Xét nghiệm canxi máu là gì, vì sao cần thực hiện?

(VOH) – Khi bạn có những triệu chứng của tình trạng hạ hoặc tăng canxi máu, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm canxi máu. Vậy xét nghiệm canxi máu là gì?

Xét nghiệm canxi máu là phương pháp phổ biến áp dụng cho những người có các triệu chứng của tụt canxi máu hoặc tăng canxi máu. Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm này được coi như một phần của xét nghiệm máu thường quy, nhằm giúp chẩn đoán và phát hiện nhiều tình trạng bệnh lý quan trọng.

1. Xét nghiệm canxi máu là gì?

Tổng lượng canxi trong cơ thể khoảng 1 – 2kg, trong đó, 99% lượng canxi nằm trong xương và răng, phần còn lại sẽ nằm trong máu. Lượng canxi trong máu có 10% sẽ được gắn với các anion (phosphate, bicarbonate), 50% là canx ion hóa (dạng tự do) và 40% được gắn với các protein huyết tương, chủ yếu là albumin.

Xét nghiệm canxi máu (hay còn gọi là xét nghiệm canxi máu toàn phần) chính là phương pháp dùng để đánh giá tổng lượng canxi có trong máu của một người. Do canxi là khoáng chất rất quan trọng với nhiều chức năng cơ thể, nên bạn cần xét nghiệm canxi máu để đánh giá tình trạng tăng – giảm lượng canxi tăng hoặc giảm trong cơ thể, từ đó đưa ra các chỉ định về sức khỏe phù hợp.

xet-nghiem-canxi-mau-voh-0
Xét nghiệm canxi máu là phương pháp dùng để đánh giá tổng lượng canxi có trong máu của một người (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn cũng có thể sẽ được thực hiện xét nghiệm canxi ion hóa để đo lượng canxi tự do có trong máu của bạn. Canxi tự do là canxi không liên kết với bất kỳ protein nào và anion trong máu của bạn.

Trong một số trường hợp, bạn sẽ được chỉ định thực hiện đo mức độ canxi trong nước tiểu, bên cạnh 2 xét nghiệm canxi máu kể trên.

2. Mục đích xét nghiệm canxi máu

Xét nghiệm canxi máu nhằm mục đích sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi các nguyên nhân liên quan đến xương, răng, thần kinh, thận và tim. Nồng độ canxi trong máu không phản ánh đúng có bao nhiêu canxi có trong xương mà nó chủ yếu phản ánh có bao nhiêu canxi đang lưu hành trong máu.

Xét nghiệm canxi máu rất cần thiết trong chẩn đoán nhiều bệnh lý, bởi nó giúp cung cấp các thông tin, tình trạng bệnh lý liên quan như:

  • Rối loạn protein và vitamin D
  • Bệnh lý tuyến cận giáp và đường tiêu hóa
  • Bệnh lý liên quan đến xương, thận
  • Các bệnh lý ác tính do các tế bào ung thư giải phóng canxi và gây tăng nồng độ canxi máu nặng

Xét nghiệm canxi ion hóa còn đặt biệt được dùng cho các trường hợp tăng hoặc giảm nồng độ canxi máu song nồng độ calci toàn phần ở mức ranh giới và có biến đổi nồng độ protein huyết thanh.

3. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm canxi máu?

Thông thường, các chỉ định thực hiện xét nghiệm canxi máu được thực trong các trường hợp như:

  • Là một phần của xét nghiệm máu thường quy.
  • Sau khi ghép thận.
  • Đi tìm nguyên nhân sau khi xét nghiệm điện tâm đồ có bất thường.
  • Tuyến cận giáp hoặc thận có vấn đề hoặc phát hiện một số loại ung thư và các vấn đề về xương hay viêm tuyến tụy.
  • Đi tìm nguyên nhân của các triệu chứng như đau cơ, chuột rút, co giật, ngứa ran ở các ngón tay và xung quanh miệng có phải do thiếu canxi hay không.
  • Đi tìm nguyên nhân của sự buồn nôn, táo bón, đi tiểu nhiều, đau bụng hoặc đau xương có phải do thừa canxi hay không

4. Quy trình thực hiện xét nghiệm canxi máu

Trước khi thực hiện xét nghiệm canxi máu, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngừng dùng một số loại thực phẩm hoặc thuốc như: thuốc lithium, thuốc lợi tiểu, thuốc bổ sung vitamin D, canxi, thuốc antacid có chứa canxi... để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

xet-nghiem-canxi-mau-voh-1
Quy trình thực hiện xét nghiệm canxi máu khá nhanh và đơn giản (Nguồn: Internet)

Quy trình thực hiện xét nghiệm máu cho bà bầu, trẻ em hay người trưởng thành thường sẽ tương đối giống nhau và khá đơn giản với 5 bước:

  • Bước 1: Nhân viên y tế sẽ quấn một dải băng quanh tay bạn để ngưng máu lưu thông
  • Bước 2: Tiến hành sát trùng vị trí tiêm bằng cồn
  • Bước 3: Thực hiện tiêm kim vào tĩnh mạch ở cánh tay và thao tác rút lượng máu cần thiết.
  • Bước 4: Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu, thoa gạc hay bông gòn lên vị trí vừa tiêm.
  • Bước 5: Dán băng cá nhân lên vị trí vừa tiêm.

