Đi ngoài sau khi ăn là dấu hiệu của bệnh gì?

(VOH) - Thỉnh thoảng đi ngoài sau khi ăn có thể do thức ăn, nhưng nếu nó cứ diễn ra liên tục thì hãy cẩn trọng bệnh tật ‘ghé thăm’. Dưới đây là những nguyên nhân gây đau bụng, đi ngoài sau khi ăn.

Ăn và đi ngoài (đi cầu, đại tiện,…) mỗi ngày là chuyện hết sức bình thường, thế nhưng nếu cứ ăn xong là đi ngoài thì có thể sức khỏe bạn đang gặp vấn đề, nhất là đường tiêu hóa.

Đi ngoài sau khi ăn nguyên nhân do đâu?

Thực tế, ngay sau khi ăn, hệ tiêu hóa sẽ được dồn máu để tiêu hóa thức ăn nên nhu ruột sẽ tăng lên khiến đại tràng co bóp để đẩy khối thức ăn trong đường ruột ra ngoài. Do đó, bất cứ ai cũng có cảm giác muốn đi ngoài sau khi ăn, dù cảm giác đó ít hay nhiều tùy vào cơ địa mỗi người.

Nếu có thói quen đi ngoài ngay sau khi ăn, đặc điểm phân bình thường (không rắn, không lỏng, không nát) và đi ngoài không quá 2 lần trong ngày thì không cần quá lo lắng. Bởi đó chính là “nhịp sinh học” do chính cơ thể bạn tạo nên.

di-ngoai-sau-khi-an-la-dau-hieu-cua-benh-gi-voh

Đi ngoài ngay sau khi ăn có thể do rối loạn tiêu hóa (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nếu số lần đi ngoài nhiều hơn 2 lần/ngày và bất cứ lúc nào ăn xong là có cảm giác đi ngoài thì cần xem xét lại vấn đề sức khỏe. Nếu bạn đi ngoài nhiều lần trong ngày (ăn sáng xong là đau bụng đi ngoài hoặc cứ ăn xong là đau bụng đi ngoài), đặc điểm phân bất thường (phân sống, phân lỏng không thành khuôn) kèm theo cảm giác đau quặn bụng, mót ngoài, đi xong lại muốn đi tiếp,…thì có thể bạn đang mắc một số bệnh lý về đường tiêu hóa. Cụ thể là:

  • Hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích thường đến từ việc ăn uống thất thường, ăn thức ăn lạ hoặc dùng thuốc không đúng cách. Khi đó, bệnh nhân đi ngoài nhiều lần và phân không thành khuôn, có thể nát hoặc táo bón.

  • Rối loạn vi khuẩn đường ruột

Rối loạn xảy ra do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột dẫn đến giảm hấp thu, tăng nhu động ruột gây ra tình trạng ăn xong là muốn đi ngoài, phân lỏng, nát hoặc phân sống.

  • Do viêm đại tràng

Triệu chứng của viêm đại tràng là đi đại tiện nhiều lần trong ngày, rối loạn tiêu hóa kéo dài, phân thường nát và không thành khuôn, bụng trướng hơi, căng tức, khó chịu, đau bụng dưới âm ỉ khó chịu.

Ngoài các nguyên nhân trên, đi ngoài sau khi ăn còn có thể do các nguyên nhân sau đây:

  • Chế độ ăn uống không hợp vệ sinh.
  • Thức ăn khó tiêu.
  • Thức ăn ôi thiu gây tổn thương niêm mạc đại tràng.
  • Do nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn đường ruột.
  • Dị ứng thức ăn, các chất kích thích hoặc có cồn,…

Đi ngoài sau khi ăn nên làm gì?

Ai cũng phải đi đại tiện để thải những chất cặn bã ra ngoài. Tuy nhiên, nếu tần suất đi ngoài nhiều hơn 2 lần/ngày, có những dấu hiệu bất thường như phân lẫn máu, chất nhầy hoặc bạn bị đau bụng dữ dội sau khi ăn và có cảm giác muốn đi ngoài thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.

di-ngoai-sau-khi-an-la-dau-hieu-cua-benh-gi-voh

Nếu đau bụng, đi ngoài sau khi ăn diễn ra nhiều ngày thì bạn phải đi khám ngay (Nguồn: Internet)

Nếu nguyên nhân không xuất phát từ rối loạn tiêu hóa mà do bạn dung nạp quá nhiều chất xơ, ăn thực phẩm nhiễm bẩn,…thì bạn có thể khắc phục bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Bạn nên ăn đồ hấp hoặc luộc, hạn chế xào, rán, bên cạnh đó cần tránh các chất kích thích như cà phê, trà, hoặc các thức uống có cồn như bia, rượu,…

Lưu ý: Đi ngoài nhiều lần, phân lỏng có thể khiến cơ thể bạn bị mất nhiều nước. Do vậy, việc đầu tiên là bạn cần bù nước và điện giải, sau đó hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách khắc phục.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang hellobacsi.com
Đi cầu ra máu và những nguyên nhân không thể xem thường: Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đi cầu ra máu. Bài viết dưới đây chia sẻ những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng này và cách xử lý. 
Bác sĩ chia sẻ cách chữa tiêu chảy tại nhà: Tiêu chảy là bệnh khá phổ biến, ai cũng có thể mắc phải. Trong một số trường hợp, bệnh tiêu chảy có thể tự điều trị tại nhà.