Chỉ số IQ và EQ đối với sự phát triển của trẻ

(VOH) – Từ trước đến nay nhiều người vẫn thường chú trọng đến chỉ số IQ của trẻ, nhưng thực ra vẫn còn một chỉ số quan trọng không kém, đó là chỉ số EQ.

Vậy cả 2 chỉ số này có mối quan hệ và tác động như thế nào đến sự phát triển của trẻ ở hiện tại và trong tương lai? Cùng lắng nghe những chia sẻ từ Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt, Trưởng khoa sức khỏe trẻ em của BV Nhi đồng TP.

1. Chỉ số IQ và thước cho sự thành công tương lai của trẻ?

Theo bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt (Trưởng khoa sức khỏe trẻ em, BV Nhi đồng TP), từ trước đến nay các bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm đến chỉ số IQ (chỉ số thông minh tư duy) của con, bởi vì cha mẹ nghĩ rằng khi con phát triển tư duy một cách tối đa thì sẽ được thành công sau này.

Tuy nhiên, thực tế chỉ số IQ chỉ là một chỉ số được dùng để đánh giá trong một giai đoạn phát triển của trẻ, nó không phải là tiêu chuẩn để đánh giá và quyết định sự thành công của trẻ trong tương lai. Bởi có những em bé có chỉ số IQ rất là cao, được đánh giá là thần đồng hoặc thiên tài nhưng cuộc sống sau đó cũng không phải là thành công lắm.

chi-so-iq-va-eq-doi-voi-su-phat-trien-cua-tre-voh

Chỉ số IQ chỉ là một phần giúp phát triển trí thông minh của trẻ (Nguồn: Internet)

Do đó, trung bình đối với một dân số thì chỉ số IQ của một người nằm ở mức trung bình là đã tốt. Chỉ cần cha mẹ thấy bé có thể vui chơi, học tập bình thường thì đó là những dấu hiệu cho thấy bé đang có một mức thông minh trí tuệ bình thường.

1.1 Có thể nâng cao chỉ số thông minh của con hay không?

Theo bác sĩ Như Nguyệt, để nâng chỉ số IQ của con cha mẹ có thể nâng lên bằng cách tăng sự tương tác giữa phụ huynh, giữa nhà trường với trẻ một cách đều đặn và thường xuyên hơn.

Cha mẹ không nên ép buộc hoặc gây áp lực cho trẻ quá nhiều. Chúng ta chỉ cần nâng chỉ số IQ lên một mức vừa phải là được, không nên bắt ép bé phải siêu thông minh hoặc siêu giỏi, bởi thực tế tỷ lệ trẻ có chỉ số IQ cao chỉ chiếm khoảng 5% dân số. Vì thế, cha mẹ hãy tùy theo khả năng của trẻ để giúp bé phát triển phù hợp.

1.2 Uống sữa có giúp bé tăng chỉ số IQ?

Cho trẻ uống sữa để tăng chỉ số IQ là một trong những cách được nhiều gia đình áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển trí thông minh của trẻ sẽ được thể hiện qua 6 kỹ năng đó là: kỹ năng tư duy phản biện, khả năng tập trung, khả năng giải quyết vấn đề (liên quan đến IQ), khả năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, thấu hiểu cảm xúc (chỉ số EQ).

Do đó, việc cho trẻ uống sữa để tăng chỉ số IQ sẽ hỗ trợ một phần trong việc phát triển trí não của trẻ, giúp bổ sung những dưỡng chất thiết yếu nhất, chứ không làm phát triển toàn diện trí thông minh của bé. Ngoài sữa thì cha mẹ có thể bổ sung những dưỡng chất này bằng cách cho trẻ ăn theo đúng nhu cầu của trẻ, tức là có đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày.

Việc chúng ta cung cấp đầy đủ dưỡng chất thông qua khẩu phần ăn sẽ giúp trẻ nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng và thực đơn ăn uống cũng được thay đổi thường xuyên. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy ăn uống ngon miệng, từ đó giúp bé có được một nguồn dinh dưỡng đầy đủ để phát triển trí thông minh của mình.

