Chống bụi mịn, người dân cần “che chắn” kỹ khi ra đường

(VOH) - Vào khoảng 9 giờ sáng 1/10, một vài khu vực tại TPHCM có chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ 152 – 156, đạt ngưỡng màu đỏ, có hại cho sức khỏe – theo Air Visual.

Liên tiếp nhiều ngày gần đây, người dân TPHCM chứng kiến cảnh sương mờ từ sáng tới chiều. Đây là hiện tượng sương mù quang hóa làm giảm tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Trong sáng 1/10, theo Air Visual, chỉ số ô nhiễm tại TPHCM đứng thứ 7 trong nhóm các thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất. Không khí ô nhiễm có chứa các loại bụi lơ lửng, PM10, PM2.5, NO2, SO2, CO…

Cảnh báo sự nguy hiểm của bụi mịn PM2.5

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo, trong các loại bụi trên thì bụi mịn PM2.5 là một trong những loại bụi độc hại bởi PM2.5 gây rối loạn vận động hệ thống lông chuyển làm giảm khả năng đào thải chất bẩn trên bề mặt niêm mạc.

PM2.5 còn làm tắc các tuyến nhầy, khô niêm mạc... tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Bụi PM2.5 khi bị hít vào cơ thể còn có khả năng đi sâu vào bên trong tế bào bạch cầu - loại tế bào miễn dịch bảo vệ cơ thể làm suy giảm miễn dịch cơ thể.

PM2.5 có kích thước chỉ bằng 1/30 cọng tóc, vì vậy có thể đi thẳng vào phế nang phổi và phá huỷ lớp phế nang chứ không như các bụi thông thường khác có thể bị chặn lại ở đường hô hấp trên.

Đặc biệt, PM2.5 chính là kim loại nặng như chì, thuỷ nhân, carbon... ở dạng bụi và nếu tích lũy đủ trong cơ thể thì nó có khả năng gây ung thư.

Bác sĩ Sang dự báo, từ nay tới cuối năm, số ca bệnh hô hấp (suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm phổi...) ở cả người lớn và trẻ em sẽ tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên mọi người cần đề cao ý thức phòng bệnh.

Ngoài việc đeo khẩu trang bảo hộ kín đáo cho bản thân, đặc biệt trẻ nhỏ khi ra đường, bác sĩ Sang cũng khuyên người dân cố gắng hạn chế tạo nên ô nhiễm bằng cách hạn chế đi xe máy nếu không cần thiết, không đốt giấy vàng mã hay đốt rác…

Đeo khẩu trang sao cho hiệu quả

Hiệu quả lọc bụi của các loại khẩu trang phục thuộc chủ yếu vào kích thước bụi hay vi khuẩn mà nó có thể cản được, kích thước lọc được càng nhỏ thì tác dụng của nó càng lớn. Chất liệu càng mang tính kháng khuẩn, hút khí độc như than hoạt tính hay có nhiều lớp lọc bụi như khẩu trang y tế thì hiệu quả lọc của nó càng cao.

Hiện có nhiều loại khẩu trang được bán trên thị trường, tuy nhiên bác sĩ Sang đưa ra nhận xét về một số loại khẩu trang - giống như của Đại học Thammasat (Thái Lan) như sau:

Khẩu trang N95 hiểu nôm na con số 95 là số bụi được lọc sạch. Theo nghiên cứu thì khẩu trang N95 có khả năng lọc tới 99.59% số bụi. Tuy nhiên, giá thành loại khẩu trang này khá đắt và không phải nơi nào cũng có điều kiện. Khẩu trang N95 là loại khẩu trang có cấu tạo đặc biệt, không chỉ ngăn ngừa bụi mà còn ngăn được giọt nhỏ (đến 95% số nhân giọt bắn ra). Nhờ vậy khả năng phòng bụi, bệnh của N59 rất cao.

ô nhiễm không khí, cách đeo khẩu trang

Tác dụng lọc bụi của các loại khẩu trang - theo Đại học Thammasat (Thái Lan)

Khẩu trang y tế có khả năng lọc 66.37% bụi, tức là chỉ lọc 2/3 bụi khi hít vào và phần lớn dân số đang sử dụng loại này. Tuy nhiên, nếu sử dụng khẩu trang y tế kèm với 1 lớp khăn giấy bên trong thì lại có khả năng lọc không khí “ngang ngửa” với khẩu trang N95 với 98.05% được lọc.

Nếu sử dụng 2 khẩu trang cùng lúc thì khả năng lọc bụi khá hơn với 89.75% bụi được lọc.

Nếu sử dụng khẩu trang y tế cùng 2 lớp khăn giấy thì khả năng lọc lại kém hơn do 2 lớp khăn giấy quá dày, khiến các mép của khẩu trang không sát với da. Vì thế, dòng không khí nhiều và bụi vẫn qua được.

Đối với khẩu trang vải - loại được dùng phổ biến nhất lại là loại khẩu trang lọc bụi kém hiệu quả. Dù có tới 2 đến 3 lớp vải nhưng không có lớp than hoạt tính lọc bụi nên chiếc khẩu trang này chỉ có thể lọc được tối đa 20 – 30% bụi bẩn với kích thước tối thiểu mà nó lọc được là 2 micrômet.

Bác sĩ Sang khuyên, nếu có điều kiện, người dân nên sử dụng khẩu trang N95. Tuy nhiên, phổ thông nhất và vẫn hiệu quả thì nên dùng kết hợp 2 khẩu trang cùng lúc hoặc dùng 1 khẩu trang y tế kèm theo 1 tờ khăn giấy bên trong khi ra đường.

Người dân nên theo dõi chỉ số ô nhiễm không khí mỗi ngày

Chất lượng không khí kém gây nguy hại cho sức khoẻ, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, nhóm người mắc bệnh hô hấp.

Do đó, để chủ động bảo vệ sức khoẻ người dân nên thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí tại ứng dụng Air Visual hoặc báo chí. Khi thấy chỉ số ô nhiễm quá cao (trên mức 200) thì nên hạn chế ra ngoài đường và tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, hạn chế sử dụng nước mưa, tránh phơi thực phẩm ngoài trời.

Người già, trẻ nhỏ nên đóng cửa ở trong nhà và dùng máy lọc không khí. Nếu bắt buộc phải ra đường thì cần đeo khẩu trang, đeo kính che mắt.

Phẫu thuật cứu sống sản phụ bị nhau cài răng lược - BV Đại học Y Dược Thành phố vừa phối hợp liên chuyên khoa, đồng thời áp dụng kỹ thuật mới-chèn bóng ở động mạch chậu trong thực hiện phẫu thuật thành công cho 1 sản phụ bị nhau cài ...

Người dân cẩn trọng khi tự ý dùng thuốc trên mạng - Đề kháng kháng sinh hiện đang là một vấn đề toàn cầu. Các dữ liệu gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất ở châu Á.