Chọc dò tủy sống được thực hiện như thế nào? Có đau không?

(VOH) – Chọc dò tủy sống là kỹ thuật y khoa được thực hiện để lấy dịch não tủy ở túi dịch vùng thắt lưng để xét nghiệm. Phương pháp thường dùng để chẩn đoán các bệnh ở hệ thống thần kinh trung ương.

1. Chọc dò tủy sống là gì?

Chọc dò tủy sống (hay còn gọi là chọc dò thắt lưng, chọc dò cột sống) là một thủ thuật y khoa. Thủ thuật này được tiến hành để lấy dịch não tủy - một chất lỏng trong suốt, mang chất dinh dưỡng, thường được tìm thấy trong não và tủy sống.

Để thực hiện thủ thuật chọc dò tủy sống, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ, sau đó dùng một cây kim nhỏ xuyên qua da vào trong những khe đốt sống để lấy dịch não tủy và mang đi xét nghiệm. Phần lưng dưới thường được xem là an toàn nhất để lấy chất dịch này.

Phương pháp chọc dò tủy sống có thể giúp xác định những thay đổi của dịch não tủy trong các bệnh lý có gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương như: mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm nhiễm, tác nhân gây bệnh hay sự nhạy cảm của vi sinh vật đối với các sản phẩm thuốc...

choc-do-tuy-song-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao-co-dau-khong-voh

Chọc dò tủy sống là thủ thuật y khoa được dùng để chẩn đoán và đều trị các bệnh về thần kinh (Nguồn: Internet)

2. Chọc dò tủy sống để làm gì?

Phương pháp chọc dò tủy sống được chỉ định đối với một số bệnh lý về thần kinh. Nguyên nhân là do khi hệ thần kinh trung ương bị tổn thương thì dịch não tủy sẽ có những thay đổi tương ứng.

Một số bệnh lý có thể sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện chọc dò tủy sống là:

  • Nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương gồm viêm màng não, viêm não, viêm tủy, viêm não tủy...
  • Chẩn đoán ung thư như ung thư màng não, ung thư hạch và ung thư bạch cầu.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Viêm đa rễ dây thần kinh, hội chứng ép tủy, hội chứng tăng áp lực sọ lành tính, xơ cứng rải rác.
  • Các bệnh lý thần kinh chưa xác định được nguyên nhân như co giật, động kinh, lú lẫn hoặc rối loạn ý thức... bệnh đa dây thần kinh, bệnh đa rễ và dây thần kinh cấp hoặc mãn tính.
  • Tai biến mạch máu não: Những trường hợp nghi ngờ xuất huyết dưới nhện (là tình trạng chảy máu đột ngột vào khoảng trống ở giữa não và lớp màng bao phủ não).
  • Ngoài ra, chọc dịch não tủy còn dùng để điều trị những trường hợp cần tiêm thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc chống ung thư, gây tê tủy sống hoặc lấy dịch não tủy trong hội chứng não úng thủy... Một ứng dụng khác của phương pháp này là lấy dịch não tủy để theo dõi kết quả điều trị trong viêm màng não.

3. Ưu điểm và nhược điểm của thủ thuật

3.1 Ưu điểm

  • Đây là phương pháp đương đối an toàn, ít tác dụng phụ.
  • Có thể giúp chẩn đoán cũng như theo dõi nhiều bệnh lý thần kinh.
  • Chọc dò tủy sống không gây ảnh hưởng đến cơ thể, do thủ thuật chỉ lấy dịch tủy não trong đốt sống chứ không phải lấy tủy sống.

3.2 Nhược điểm

  • Nếu các thiết bị y tế không được đảm bảo vô trùng và tụt não sẽ có thể dẫn đến nhiễm trùng tại nơi chọc, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

4. Quy trình chọc dò tủy sống

choc-do-tuy-song-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao-co-dau-khong-1-voh

Quy trình thực hiện tủy sống được thực hiện qua 4 bước (Nguồn: Internet)

Toàn bộ quá trình chọc dò tủy sống chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Các bước thực hiện được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Tư thế của bệnh nhân: Thủ thuật này có thể được thực hiện trong khi ngồi hoặc nằm theo yêu cầu của bác sĩ.
  • Bước 2: Lưng bệnh nhân sẽ được lau kỹ bằng thuốc khử trùng. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt một tấm phủ lên lưng bệnh nhân để giữ cho vùng này được vô trùng.
  • Bước 3: Bác sĩ tiến hành chích hành chích mũi kim xuyên qua da vào khoảng trống giữa 2 đốt sống để rút ra khoảng vài ml dịch mang đi xét nghiệm. Lưu ý quan trọng: Bệnh nhân không được nhúc nhích trong khi thực hiện thủ thuật. Nếu như có khó chịu hoặc cần cử động, bệnh nhân hãy nói với bác sĩ để được giải quyết.
  • Bước 4: Sau khi lấy được mẫu dịch não tủy, kim được rút ra, băng dán sẽ được đặt vào chỗ tiêm. Bệnh có thể cử động nếu muốn.

5. Chọc dò tủy sống có đau không?

Rất nhiều người khi nghe đến chọc dò tủy sống đều rất lo lắng vì không biết lấy tủy có đau không? Các bác sĩ cho biết, chọc dò tủy sống thường sẽ không đau nhiều do bác sĩ sẽ dùng thuốc gây tê cục bộ tại vùng da cần chọc dò trước khi thực hiện thủ thuật.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân cũng có thể sẽ cảm thấy hơi đau và ép nhẹ khi mũi kim chích vào, có cảm giác bị châm chích kéo dài khoảng vài dây. Trong trường hợp bệnh nhân cảm thấy đau nhói xuống chân, hãy nói với bác sĩ để bác sĩ điều chỉnh vị trí của kim, giúp bệnh nhân được dễ chịu hơn.

6. Chọc dò tủy sống có gây ảnh hưởng gì không?

Phương pháp chọc dò tủy sống được thực hiện rất thường xuyên tại khu cấp cứu khám bệnh và thủ thuật cũng đã được chứng minh là rất an toàn trong việc chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh.

Hầu hết các trường hợp thực hiện thủ thuật điều an toàn. Nguy cơ bị nhiễm trùng từ thủ thuật cũng rất hiếm xảy ra.

Sau thủ thuật, bệnh có thể bị đau lưng dưới nhẹ và thường sẽ tự hết sau vài ngày. Một tác dụng phụ khác có thể gặp đó là nhức đầu. Nếu bệnh nhân bị chứng rối loạn xuất huyết thì có thể gặp phải nguy cơ bị chảy máu, gây tổn hại dây thần kinh và cột sống, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm gặp.

7. Chăm sóc bệnh nhân sau khi chọc dò tủy sống như thế nào?

Bệnh nhân sau khi thực hiện chọc dò tủy sống cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Nên uống nhiều nước để bù lại lượng dịch não tủy bị mất. Có thể uống nước trái cây hoặc các món súp để tăng cường bổ sung nước cho cơ thể.
  • Nghỉ ngơi nhiều sau khi thực hiện thủ thuật là điều rất cần thiết để giúp cơ thể nhanh hồi phục.
  • Không hoạt động mạnh và không nên di chuyển nhiều sau thủ thuật vì có thể khiến máu rỉ ra.
  • Vệ sinh thường xuyên: Giữ cho vùng tiêm sạch sẽ và thay băng thường xuyên theo đúng chính định của bác sĩ để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.