Đau dạ dày khi mang thai: Nguyên nhân và cách chữa bệnh an toàn

(VOH) - Đau dạ dày khi mang thai là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ. Bệnh lý này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của bà bầu.

1. Nguyên nhân đau dạ dày khi mang thai

Suốt thời kỳ mang thai, mẹ bầu sẽ thay đổi rất nhiều từ hình dáng cơ thể bên ngoài đến nội tiết tố bên trong, đặc biệt là sự biến động của hàng loạt các cơ quan trong cơ thể. Hiện tượng đau dạ dày khi mang thai này cũng là một trong những biến đổi đó.

Đau dạ dày khi mang thai có những biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với các dấu hiệu thai nghén như buồn nôn hoặc nôn, đầy bụng và khó tiêu. Tuy vậy nếu chỉ bị nghén thì mẹ bầu sẽ không có các triệu chứng đặc trưng khác của đau dạ dày như ợ chua, đau râm ran hoặc nóng rát ở vùng thượng vị, đau nặng ở phần giữa hoặc phần trên bụng khi quá đói hoặc quá no, sút cân, kém ăn.

Mẹ bầu xuất hiện những triệu chứng trên là do những nguyên nhân sau đây: 

1.1 Thai nghén: 

Hội chứng này đặc trưng bởi biểu hiện buồn nôn và thường xuyên nôn mửa. Tuy không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng sẽ tác động đến hoạt động ở hệ tiêu hóa, dạ dày bị kích thích dẫn đến co bóp quá mức, tăng tiết dịch vị và xuất hiện các cơn đau;

1.2 Tử cung giãn nở

Khi thai nhi ngày càng phát triển, tử cung bị đẩy lên cao hơn làm cho vị trí của dạ dày cũng thay đổi theo, thức ăn xuống dạ dày lúc này sẽ bị ứ đọng lại, khó tiêu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niêm mạc;

1.3 Rối loạn nội tiết tố

Khi mang thai, nội tiết tố có xu hướng tăng đột ngột, khiến nhu động ruột giảm, lúc này sẽ làm tăng áp lực ổ bụng và kích thích dạ dày. Dạ dày lúc này sẽ bài tiết rất nhiều dịch vị, co bóp quá mức và xuất hiện những cơn đau thường xuyên;

1.4 Căng thẳng thần kinh

Tình trạng này xuất hiện trong thời kỳ mang thai do nội tiết tố bất ổn, lo lắng về việc thai nhi phát triển, nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. Căng thẳng quá mức có thể làm tăng áp lực lên các dây thần kinh ở não bộ, dẫn đến nhu động ruột giảm, dạ dày co bóp quá mức và tiết dịch vị nhiều;

1.5 Thói quen ăn uống

Nhiều mẹ bầu hay có sở thích ăn các loại trái cây chua như xoài, mận, mơ,... khi mang thai, tuy nhiên những loại thực phẩm này lại chứa nhiều acid nên sẽ dễ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

5-nguyen-nhan-dau-da-day-khi-mang-thai-va-cac-cach-phong-ngua-benh-an-toan-voh-1
Đau dạ dày khi mang thai khiến bà bầu cảm thấy khó chịu, buồn bực (Nguồn:Internet)

2. Đau dạ dày khi mang thai có sao không ?

Những cơn đau nhức ở vùng thượng vị kèm theo tình trạng đầy hơi, ợ chua, nóng ran ở vùng bụng làm ảnh hưởng không nhỏ đến mẹ bầu như:

  • Cảm giác khó chịu khi ăn và không ăn ngon miệng nên lúc này việc tiêu hóa thức ăn sẽ có vấn đề dẫn đến tình trạng khó tiêu, buồn nôn;
  • Những triệu chứng đau dạ dày làm mẹ bầu vô cùng khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt;
  • Những biến đổi trong cơ thể kèm với hiện tượng đau dạ dày thường làm cho nhiều mẹ cảm thấy khó chịu, căng thẳng, buồn bực, kém tập trung;
  • Nghiêm trọng hơn việc tiêu hóa thức ăn kém làm cho dinh dưỡng không đủ cho cả mẹ và bé khiến sức khỏe của mẹ và bé không tốt. 

Do đó, khi gặp triệu chứng đau dạ dày khi mang thai, mẹ bầu không được chủ quan mà phải tìm các biện pháp khoa học để điều trị kịp thời.

Xem thêm: Cách làm bắp cải cuộn thịt sốt cà chua, giúp giảm đau dạ dày, chữa tụ máu bầm và nhiều lợi ích khác

3. Cách chữa đau dạ dày khi mang thai

Theo các chuyên gia, tốt nhất phụ nữ có thai nên sử dụng một số loại thảo dược từ thiên nhiên như mật ong, nghệ, trà gừng, nước nha đam,...có tác dụng thanh nhiệt, giảm tiết dịch acid trong dạ dày, giúp cải thiện những cơn đau và làm lành các vết loét ở thành niêm mạc.

Tuy nhiên, trước khi áp dụng các bài thuốc từ thảo dược tự nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể, vì một số loại thảo dược có thể gây kích thích tử cung co bóp quá mức, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.  