Riêng với 6 kỹ năng phát triển trí thông minh thì trẻ sẽ được rèn luyện thông qua quá trình trẻ học từ những tương tác trong nhà trường, trong gia đình, trong xã hội. Bằng việc tương tác sẽ giúp cho trẻ cung cấp thêm các kiến thức để phát triển bản thân một cách tối đa.

2. Chỉ số EQ và những ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Bên cạnh chỉ số IQ thì vẫn còn một chỉ số quan trọng không kém, đó là chỉ số EQ – chỉ số thông minh về mặc cảm xúc. Chỉ số EQ (chỉ số thông minh cảm xúc) là một loại chỉ số thể hiện sự bền bỉ, khả năng chịu đựng của một người trong quá trình học tập và làm việc.

chi-so-iq-va-eq-doi-voi-su-phat-trien-cua-tre-1-vgoh

Ngoài chỉ số IQ thì chỉ số EQ cũng cần được quan tâm nhiều hơn ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Như Nguyệt, chỉ số EQ đóng vai trò khá quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, đặc biệt là về mặt tâm lý, cảm xúc. Bởi có không ít trường hợp trẻ có năng lực rất tốt, chỉ số IQ cũng rất cao nhưng bé lại không có được sự hỗ trợ và nâng đỡ về mặt cảm xúc, cũng như không được rèn luyện về mặt tinh thần nên đã dẫn đến nhiều vấn đề như: rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu hoặc thậm chí là trầm cảm.

2.1 Làm thế nào để nhận ra trẻ đang có vấn đề về mặt cảm xúc?

Để biết trẻ có đang gặp vấn đề về mặt cảm xúc hay không thì điều đầu tiên cha mẹ cần làm là phải nhận diện được trẻ đang ở trong giai đoạn phát triển nào về mặt thể chất và tâm lý, để từ đó sẽ giúp nâng đỡ trẻ đúng với giai đoạn phát triển của bé.

Điều thứ 2 là cha mẹ cần biết rằng, con của chúng ta là duy nhất và là đặc biệt nhất, có nghĩa là không có em bé nào giống em bé nào. Mỗi một em bé sẽ phát triển 6 kỹ năng thông minh khác nhau. Vì thế, đừng bắt con phải giống như những đứa trẻ khác mà hãy giúp con phát triển ưu thế của chính mình để con cảm thấy tự tin hơn, cảm thấy lmình vững vàng hơn.

Điều quan trọng là khi có sự ủng hộ của gia đình thì bé sẽ được phát triển những ưu thế của mình một cách tối đa. 

3. Làm sao để giúp trẻ phát triển cân đối giữa chỉ số IQ và EQ?

Bác sĩ Như Nguyệt cho rằng, việc giúp trẻ có thể “song hành” được cả về chỉ số thông minh và chỉ số cảm xúc là không hề khó. Cách thực hiện vô cùng đơn giản, đó là hãy biết lắng nghe.

Chẳng hạn như khi em bé còn nhỏ, mẹ hãy lắng nghe tiếng khóc của bé để không gặp phải tình trạng đáp ứng sai nhu cầu hoặc mong muốn của con.

Lúc con bắt đầu biết bập bẹ thì mẹ sẽ lắng nghe những lời nói đầu tiên của con, bởi những khi bé cần điều gì thì bé sẽ thể hiện ra bằng lời nói.

Khi bé lớn hơn một chút thì mẹ không phải lắng nghe bằng những âm thanh bé thể hiện ra mà chúng ta sẽ lắng nghe từ trong trái tim. Lúc đó, mẹ sẽ cảm nhận được những sự thay đổi của con, dù là nhỏ nhất và khi đó nếu cảm thấy con có những bất thường về mặt cảm xúc thì cha mẹ sẽ can thiệp đúng vào từng thời điểm để giúp khắc phục và nâng đỡ chỉ số cảm xúc của con. Khi chỉ số cảm xúc được nâng đỡ tốt thì chỉ số thông minh của con cũng sẽ được phát triển tốt hơn.