Điều mẹ bầu cần biết về bệnh viêm vùng chậu khi mang thai

(VOH) – Viêm vùng chậu là bệnh lý phụ khoa có thể khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc mang thai và nếu bị viêm vùng chậu khi mang thai thì sẽ càng nguy hiểm hơn nữa.

Bệnh viêm vùng chậu là gì?

Viêm vùng chậu là một nhiễm trùng cơ quan sinh sản ở nữ giới. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo và cổ tử cung vào tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Đây là một biến chứng nghiêm trọng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).

Nguyên nhân gây viêm vùng chậu là gì?

Nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm vùng chậu là do nhiễm Chlamydia hoặc bệnh lậu. Các căn bệnh này có thể gây ra các triệu chứng mơ hồ hoặc không có triệu chứng. Sau vài ngày đến vài tuần, nếu không được phát hiện và điều trị sẽ tiến triển thành viêm vùng chậu.

Ngoài ra, viêm vùng chậu có thể xuất hiện do các tác nhân nhiễm trùng không lây qua đường dục như viêm âm đạo do nấm...

dieu-me-bau-can-biet-ve-benh-viem-vung-chau-khi-mang-thai-voh

Viêm vùng chậu thường do nhiễm Chlamydia hoặc bệnh lậu (Nguồn: Internet)

Với phụ nữ mang thai, bệnh viêm vùng chậu có thể xảy ra do:

  • Phụ nữ mang thai cơ thể có nhiều sự thay đổi về nội tiết, căng thẳng, sức đề kháng giảm sút.
  • Khi mang thai khí hư ra nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển, trong đó có tình trạng viêm âm đạo do nấm.
  • Phụ nữ từng sảy thai, phá thai hoặc sinh đẻ nhiều lần.
  • Từng “quan hệ vợ chồng” với nhiều người.

Triệu chứng viêm vùng chậu

Các triệu chứng viêm vùng chậu thường không điển hình và khá mơ hồ, thậm chí, một số trường hợp bạn không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng, bạn có thể nhận thấy:

  • Đau ở bụng dưới.
  • Sốt.
  • Tiết dịch bất thường và có mùi hôi.
  • Xuất huyết âm đạo.
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
  • Nếu có quan hệ sẽ bị đau hoặc ra máu.

Khi mang thai, nếu có tình trạng xuất huyết âm đạo sẽ khiến các mẹ vô cùng lo lắng vì sợ bị dọa sảy thai hoặc sinh non. Do đó, nếu bị viêm vùng chậu khi mang thai, bạn nên đến khám phụ khoa để được thông báo về tình trạng sức khỏe cơ thể mình.

Viêm vùng chậu khi mang thai có nguy hiểm không?

  • Đối với thai nhi

Mặc dù các bệnh viêm nhiễm phụ khoa nói chung và viêm vùng chậu không lây cho em bé trong suốt thai kỳ, nhưng trong quá trình sinh, em bé đi qua cổ tử cung và âm đạo có thể sẽ bị nhiễm vi khuẩn từ mẹ, từ đó bị lây nhiễm bệnh.

dieu-me-bau-can-biet-ve-benh-viem-vung-chau-khi-mang-thai-1-voh

Viêm vùng chậu có thể gây ảnh hưởng cho thai nhi và mẹ (Nguồn: Internet)

  • Đối với người mẹ

Viêm vùng chậu có thể gây ra các sẹo trên ống dẫn trứng, từ đó ngăn cản trứng thụ tinh di chuyển vào buồng tử cung. Trứng sẽ phát triển ngay tại ống dẫn trứng dẫn đến thai ngoài tử cung. Nếu không được phát hiện sớm, khối thai lạc sẽ vỡ gây chảy máu trong ổ phúc mạc và đe dọa đến tính mạng người mẹ.

Viêm vùng chậu nặng có thể phát triển thành áp-xe buồng trứng và ống dẫn trứng. Hoặc có thể bị viêm phúc mạc.

Đặc biệt, viêm vùng chậu nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến vô sinh. Các sẹo trên các ống dẫn trứng sẽ làm tắc ống dẫn trứng từ đó ngăn cản quá trình thụ tinh.

Chẩn đoán và điều trị viêm vùng chậu khi mang thai

Để chẩn đoán viêm vùng chậu, đầu tiên bác sĩ cần tìm hiểu bệnh sử, bao gồm cả thói quen “chăn gối” và các biện pháp tránh thai mà bạn đã từng sử dụng. Nếu có triệu chứng viêm vùng chậu, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám vùng chậu để đánh giá cơ quan sinh sản. Sau đó, lấy mẫu dịch từ cổ tử cung để làm xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể làm thêm xét nghiệm máu, siêu âm, sinh thiết nội mạc tử cung....

Viêm vùng chậu có thể được điều trị, tuy nhiên không thể loại bỏ hoàn toàn các sẹo cũng như bất kỳ tổn thương nào do nhiễm trùng gây ra. Nhưng nếu để nhiễm trùng càng lâu hoặc không điều trị thì sẽ càng làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề trầm trọng khác.

Phòng ngừa viêm vùng chậu khi mang thai được không?

Để phòng ngừa viêm vùng chậu khi mang thai, bạn cần tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng cách:

  • Không quan hệ với nhiều người. Đề nghị chồng kiểm tra để phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục như nấm chlamydia và bệnh lậu hay không.
  • “Quan hệ vợ chồng” an toàn.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, tránh dùng các loại dung dịch vệ sinh nặng mùi hoặc có chất tẩy rửa mạnh.
  • Mặc quần áo thông thoáng.
  • Bạn có thể ăn thêm sữa chua không đường mỗi ngày để cân bằng độ pH âm đạo cũng như hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Như vậy, viêm vùng chậu khi mang thai là vấn đề không đơn giản, thai phụ nếu có những dấu hiệu bất thường nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và phát hiện bệnh chính xác, từ đó giúp điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé.

Nguyên nhân nào gây ngứa ở phụ nữ mang thai và làm sao khắc phục? :  Tình trạng ngứa khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất thẩm mỹ và khiến mẹ bầu khó chịu. Ngứa thường xảy ra ở 1 số bộ phận như lòng bàn tay, bàn chân đặc biệt là ...
8 dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng thai ngoài tử cung, chị em nhất định phải biết : Khi biết được mình mang thai ngoài tử cung, điều lo lắng nhất của tất cả mẹ bầu chính là muốn biết có giữ được thai nhi hay không?