Dịch bệnh đang diễn tiến khó lường: Phòng bệnh như thế nào hiệu quả?

(VOH) - Hai tuần cuối tháng 9, tình hình bệnh tay chân miệng nhập viện trên địa bàn TP tăng đột biến. Tính đến nay, cả nước đã có 6 trường hợp bệnh nhi tử vong vì căn bệnh này.

Bên cạnh đó, sởi cũng đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành Đông Nam Bộ với các điểm nóng được phát hiện. Lo ngại nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì vấn đề kiểm soát không lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện vô cùng quan trọng. VOH có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM.

VOH: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn TPHCM cụ thể với 3 loại bệnh đang cùng lúc phát sinh phức tạp là tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết?

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh: Cho đến thời điểm hiện nay sốt xuất huyết vẫn thấp hơn cùng kì năm ngoái là 14% với 21.000 trường hợp mắc và hiện sốt xuất huyết đang giai đoạn cuối mùa mưa. Tay chân miệng từ đầu năm đến nay gần 18.000 trường hợp, giảm 21% so với cùng kì. Tuy nhiên, hai tuần gần đây, bệnh tay chân miệng có tăng lên, tăng chứ không phải vượt qua khỏi tầm kiểm soát của y tế vì đây giai đoạn cuối mùa mưa chuyển sang mùa khô thì bệnh tăng lên đúng nhịp độ. 

Những ca nhẹ phải được điều trị ở tuyến dưới tránh chuyển lên tuyến trên. Thậm chí với những trường hợp nặng quá nếu chuyển lên sợ tử vong trên đường thì chúng tôi phối hợp vào công tác hội chẩn từ xa, hỗ trợ từ xa.

Vừa rồi Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phối hợp cứu sống bệnh nhi tay chân miệng độ 4 từ Kiên Giang mà nếu đưa lên Thành phố có thể tử vong trên đường. Chính điều này làm chúng tôi càng thấy rằng việc hỗ trợ các tuyến dưới thông qua hội chẩn, đào tạo trực tuyến sẽ giúp tay nghề của các đơn vị tuyến dưới càng phát triển hơn nữa để công tác thu dung điều trị ngày càng tốt hơn.

Còn các bệnh viện Thành phố cụ thể như Bệnh viện Nhi đồng 1 dù đang sửa chữa nhưng vẫn đảm bảo tốt công tác điều trị, ngay như khu căn tin mới vừa đưa vào hoạt động thì chỗ căn tin cũ đã được sửa chữa theo kế hoạch từ trước thành phòng bệnh mới, đáp ứng nhu cầu. Tương tự Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng san sẻ, hiện Nhi đồng 1 khoảng 155 cháu, Nhi đồng hai 110 cháu. Riêng Bệnh viện Nhi đồng TP cũng đã dự trù 40 giường, sắp tới dành một khoa nữa để chia sẻ cho Nhi 1, Nhi 2 cũng như đảm bảo phân luồng điều trị tốt hơn tránh lây lan.

 Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP: Tránh tối đa lây nhiễm chéo

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh họp với các bệnh viện Nhi và đơn vị liên quan để chủ động phòng ngừa và điều trị tốt cho bệnh nhi tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP

VOH: Thưa ông một trong những vấn đề ngành y tế lưu ý tránh dồn bệnh nhẹ lên tuyến trên gây quá tải và lây nhiễm chéo. Vậy thì năng lực điều trị của tuyến quận, huyện hiện nay như thế nào, cụ thể trong bệnh lí tay chân miệng?

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh: Phải nói rằng trình độ tuyến quận, huyện cho đến thời điểm hiện nay là đáp ứng điều trị mức độ 2a với bệnh tay chân miệng, tức là mức độ trung bình, nhẹ thì hoàn toàn đáp ứng. Thời gian qua, Thành phố đã quan tâm đầu tư rất nhiều từ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực đã được phân bố sau khi đào tạo. Tuyến huyện dần đảm nhận được không chỉ sốt xuất huyết, tay chân miệng mà ngay cả những bệnh lí xử lí trong hồi sức cấp cứu có thể kể đến như Thủ Đức, Quận 2, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, sắp tới là Bình Chánh, rồi Củ Chi nếu cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt, thêm vào nguồn lực được đào tạo bài bản thì chúng ta làm được tốt. Điều chúng tôi đang mong muốn là được hỗ trợ các tỉnh thành về đào tạo cũng như kinh nghiệm để xử lí sớm, không cần chuyển lên tuyến trên. Cụ thể sự phối hợp của 3 bệnh viện nhi với các bệnh viện tỉnh thành thời gian qua đã tốt, nên chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa.

VOH: Dịch bệnh đang diễn tiến khó lường, phức tạp. Vậy thì ông có thông điệp khuyến cáo gửi đến cộng đồng như thế nào?

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh: Mỗi gia đình phải chung tay, góp sức với cộng đồng, phải biết bảo vệ sức khỏe của bản thân các thành viên và các cháu nhỏ. Bệnh nào đã có vắc xin thì chủ động tiêm ngừa, chưa có thì thực hiện tốt vệ sinh cá nhân bằng các biện pháp thông thường như rửa tay thường xuyên ở trường mầm non, mẫu giáo hay tiểu học để khi các cháu lớn lên thì đã hình thành một nếp sống, đã ý thức được công tác vệ sinh để hướng dẫn cho các em nhỏ khác. Cộng đồng hãy chung tay phòng bệnh là chính và nếu đã bệnh thì phát hiện bệnh sớm đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời./.