Ngoài ra, các chuyên gia khuyên rằng, khi mang thai và cho con bú, tốt nhất nên giữ gìn sức khoẻ để không phải sử dụng thuốc. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc trong thời kỳ này, thai phụ không nên tùy tiện, cần phải được sự đồng ý của bác sĩ và uống thuốc theo hướng dẫn. Vì việc dùng thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như sau:

  • Ba tháng đầu thai kỳ: Lúc này các cơ quan như tim, thần kinh trung ương, tay, chân... của thai nhi hình thành, nên việc sử dụng một số thuốc chữa đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu dễ gây ra dị tật bẩm sinh;
  • Ba tháng giữa thai kỳ: Mặc dù là giai đoạn này thai ít nhạy cảm với thuốc, tuy nhiên vẫn có những bộ phận tiếp tục biệt hóa như hệ thần kinh và sinh dục bên ngoài nên thuốc có thể gây hại cho các bộ phận này. Vì vậy, đau dạ dày khi mang thai 3 tháng giữa việc sử dụng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ;
  • Ba tháng cuối thai kỳ: Đây là giai đoạn các bộ phận của thai đã hình thành đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện như gan chưa làm tốt chức năng chuyển hóa, thận chưa đào thải tốt. Do đó, khi dùng thuốc để chữa đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối cũng gây ảnh hưởng đến thai nhi, cho trẻ sinh ra và cho cả mẹ khi sinh nở.

Xem thêm: Mẹ bầu cần biết: Ra máu 3 tháng cuối thai kỳ lưu ý điều gì?

4. Cách phòng bệnh đau dạ dày khi mang thai

5-nguyen-nhan-dau-da-day-khi-mang-thai-va-cac-cach-phong-ngua-benh-an-toan-voh-2
Để phòng ngừa đau dạ dày khi mang thai, bà bầu nên ăn uống và thực hiện lối sống khoa học (Nguồn:Internet)

4.1 Tăng cường nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi và thư giãn là một trong những điều mà bạn nên áp dụng để hạn chế tình trạng đau dạ dày khi mang thai. Chính vì vậy, bạn hãy sắp xếp công việc hợp lý, tránh làm việc quá sức, làm dạ dày hoạt động quá nhiều và gia tăng áp lực cho dạ dày.

  • Sau khi ăn mẹ bầu hãy nghỉ ngơi để dạ dày có thời gian chuyển hóa thức ăn, hạn chế được tình trạng trào ngược dạ dày mà chúng ta hay gặp;
  • Ngủ đủ 8 tiếng để cơ thể đủ năng lượng hồi phục cho ngày hôm sau, khi ngủ nên nằm kê cao đầu, tránh cúi thấp hoặc gập người. Chỉ một chút xáo trộn trong nhịp sinh học, cơ thể mẹ bầu càng thêm mệt mỏi, uể oải và trì trệ.

4.2 Xây dựng chế độ ăn hợp lý

  • Khi ăn, mẹ bầu nên ăn từ tốn, không ăn quá nhanh hay quá no, vì cách ăn này chỉ làm dạ dày sản sinh thêm nhiều acid và khó chịu hơn. Tốt nhất là nhai kỹ, nuốt chậm, ăn thành nhiều bữa nhằm tăng sự bài tiết của nước bọt, giảm acid và bão hòa acid trong dạ dày;
  • Chọn thức ăn mềm, tăng cường ăn thức ăn giàu tinh bột, trứng, sữa,... không những giàu dinh dưỡng mà còn tốt cho bệnh đau dạ dày. Cụ thể những loại thực phẩm này có khả năng trung hòa acid, hạn chế tiết nhiều acid, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày hiệu quả hơn;
  • Tránh những món ăn làm cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như thực phẩm giàu chất béo, chocolate, nước ép trái cây họ cam quýt, cà phê, bạc hà,... Tuyệt đối không ăn thực phẩm còn sống, lạnh, ôi thiu;
  • Không nên để bụng quá đói, bởi lúc này acid tăng cao rất dễ làm tình trạng đau dạ dày khi mang thai trở nên nghiêm trọng hơn.

4.3 Tránh uống rượu bia và khói thuốc lá

  • Rượu bia vốn gây hại rất lớn cho thai nhi. Nếu mẹ bầu đau dạ dày khi mang thai thì việc ngừng uống rượu là một điều cực kỳ cần thiết, vì thức uống có cồn sẽ làm tình trạng của hệ tiêu hóa chuyển biến xấu;
  • Khói thuốc lá gây hại cho phổi và thai nhi đang phát triển. Do đó, hãy yêu cầu các thành viên nam trong gia đình bỏ thuốc lá ngay nếu để không phải trải qua những biến chứng “kinh khủng” về sức khỏe có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.

4.4 Vận động đúng cách

  • Sau khi ăn hạn chế vận động vì lúc này dạ dày đang làm việc. Nếu vận động thì máu sẽ ít lưu thông vào dạ dày hơn, hạn chế hoạt động của dạ dày, gây đầy bụng, nên tốt nhất là mẹ bầu chỉ vận động sau khi ăn từ 2 đến 3 giờ;
  • Thường xuyên áp dụng các bài tập nhẹ nhàng, đi bộ... để tăng cường sức đề kháng, làm cho tinh thần thoải mái hơn.

Đau dạ dày khi mang thai là bệnh lý rất phổ biến. Mặc dù các triệu chứng của bệnh không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng các cơn đau kéo dài sẽ làm suy giảm sức khỏe của mẹ bầu và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi. Do đó, khi có các dấu hiệu của bệnh lý người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và hướng dẫn các biện pháp điều trị an toàn.