Điều trị viêm gan bằng dược thảo được không ?

(VOH) - Mô hình điều trị viêm gan bằng dược thảo hoàn toàn miễn phí do bác sĩ Lương Lễ Hoàng khởi xướng đã thu hút lượng lớn bệnh nhân tìm đến và điều trị. Vậy hiệu quả của việc điều trị này như thế nào và liệu điều trị viêm gan bằng dược thảo có được hay không ? Nội dung này đã được bác sĩ tư vấn khá kỹ trong chương trình "Y khoa vui vẻ".

 

Diệp hạ châu là một trong những loại dược thảo được dùng trong điều trị hạ men gan, tuy nhiên, bệnh nhân không nên sử dụng tùy tiện mà phải dùng đúng theo chỉ định và đúng bài bản của bác sĩ. Ảnh: internet

Nghe chương trình Y khoa vui vẻ:

* VOH : Mô hình điều trị viêm gan bằng dược thảo có kết quả thế nào, thưa bác sĩ ?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Mô hình điều trị viêm gan bằng dược thảo miễn phí cho người hoàn cảnh khó khăn trong vài tháng gần đây cho thấy, tỷ lệ người hài lòng cao hơn so với dự kiến. Số lượng người đủ "tiêu chuẩn" tham gia vượt chỉ tiêu ban đầu. Như vậy, so về lượng và chất thì bước đầu mô hình đạt được mục đích mong muốn.

* VOH : Những điểm khiến bác sĩ chưa hài lòng khi triển khai chương trình?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Đó là lượng người đến xin điều trị viêm gan do độ cồn còn quá ít. Hiện nay, viêm gan được phân thành 2 nhóm chính: nhóm bội nhiễm (siêu vi B, siêu vi C, do ký sinh trùng, hậu quả của hóa chất,...) và nhóm thứ hai là viêm gan do độ cồn. Điều đáng buồn khi thực hiện chương trình này, số người viêm gan do siêu vi lại đến đăng ký khám đông hơn nhiều so với viêm gan do độ cồn, hay có thể hiểu là hiện nay nhiều người biết rõ bị nhiễm viêm gan do rượu bia nhưng vẫn né tránh, không chịu điều trị để có thể tiếp tục... nhậu.

* VOH : Tại sao số bệnh nhân viêm gan do độ cồn chiếm tỷ lệ thấp, thưa bác sĩ ? 

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Thực tế cho thấy, nhiều người uống rượu không hề đi khám gan dù bắt đầu có triệu chứng như: ăn không tiêu, vàng da, ngứa, đau tức bệ sườn phải,... Hơn nữa, nhiều cơ sở khám sức khỏe vẫn chưa mạnh dạn ghi "Viêm gan" thay vì vậy họ ghi "Tăng men gan". Do đó, nhiều người lầm tưởng mình chỉ "tăng men gan" chứ không phải "viêm gan". Nhưng nếu bị tăng men gan mà không được điều trị rốt ráo ở những người bị viêm gan do độ cồn sẽ còn nguy hiểm hơn những người bị viêm gan do siêu vi. Hơn nữa, người bị viêm gan do độ cồn thường không chịu điều trị như những người bị viêm gan do siêu vi nên tỷ lệ xơ gan cao hơn.

* VOH : Với bệnh nhân viêm gan do siêu vi thì chuyện gì khiến bác sĩ phải suy tư ?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Bệnh nhân viêm gan do siêu vi có thể được chia thành 2 nhóm: Nhóm muốn tiêu diệt vi rút cho bằng được (bao gồm: nhóm có đủ khả năng tài chính để điều trị bằng thuốc đặc trị, đắc tiền và nhóm không đủ khả năng tài chính nên uống các loại dược thảo mà không xét nghiệm xem chức năng gan có thích hợp với các chất của loại cây mình uống hay không, dẫn đến bệnh ngày càng nghiêm trọng) và nhóm không muốn điều trị vì cho rằng bệnh viêm gan không thể chữa khỏi - đây là một nhóm có quan niệm sai lầm vì đây là bệnh lý có thể điều trị, có thể sống chung với bệnh mà không bị xơ gan.