Các thao tác lấy máu thường mất chưa đến 5 phút, bạn có thể cảm thấy hơi đau nhẹ khi kim đâm vào cánh tay nhưng không đáng kể. Lượng máu thu được sẽ được cho vào ống nghiệm bảo quản và đưa về phòng xét nghiệm, thực hiện ly tâm để tách huyết thanh hoặc huyết tương, sau đó được xác định nồng độ canxi.

5. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm canxi máu

Sau khi thực hiện xong quy trình lấy máu làm xét nghiệm canxi máu, bác sĩ sẽ thông báo thời gian trả kết quả xét nghiệm đến người bệnh.

Kết quả xét nghiệm canxi máu thường sẽ có những kết quả như sau:

5.1 Giá trị bình thường

Phạm vi tham chiếu bình thường cho xét nghiệm canxi máu ở người trưởng thành là khoảng 8.6 - 102 mg/dL; 4.2 – 5.3 mEq/L hay 2.1 – 2.6 mmol/L. Tiêu chí tham chiếu này có thể khác biệt không đáng kể giữa các phòng thí nghiệm.

Dựa vào chỉ số này có thể đối chiếu và phân loại tình trạng bệnh nhân là tăng canxi máu hay hạ canxi máu.

5.2 Tăng nồng độ canxi máu

Khi kết quả cho thấy nồng độ canxi trong máu cao hơn mức bình thường (tăng canxi máu), cho thấy bạn có thể đang gặp phải các vấn đề sau đây:

  • Cường cận giáp tiên phát
  • Tăng do nguyên nhân ung thư: ví dụ ung thư vú, phổi, thận...
  • Bệnh u tạo hạt: bệnh sarcoidose, lao, bệnh phong, bệnh u hạt do silicone, bệnh u hạt tăng bạch cầu ái toan, sốt do mèo cào...
  • Tác dụng của các thuốc: ngộ độc vitamin D và vitamin A, lạm dụng thuốc trung hòa acid dịch vị (Antacid abuse), dùng thuốc lợi tiểu quá mức thiazide.
  • Bệnh Paget
  • Sau ghép thận
  • Nhiễm toan hô hấp
  • Bệnh leukemia
  • Các bệnh lý nội tiết: nhiễm độc giáp, khối u tuyến cận giáp, hội chứng Cushing, u tủy thượng thận...

Xem thêm: Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể bạn tiêu thụ quá nhiều canxi?

5.3 Giảm nồng độ canxi máu

xet-nghiem-canxi-mau-voh-2
Nồng độ canxi máu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe (Nguồn: Internet)

Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ canxi máu thấp hơn mức bình thường (hạ canxi máu) thì thường là do các nguyên nhân:

  • Giảm protein máu, nhất là khi nồng độ albumin máu thấp
  • Giảm hấp thu calci: người bị ỉa chảy mạn, nghiện rượu...
  • Người bị suy dinh dưỡng nặng
  • Bệnh suy thận
  • Hội chứng thiếu vitamin D
  • Suy cận giáp, giả suy cận giáp.
  • Viêm tụy cấp
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy
  • Truyền máu ồ ạt
  • Giảm magie máu do đi kèm với giảm bài xuất hormone cận giáp
  • Còi xương và chứng nhuyễn xương. Do sử dụng các thuốc: EDTA, Calcitonin, thuốc điều trị ung thư, truyền dịch muối,…
  • Di căn u nguyên bào xương

Xem thêm: 12 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu canxi nghiêm trọng

6. Những yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm canxi máu

Đặt garo tĩnh mạch quá lâu có thể sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm canxi trong máu.

Nồng độ canxi huyết thanh sẽ bị tăng khi có:

  • Tăng albumin máu ở những bệnh nhân đa u tủy xương
  • Mất nước nặng
  • Hạ natri máu do làm tăng tỷ lệ calci gắn với protein và làm tăng nhẹ calci toàn phần

Nồng độ calci huyết thanh giảm khi:

  • Giảm nồng độ magie máu khi sử dụng hóa chất chống ung thư
  • Tăng nồng độ phosphat máu: dùng thuốc nhuận tràng, thụt tháo bằng dịch có phosphate, điều trị hóa chất chống ung thư,…
  • Hòa loãng máu
  • Giảm nồng độ albumin máu

Ngoài ra, việc sử dụng sai ống chống đông cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xét nghiệm.

6.1 Xét nghiệm canxi máu có cần nhịn ăn không?

Không cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng canxi, tuy nhiên nếu có thực hiện thêm một số xét nghiệm khác đi kèm, bạn nên tuân thủ theo lời dặn dò của bác sĩ.

Như vậy, xét nghiệm canxi máu là một bước cần thiết trong quá trình khám tổng quát nhằm phát hiện các bệnh liên quan đến xương, thận và rất nhiều vấn đề sức khỏe khác.