi mật căng dẫn đến thấm mật phúc mạc, đây là một cấp cứu ngoại khoa cần phải xử lý cắt túi mật ngay, nếu chậm có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì không?

Nếu không có túi mật, dịch mật không còn nơi dự trữ mà trực tiếp đi xuống ruột. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu dịch mật để tiêu hóa thức ăn, khiến người bệnh ăn khó tiêu hoặc gây tiêu chảy do lượng dịch mật xuống ruột quá nhiều.

Như vậy, túi mật đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều tiết dòng chảy của dịch mật theo nhịp độ bữa ăn, giúp hoạt động tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn. Do đó, việc phẫu thuật cắt bỏ túi mật chỉ được chỉ định trong những trường hợp bất đắc dĩ nhất.

cat-tui-mat-co-anh-huong-gi-den-suc-khoe-va-tuoi-tho-khong-voh-2

Điều gì sẽ xảy ra sau khi cơ thể không còn túi mật (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, bạn hoàn toàn có thể sống bình thường mà không có túi mật. Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy người bệnh sẽ giảm tuổi thọ sau khi loại bỏ túi mật. Nhưng khi túi mật bị cắt bỏ, dịch mật không còn nơi để lưu trữ mà đổ trực tiếp từ gan xuống tá tràng để tiêu hóa thức ăn.

Thời gian đầu, người bệnh có thể gặp một số vấn đề về rối loạn tiêu hóa như chán ăn, chậm tiêu, ngứa, đau bụng…Khi cơ thể dần thích nghi với sự thiếu vắng thông qua việc gan bài tiết dịch mật trùng với bữa ăn thì các triệu chứng trên cũng dần biến mất.

Cắt túi mật có nguy hiểm không?

Mặc dù cắt bỏ túi mật thì gan vẫn làm chức năng sản xuất dịch mật nhưng dịch mật thay vì được lưu trữ ở túi mật, sẽ đổ thẳng vào đường tiêu hóa, điều này khiến bạn phải chịu một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương mật: Khi cắt túi mật các ống dẫn mật có thể bị tổn thương. Việc tiến hành phẫu thuật lần nữa nhằm giải quyết tổn thương sẽ khó tránh khỏi.
  • Tổn thương ruột, mạch máu: Tình trạng này có thể do dụng cụ phẫu thuật nhưng điều này được giảm thiểu tối đa nếu bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm.
  • Rò rỉ mật: Khi lấy túi mật ra, bác sĩ dùng loại kẹp đặc biệt để đóng lại đầu nối túi mật với ống mật chủ, nhưng đôi khi dịch mật có thể bị rò rỉ ra ngoài bụng gây nhiễm khuẩn phúc mạc.
  • Nhiễm trùng: Vết mổ có thể bị nhiễm trùng gây nên các triệu chứng như đau nhiều, sưng hoặc tấy đỏ, có mủ rò rỉ…
  • Xuất huyết: Ngay sau khi phẫu thuật một số người có thể bị xuất huyết khi đó cần phải được can thiệp nội khoa ngay lập tức.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu: Một số người bệnh có khả năng hình thành cục máu đông (huyết khối) trong quá trình phẫu thuật, thường xảy ra trong tĩnh mạch ở chân. Cục máu đông có thể bị bóc tách ra khỏi thành mạch, di chuyển theo mạch máu gây tắc mạch phổi và dẫn đến tử vong.

Ngày nay, việc cắt bỏ túi mật khá đơn giản, nhanh chóng, chỉ mất vài ngày, tỷ lệ phục hồi nhanh và ít biến chứng nhờ phương pháp cắt túi mật nội soi. Tuy nhiên, mỗi cơ quan nào sinh ra đều mang một chức năng riêng vì thế cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện cắt bỏ.

Sau khi cắt bỏ túi mật người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học nhằm giảm bớt các triệu chứng khó chịu, giúp phục hồi nhanh hơn.

Cắt túi mật nên ăn gì?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Do có thể bị rối loạn tiêu hóa vào những ngày đầu, nên sau khi cắt túi mật bạn hãy ăn những món ăn dễ nuốt, dạng lỏng. Sau đây là những lưu ý trong thực đơn cho người cắt túi mật:

cat-tui-mat-co-anh-huong-gi-den-suc-khoe-va-tuoi-tho-khong-voh-3

Sau khi cắt túi mật cần kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ (Nguồn: Internet)

  • Ăn nhạt: Trong những tuần đầu sau khi phẫu thuật, bạn nên ăn nhạt để dễ tiêu hóa. Sau khi cơ thể thích nghi với những thay đổi, bạn có thể thiết kế chế độ ăn hợp lý với nhiều rau xanh và hoa quả.
  • Hạn chế chất béo: Ở những người cắt túi mật, không nên ăn hơn 40 - 50g chất béo mỗi ngày. Những thực phẩm bạn có thể dùng như sữa tách kem, sữa chua không béo, thịt nạc, cá, gia cầm, đồ uống không có cồn.
  • Bổ sung các chất béo chưa bão hòa: Chất béo chưa bão hòa rất tốt cho người cắt túi mật vì gan sẽ tăng cường tiết dịch mật khi có các tín hiệu từ các chất béo lành mạnh. Bạn có thể bổ sung loại chất béo này từ dầu ô liu và dầu cá.

Bên cạnh đó, bạn cần tránh thực phẩm giàu cholesterol gồm trứng, thịt mỡ, một số loại hải sản, đồ chiên xào, thức ăn nhanh,…để tránh các bệnh ở túi mật tái phát.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang hellobacsi.com
Bài thuốc trị sỏi mật từ trái sung non: Khi bệnh nhân bị sỏi mật sẽ đau nhiều, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, cần nhanh chóng gặp bác sĩ và thực hiện thủ thuật can thiệp. Tuy nhiên, về Đông y, nếu bệnh nhân chưa gặp biến chứng nặng có thể dùng các bài thuốc để điều trị bảo tồn, khiến sỏi hóa bùn và tự đào thải. 
Nóng gan nên ăn gì và kiêng gì?: Nóng gan là một trong những dấu hiệu bệnh lý ở người đang mắc bệnh về gan. Nóng gan có thể xuất phát từ chế độ ăn uống không khoa học. Vậy ăn gì để cải thiện tình trạng nóng gan?