* VOH : Với số bệnh nhân rõ ràng đã tăng men gan thì yếu tố nào quyết định cho hiệu quả của phác đồ điều trị ?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Tăng men gan có nghĩa là tế bào gan phải bị phá vỡ vì khi đó chất men gan mới bị lọt vào trong máu để khi xét nghiệm chúng ta đo được. Thông thường, máu vẫn có thể có men gan nhưng trong định mức bình thường. Khi bị tăng men gan nhẹ, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân thay đổi nếp sinh hoạt trong ăn uống và theo dõi, nếu men gan vẫn tiếp tục tăng thì sẽ phải điều trị cho giảm lại. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn cuối của men gan (xơ gan), gan không còn tế bào nào để phá vỡ thì men gan sẽ xuống rất thấp, do đó, những bệnh nhân ở giai đoạn cuối với triệu chứng vàng da, bụng căng trướng có thể xét nghiệm không thấy men gan tăng (do gan đã bị xơ).

Còn với những bệnh nhân chưa bị xơ gan, khi điều trị, bác sĩ phải theo dõi thường xuyên và liên tục diễn biến men gan của bệnh nhân trước, trong và sau quá trình điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải theo dõi định kỳ sau khi đã ngưng điều trị nhưng hiện nay đa số bệnh nhân viêm gan sau khi điều trị xong thường quên theo dõi men gan định kỳ. Điều này rất dễ khiến bệnh quay trở lại.

Cây cà gai leo. Ảnh: SKĐS

* VOH : Vì sao bác sĩ chọn áp dụng mô hình điều trị viêm gan bằng dược thảo?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Hiện tại, điều trị viêm gan bằng thuốc có thời gian khá lâu (6 tháng) tuy nhiên không phải ai uống thuốc cũng đạt hiệu quả. Và khi đó, qua nghiên cứu, người ta lại phát hiện trong kho tàng y học dân gian có những cây thuốc có khả năng làm hạ men gan, nhất là những bài thuốc kinh điển chuyên trị vàng da ( do men gan tăng mà không điều trị, mật ứ lại thì đến lúc nào đó sẽ bị vàng da). Khi phân tích, người ta phát hiện có nhiều cây thuốc có khả năng làm hạ men gan và gián tiếp phục hồi nhu mô của gan. Hiện nay, với những nước Châu Âu còn thiếu thuốc đặc trị cho bệnh này, người ta vẫn dùng dược thảo. Còn với nước Đức thì người ta sử dụng đến 70% dược thảo để trị viêm gan vì họ cho rằng dược thảo ít có phản ứng phụ (như mệt mỏi, buồn nôn, mất ngủ, rụng tóc,..).

Riêng tôi, khi chọn mô hình điều trị bằng dược thảo thì đa số bệnh nhân đến để điều trị là những người đã điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả, hoặc uống những cây thuốc nhưng chưa đúng bài bản. Đây được xem là giải pháp giúp họ sau khi không đạt được kết quả như ý với những cách điều trị khác. Tất cả những dược thảo được sử dụng để điều trị trong chương trình đều đã được nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng.

* VOH : Bác sĩ hài lòng với việc áp dụng dược thảo như thế nào?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Đó là thời gian để biết kết quả điều trị bằng dược thảo tương đối ngắn (từ 2-3 tháng) so với điều trị bằng thuốc đặc trị (6 tháng).

* VOH : Khi nói về bệnh viêm gan, bác sĩ có điều gì dặn dò ?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Nếu điều trị viêm gan chỉ tập trung vào thuốc thì không thể có kết quả tối ưu. Khi có bệnh gan và khi đang điều trị, bệnh nhân không nên kiêng cữ theo kiểu... kiêng cữ hết vì trong quá trình phục hồi lá gan, chúng ta vẫn cần chất đạm, chất béo, cả kể chất đường (nếu người bệnh không bị tiểu đường). Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải bỏ hẳn thuốc lá và rượu bia để việc điều trị đạt kết quả tốt.

* VOH : Trong quá trình điều trị, bác sĩ có ghi nhận nào gọi là tâm đắc khi tiến hành mô hình này?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng : Đó là việc chương trình bắt buộc bệnh nhân phải cam kết bỏ thuốc lá và rượu bia để áp dụng mô hình điều trị bằng dược thảo đạt kết quả tốt. Theo nghiên cứu, rượu bia và thuốc lá làm giảm đến 70% hiệu quả điều trị bằng thuốc và để lại di chứng (xơ gan) cho người bệnh.

* VOH : Cảm ơn bác sĩ

Chương trình "Y khoa vui vẻ với bác sĩ Lương Lễ Hoàng" được phát sóng lúc 17 giờ 15 phút ngày thứ Năm hàng tuần, trên sóng FM 99.9MHz.