Tiêm chủng cho trẻ và những điều cần biết

(VOH) – Tiêm chủng cho trẻ luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hiểu đúng về vacxin cũng như việc tiêm chủng cho trẻ chính là cách giúp cha mẹ giữ gìn sức khỏe con yêu.

Theo thống kê, mỗi năm có từ 2 – 3 triệu người được cứu sống nhờ tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Khi mới sinh ra, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, nhưng môi trường bên ngoài lại chứa nhiều tác nhân gây bệnh, điều này sẽ dễ khiến cho trẻ mắc phải nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, việc phòng ngừa cho trẻ, đặc biệt là phòng ngừa đặc hiệu bằng vacxin có ý nghĩa vô cùng to lớn.

1. Tầm quan trọng của tiêm chủng cho trẻ

Theo TS,BS Đặng Lê Như Nguyệt (Trưởng khoa sức khỏe trẻ em của Bệnh viện Nhi Đồng TP), vacxin là một “sản phẩm” có thành phần tạo ra kháng nguyên, nhằm tạo ra miễn dịch đặc hiệu đối với một bệnh chuyên biệt nào đó.

Các thành phần vi sinh vật trong vacxin là những vi sinh vật đã được làm yếu đi hoặc đã làm chết đi hoặc chỉ lấy một phần rất nhỏ các vi sinh vật để không gây ra tác dụng phụ, không gây bệnh cho trẻ và tạo ra được miễn dịch cho bé.

Đối với trẻ em, nếu được chủ động phòng ngừa bằng vacxin trẻ sẽ không phải mắc một loại bệnh đặc hiệu nào đó, ví dụ như sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, ho gà, uốn ván… Đồng thời tránh được những biến chứng cũng như các di chứng nặng nề và các nguyên nhân khác gây ra tử vong.

Đối với gia đình, trong trường hợp trẻ đã được tiêm chủng vacxin thì gia đình, những người chung quanh trẻ cũng sẽ được bảo vệ một cách gián tiếp và với một cộng đồng có độ bao phủ vắc-xin cao thì những người trong cộng đồng đó cũng sẽ được bảo vệ.

Ngoài ra, khi trẻ tiêm ngừa một loại vacxin nào đó thì trẻ có thể được phòng ngừa chéo đối với một số bệnh, ví dụ: khi trẻ tiêm ngừa cúm thì trẻ có thể giảm được những đợt viêm đường hô hấp trên. Chính vì thế, thực hiện tiêm chủng cho trẻ sẽ mang đến rất nhiều những lợi ích không chỉ cho các bé mà còn cho cả gia đình cũng như xã hội.

tiem-phong-vacxin-cho-tre-va-nhung-dieu-can-biet-voh-0
Tiêm phòng vacxin là biện pháp phòng bệnh quan trọng (Nguồn: Internet) 

2. Tiêm chủng cho trẻ có gây ra phản ứng nguy hiểm?

Mặc dù luôn được khuyến cáo là nên cho trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng, thế nhưng, nhiều gia đình vẫn còn lo ngại về những tác dụng phụ khi tiêm ngừa vacxin cho trẻ dẫn đến chậm trễ trong việc chủng ngừa.

Theo bác sĩ Như Nguyệt chia sẻ, các số liệu thống kê về những trường hợp xảy ra phản ứng nặng nề khi tiêm chủng cho trẻ em là cực kỳ thấp, chỉ chiếm 1/100.000 ca, nếu như trẻ được tiêm chủng những cơ sở, trung tâm y tế được Sở Y tế hoặc Bộ Y tế thông qua.

Bên cạnh đó, việc tiêm ngừa vacxin cho trẻ cũng là một biện pháp để trẻ có được một hệ miễn dịch tự nhiên giúp bảo vệ bé tốt nhất. Việc chậm trễ hoặc kéo dài thời gian tiêm chủng, có thể khiến trẻ mắc phải một số bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như bệnh bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà.... đây là những bệnh nếu mắc phải thì việc điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tỷ lệ thành công cũng rất thấp.

Mặc dù, có một số bệnh lý được đánh giá là lành tính, ví dụ như bệnh thủy đậu, sởi rubella... Tuy nhiên, nếu không được chủng ngừa tốt thì những căn bệnh này vẫn có thể gây ra biến chứng vô cùng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi do bội nhiễm....

Xem thêm: 7 phản ứng phụ thường gặp nhất khi tiêm vacxin cho bé, mẹ có thể nhận diện ngay

3. Lịch tiêm chủng vacxin mở rộng 

Bác sĩ Như Nguyệt cho biết, có rất nhiều loại vacxin mà trẻ cần được tiêm ngừa, nhưng đầu tiên cha mẹ cần ưu tiên cho trẻ đi tiêm 10 vacxin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể:

  • Trẻ vừa sinh ra cần tiêm ngừa bệnh lao và bệnh viêm gan B.
  • Trẻ được 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng là thời điểm cần tiêm ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não do HIB và bệnh viêm gan B (mũi nhắc lại).
  • Trẻ 9 tháng tuổi cần phải được tiêm mũi ngừa bệnh sởi. (Thời điểm từ 6 – 11 tháng tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường nhiều nên trẻ sẽ dễ bị lây nhiễm). 
  • Trẻ 12 tháng tuổi cần phải tiêm mũi viêm não Nhật Bản. (Đây là bệnh lây lan qua trung gian là muỗi, do đó bắt buộc cần phải chủng ngừa).

Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TPHCM chia sẻ lịch tiêm phòng mới nhất cho trẻ em

3.1. Tiêm sớm hơn thời gian quy định

Thông thường, thời gian tối thiểu giữa 2 mũi tiêm sẽ là 1 tháng, tuy nhiên chính xác sẽ là 28 ngày (4 tuần). Khi muốn tiêm sớm hơn thời gian quy định trong lịch tiêm chủng thì cha mẹ có thể tiêm sớm hơn đối đa là 4 ngày. Ví dụ, nếu lịch hẹn là 28 ngày thì bé có thể được tiêm sớm hơn 4 ngày, tức là tối thiểu 24 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, bé có thể quay trở lại để tiêm mũi tiếp theo.

3.2. Tiêm trễ hơn thời gian quy định

Trong trường hợp cha mẹ quên mất thời gian tiêm chủng của trẻ thì vẫn có thể cho trẻ đi tiêm ngay sau khi đã nhớ ra và khi trẻ có đủ điều kiện để tiêm chủng. Chỉ trừ một số trường hiếm gặp, chẳng hạn như tiêm vacxin viêm não Nhật Bản cần được tiêm 3 mũi cơ bản trong năm đầu tiên, nếu để mũi thứ 2 trễ hơn 1 năm thì có thể bé sẽ phải tiêm ngừa lại từ đầu.

3.3. Những trường hợp hoãn tiêm ngừa

Mặc dù phần lớn trẻ sẽ được tiêm chủng bình thường, tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ cần tiêm một số loại vacxin sống giảm độc lực, ví dụ: vacxin sởi, quai bị, rubella,... Với những trường hợp này, cha mẹ cần hỏi bác sĩ về việc sử dụng những loại thuốc có thể gây ức chế miễn dịch trước đó. Nếu trẻ có sử dụng những loại thuốc ở liều có thể gây ức chế miễn dịch thì cha mẹ nên hoãn việc tiêm ngừa và chỉ tiêm vacxin khi hệ miễn dịch của trẻ đã phục hồi.

Ngoài ra, với những trẻ đang mắc một số bệnh cấp tính như bệnh viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm tai giữa thì có thể sẽ phải hoãn tiêm chủng. Riêng những trường hợp nhiễm bệnh cấp tính nhẹ như trẻ bị rối loạn tiêu hóa, trẻ bị sổ mũi nhưng không kèm theo sốt, không có phản ứng viêm... thì bé vẫn có thể thực hiện tiêm chủng bình thường.

Xem thêm: Bố mẹ cần biết: Viêm tai giữa ở trẻ em nguy hiểm ra sao?

4. Những lưu ý trước, trong và sau khi đi tiêm chủng

tiem-phong-vacxin-cho-tre-va-nhung-dieu-can-biet-voh-1
Tạo tâm lý thoải mái cho trẻ khi tiêm vacxin (Nguồn: Internet) 

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi đưa bé đi tiêm chủng, cha mẹ ghi nhớ một số lưu ý quan trọng cũng như quan sát trẻ trước, trong và sau khi tiêm. 

4.1. Chuẩn bị trước khi tiêm chủng 

Đối với trẻ lớn cha mẹ nên thông báo cho trẻ biết về việc tiêm chủng để trẻ có thể chuẩn bị tinh thần. Nên động viên trẻ và không gây hoang mang cho trẻ.

Đối với trẻ nhỏ cần có sự trợ giúp của gia đình để có sự chuẩn bị tốt hơn. 

Lưu ý: Nên mang theo tất cả những sổ chủng ngừa ở tất cả các nơi mà trẻ đã được tiêm phòng để bác sĩ kiểm tra hết toàn bộ lịch tiêm của trẻ, từ đó có thể đưa được một phác đồ tiêm ngừa cho trẻ tốt nhất.

Xem thêm: 4 điều cha mẹ đừng quên làm trước khi cho trẻ đi tiêm phòng vacxin

4.2. Lưu ý trong khi tiêm chủng

Chuẩn bị cho trẻ mặc quần áo thật thoải mái để trẻ cảm thấy việc tiêm chủng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Có thể mang theo một ít đồ ăn nhẹ cho trẻ hoặc sữa, để sau khi trẻ tiêm ngừa xong sẽ cho trẻ ăn hoặc uống, nhằm giúp trẻ có thể quên đi cơn đau do tiêm chủng.

4.3. Theo dõi trẻ sau khi tiêm chủng 

Theo dõi tất cả những dấu hiệu mà bác sĩ dặn dò sau khi tiêm.

Theo dõi trong vòng 30 phút tại cơ sở tiêm và 24 giờ sau khi đã về nhà.

Hy vọng với những chia sẻ của TS,BS Đặng Lê Như Nguyệt (Trưởng khoa sức khỏe trẻ em của Bệnh viện Nhi Đồng TP) sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của vacxin cũng như việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ trong những năm tháng đầu đời.