Đau là gì? Làm cách nào để chăm sóc giảm nhẹ cơn đau cho trẻ?

(VOH) – Theo Hiệp hội Đau Hoa Kỳ, đau là 1 trong 5 dấu hiệu sinh tồn của con người. Vậy đau là gì, làm sao nhận biết, điều trị cũng như chăm sóc giảm nhẹ cơn đau cho trẻ?

1. Đau là gì? 

Theo ThS,BS Bùi Thị Thanh Huyền (Trưởng đơn vị chăm sóc giảm nhẹ và giảm đau, BV Nhi Đồng TP), đau là một trải nghiệm rất thường gặp đối với trẻ em về cảm giác. Cơn đau có thể gây ra những vấn đề liên quan đến thể chất và tâm lý không chỉ ngay tại thời điểm trẻ bị đau mà nếu như việc kiểm soát đau không hiệu sẽ có thể để lại những vấn đề về lâu dài.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng đau có thể khiến trẻ gặp phải các vấn đề như: tăng nhịp tim, giảm oxy, bé có phản ứng về stress... Không những thế, về tâm lý các cơn đau có thể khiến bé có những biểu hiện lo âu, giận dữ hoặc thậm chí là bị trầm cảm.

Khi nhận thấy được tầm quan trọng của việc đánh và điều trị đau đối với bệnh nhân, năm 1996 Hiệp hội Đau Hoa Kỳ nhận định, đau là một trong 5 dấu hiệu sinh tồn cơ bản của con người (dấu hiệu sinh tồn là các dấu hiệu thể lực cho biết trạng thái sống còn của cơ thể. Trước đây, người ta thường sử dụng 4 dấu hiệu sinh tồn chính, đó là nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và oxy máu).

2. Nguyên nhân gây đau ở trẻ em?

Có rất nhiều những nguyên nhân chi tiết có thể dẫn đến tình trạng đau ở trẻ, tuy nhiên, các bác sĩ đã chia ra làm 2 nhóm chính đó là: 

  • Nhóm nguyên nhân do những tổn thương thực thể, ví dụ như những tai nạn sinh hoạt hằng ngày (bé chơi bé bị té, bé bị bỏng hoặc là những tai nạn giao thông...) tất cả đều có thể gây đau. 

dau-la-gi-lam-cach-nao-de-cham-soc-giam-nhe-con-dau-cho-tre-voh

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau ở trẻ (Nguồn: Internet)

  • Nhóm nguyên nhân do bệnh lý. Thường xảy ra đối với những trẻ đang mắc bệnh, bị viêm nhiễm... Đôi khi những can thiệp y tế như: lấy máu, xét nghiệm, các thủ thuật, phẫu thuật cũng đều có thể gây đau cho trẻ.

Ngoài ra, nhóm nguyên nhân thuộc về tâm lý như: trẻ bị lo lắng, stress cũng có thể làm cơn đau tăng lên và khó điều trị hơn. Thậm chí, các bác sĩ thấy rằng, trong một số trường hợp nếu trẻ không được chẩn đoán và điều trị những vấn đề về tâm lý thì việc điều trị đau sẽ không hiệu quả.

3. Làm sao có thể đánh giá được cơn đau ở trẻ?

ThS,BS Bùi Thị Thanh Huyền cho biết, việc đánh giá tình trạng đau ở trẻ em tương đối khó hơn so với người lớn. Nguyên nhân là vì trẻ không biết cách chia sẻ, chẳng hạn như bé không biết có bị đau hay không, đau ở mức độ nào... khiến cho việc đánh giá chưa được hiệu quả. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non thì việc đánh giá đau càng khó khăn hơn.

dau-la-gi-lam-cach-nao-de-cham-soc-giam-nhe-con-dau-cho-tre-1-voh

Với trẻ nhỏ việc đánh giá tình trạng đau sẽ dựa vào biểu cảm trên gương mặt bé (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, hiện nay quá trình đánh giá tình trạng đau ở trẻ em đã được chuẩn hóa trên thế giới. Các nhà khoa học đã đưa ra những thang điểm để bác sĩ có thể đánh giá một cách tương đối chính xác về tình trạng của trẻ. Ví dụ như:

  • Trẻ từ 7 tuổi trở lên: Đánh giá cơn đau sẽ dựa theo thang điểm của người lớn.
  • Trẻ từ 3 – 7 tuổi: Đánh giá cơn đau dựa vào khuôn mặt của trẻ, ví dụ: nhìn gương mặt xem trẻ đang khóc, đang cười hay đang nhăn nhó.
  • Trẻ dưới 3 tuổi: Việc đánh giá sẽ thông qua những biểu hiện của trẻ như như trẻ khóc, các cử động về chân tay, biểu hiện ở khuôn mặt, cũng như một số dấu hiệu khác về nhịp tim, mạch đập, oxy,...

4. Những biện pháp chăm sóc giảm nhẹ cơn đau cho trẻ

Đối với việc chăm sóc giảm nhẹ (giảm đau) cho trẻ hiện nay được chia thành 2 nhóm, đó là: giảm đau dùng thuốc và giảm đau không dùng thuốc.

4.1 Giảm đau dùng thuốc

Đây là phương pháp giảm đau nhanh, có thể cắt ngay cơn đau của trẻ. Hiện có rất là nhiều loại thuốc điều trị giảm đau khác nhau và việc sử dụng thuốc nào, lựa chọn thuốc nào, liều lượng ra sao... sẽ do bác sĩ quyết định dựa trên việc đánh giá đau toàn diện và kỹ lưỡng .

4.2 Giảm đau không dùng thuốc

Giảm đau không dùng thuốc cũng là một phương pháp an toàn và đã được chứng minh hiệu quả, dễ sử dụng. Với phương pháp này, ba mẹ có thể thực hiện tại nhà với những tình huống đơn giản.

Biện pháp giảm đau không dùng thuốc thường được áp dụng nhiều nhất là: Làm cho bé sao nhãng và quên đi cơn đau bằng cách chuyển sự chú ý của bé sang những vấn đề khác mà bé thích, ví dụ như ba mẹ có thể nói chuyện với bé, cho bé hát hoặc cho bé xem những chương trình TV, Youtube mà bé thích. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể áp dụng các biện pháp giảm đau không dùng thuốc khác đã được chứng minh có hiệu quả là: liệu pháp sao nhãng, liệu pháp thôi miên, liệu pháp nhận thức và liệu pháp hành vi. 

 Bạn có thể nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ từ audio dưới đây: