Có nên cho bé ngậm núm vú cao su?

(VOH) - Bạn đọc Tịnh Thao (tinhthaomt@gmail.com) hỏi: bé gái 5 tuổi cao 1m15cm nặng 20kg, đã thay và đang mọc răng vĩnh viễn. Nhưng răng hàm mới mọc đã bị thiểu sản men răng. Không biết cháu bị như vậy do nguyên nhân gì? Và có cách nào khắc phục được không? Răng hàm trên cháu bị siết ăn, mẹ đã cho đi khám bác sĩ Nha khoa và bác sĩ chỉ định trám những răng mọc thiểu sản để bảo vệ, điều đó có nên không?

Hình minh họa. Nguồn: internet

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, trưởng bộ môn dinh dưỡng, Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời:

Độ tuổi từ 5 tuổi đến 6 tuổi, bé bắt đầu thay bộ răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Thông tin mà bạn đọc cho thấy, bé có chiều cao cân nặng “đẹp” so với lứa tuổi, tức là bé không có vấn đề gì về dinh dưỡng. Bé chỉ gặp vấn đề thiểu sản men răng. Nguyên nhân thường gặp nhất là do mầm răng có di truyền thiểu sản men răng. Do vậy, chúng ta chỉ có thể chữa bằng cách trám các phần siết ăn và có khi chúng ta phải phủ lên một lớp men răng khi bé trưởng thành.

Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý với bé bị thiểu sản men răng cần giữ gìn răng miệng kỹ:

Đánh răng ít nhất hai lần vào buổi sáng khi bé ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Tốt hơn nữa là cho bé đánh răng vào sau buổi ăn trưa nữa.

Không nên cho trẻ ăn vặt sau khi đã đánh răng. Đây là điều kiện tốt cho vi khuẩn tấn công, nhất là với bé bị thiểu sản men răng rất dễ bị sâu, siết răng

Tập cho bé súc miệng bằng nước súc miệng có Flour để giữ men răng tốt hơn.

Với bé từng ngậm núm vú cao su cũng có thể giảm lượng máu nuôi men răng, làm thay đổi cấu trúc mạch máu ở vùng xương hàm, làm cho răng bé được nuôi dưỡng kém hơn. Do vậy, các vị phụ huynh muốn cho con nín nên nói chuyện với bé  thay vì cho con ngậm núm vú cao su. Như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của bé mà còn tác động không tốt đến sự phát triển tới khung hàm và men răng của bé.