Cường giáp là gì, có nguy hiểm không?

(VOH) - Cường giáp là một hội chứng chứ không phải là bệnh. Việc phát hiện sớm tình trạng cường giáp sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.

1. Cường giáp là gì?

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y dược TPHCM), cường giáp là một hội chứng chứ không phải là bệnh. Hiện nay, rất nhiều người, kể cả các bác sĩ, thầy thuốc đã hiểu sai về vấn đề này. Bởi hội chứng là tập hợp các triệu chứng do nhiều bệnh gây nên. Đối với hội chứng cường giáp, nguyên nhân phổ biến là do bệnh bướu giáp trạng mà dân gian hay gọi là bệnh bướu cổ gây nên.

Có 2 loại bướu cổ hay gây ra hội chứng cường giáp là bệnh Basedow (hay còn gọi là bướu cổ lồi mắt) và bướu cổ đa nhân nhiễm độc.

cuong-giap-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Cường giáp là hội chứng phổ biến, gặp ở nữ nhiều hơn nam (Nguồn: Internet)

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cổ, tiết ra hormone tuyến giáp giúp kiểm soát rất nhiều hoạt động của cơ thể. Một số các chức năng của tuyến giáp như điều tiết lượng canxi trong máu, tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sự hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cho cơ thể. Nếu bạn có quá nhiều hormone này sẽ dẫn đến các triệu chứng của cường giáp.

Cường giáp là hội chứng bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới.

2. Triệu chứng của cường giáp là gì?

Các biểu hiện và triệu chứng của cường giáp thường là bướu cổ kèm theo triệu chứng tăng chuyển hóa như:

  • Giảm cân đột ngột ngay cả khi bạn ăn uống bình thường hoặc ăn nhiều hơn.
  • Nhịp tim nhanh, tim thường đập hơn 100 nhịp/phút, nhịp tim không đều hoặc đánh trống ngực.
  • Gia tăng cảm giác thèm ăn.
  • Lo lắng, khó chịu, căng thẳng, tâm trạng thay đổi, khó ngủ.
  • Đổ nhiều mồ hôi.
  • Mệt mỏi, yếu cơ, tay hoặc các ngón tay có biểu hiện run.
  • Nhu động ruột hoạt động mạnh hơn mức thông thường nên có nhu cầu đi tiêu nhiều hơn.
  • Da mỏng hay đỏ và dày ở bàn chân, cẳng chân.
  • Nữ giới có kinh nguyệt thay đổi.
  • Mắt có sự thay đổi phồng lên, đỏ, sưng, nhìn mờ, nhìn đôi, nhạy cảm với ánh sáng.

Nếu nhận thấy tuyến giáp phình to khiến cổ bị sưng và kèm những triệu chứng trên thì bạn nên đi khám để được kiểm tra.

cuong-giap-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Khi thấy cổ phình to thì nên đi khám ngay (Nguồn: Internet)

3. Cường giáp có nguy hiểm không?

Cường giáp nếu không phát hiện và điều trị sớm, bạn có nguy cơ đối mặt với các biến chứng sau đây:

3.1 Biến chứng tim mạch

Nhịp tim nhanh, các rối loạn nhịp tim nghiêm trọng như rung nhĩ cứ tiếp diễn ở bệnh nhân cường giáp sẽ dẫn đến tình trạng suy tim.

3.2 Cơn bão giáp

Khi tình trạng hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng của người bệnh có thể đe dọa nếu không kịp thời chẩn đoán và điều trị.

3.3 Lồi mắt ác tính

cuong-giap-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-3

Cường giáp không điều trị sớm sẽ gây biến chứng lồi mắt (Nguồn: Internet)

Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn với ánh sáng, hay kèm thêm viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

4. Cường giáp có điều trị được không?

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y dược TPHCM) cho biết, việc điều trị cường giáp không khó, chỉ cần người bệnh phát hiện sớm. Điều trị bao giờ cũng bắt đầu bằng phương pháp nội khoa, có nghĩa là sử dụng các loại thuốc kháng giáp tổng hợp, một số trường hợp có thể dùng thêm các loại thuốc ức chế beta giao cảm, thuốc an thần,…

Thời gian điều trị có thể kéo dài 4 – 6 tháng. Các triệu chứng của cường giáp có thể thuyên giảm khi điều trị khoảng 2 tuần.

Một số trường hợp có bướu cổ to, bệnh tái phát hay vì lý do thẩm mỹ, các yếu tố xã hội nghề nghiệp,…bệnh nhân có thể được phẫu thuật để giải quyết bệnh nhanh và triệt để hơn.

Đối với những bệnh nhân trên 40 tuổi, không còn sinh đẻ, có thể dụng Iode đồng vị phóng xạ để điều trị.

5. Chế độ ăn uống dành cho người bị cường giáp

5.1 Cường giáp nên ăn gì?

Những thực phẩm sau đây sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng cường giáp:

  • Gạo lứt, lúa mạch, bánh mì được làm từ ngũ cốc nguyên hạt.
  • Các loại quả mọng như quả mâm xôi, dâu tây chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Người bị cường giáp nên thường xuyên sử dụng các loại hoa quả này.
  • Rau họ cải: Bông cải xanh, súp lơ, cải xoăn, bắp cải có chứa goitrogen có thể làm giảm việc sản xuất hormone của tuyến giáp. Người bị cường giáp có thể ăn các loại rau này mỗi ngày.
  • Thực phẩm giàu vitamin D và Omega 3 như: cá hồi, nấm, quả óc chó, dầu oliu, dầu hạt lanh.  Những thực phẩm này giúp cung cấp lượng axit béo có lợi cho cơ thể, tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân cường giáp. Ngoài ra các thực phẩm giàu vitamin D còn ngăn ngừa loãng xương.
  • Đạm từ thực vật như đạm đậu nành và các loại đậu đã được chứng minh là rất tốt cho sức khỏe. Người bị cường giáp thường dễ bị giảm cân, do đó cung cấp đủ lượng protein cho cơ thể là vô cùng cần thiết. Protein từ các loại đậu an toàn và tốt cho người bị cường giáp.
  • Nếu bệnh nhân cường giáp không có các dấu hiệu khó tiêu, đầy bụng sau khi sử dụng các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai thì hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm này, vì các chế phẩm từ sữa giàu canxi, hạn chế bệnh loãng xương vốn thường gặp ở bệnh nhân cường giáp.

cuong-giap-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-4

Cá hồi giàu omega-3 tốt cho bệnh nhân cường giáp (Nguồn: Internet)

5.2 Cường giáp kiêng ăn gì?

Những thực phẩm mà bệnh nhân cường giáp không nên ăn gồm có:

  • Bột: Nếu bị cường giáp thì bạn nên hạn chế ăn mì ống, bánh mì.
  • Đường: Ăn nhiều đường có thể làm tăng mức độ hồi hộp ở những người mắc chứng cường giáp. Do đó nên tránh các thực phẩm có nhiều đường như nước ngọt, các loại mứt, thạch, bánh kẹo,…
  • Thịt đỏ: Thịt đỏ chứa hàm lượng cholesterol, chất béo bão hòa cao. Người bị cường giáp ăn nhiều thịt đỏ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
  • Dầu thực vật hydro hóa: Loại dầu này thường được sử dụng để chế biến, sản xuất các loại thực phẩm. Loại dầu này giàu chất béo chuyển hóa, có thể gây hại đến lượng cholesterol tốt trong cơ thể, có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của cường giáp. Do đó, người bị cường giáp nên hạn chế các loại bánh quy giòn, bơ thực vật, các loại thực phẩm chiên và đóng gói.
  • Đồ uống chứa cồn: Người bị cường giáp nếu thường xuyên sử dụng các sản phẩm chứa cồn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương.
  • Cà phê: Caffein là một trong những chất có tác dụng kích thích tuyến giáp tiết quá nhiều hormone thyroxin, làm bộ máy cơ thể chạy nhanh bất thường, dẫn đến tỏa nhiều nhiệt nên người lúc nào cũng nóng nảy, khó chịu. Do đó người bị cường giáp không nên dùng quá nhiều cà phê mỗi ngày.