Đừng coi thường viêm VA ở trẻ

Viêm VA là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, tỷ lệ viêm VA chiếm khoảng 20-30%, lứa tuổi nhiều nhất là 1- 5 tuổi.

Bệnh hay tái phát và thường gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm phế quản, gây tắc nghẽn đường thở kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển sọ mặt của trẻ.

Bình thường khối VA phát triển đến 6-7 tuổi thì teo hết, cá biệt có thể thấy ở người trưởng thành.

Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền phức và ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và ăn uống của trẻ em.

Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, nước biển sâu để phòng ngừa viêm VA ở trẻ. Ảnh minh họa: internet

VA là gì? VA quan trọng thế nào?

VA là mô lympho nằm ở vùng vòm mũi họng và có vai trò như cửa ngõ đầu tiên bảo vệ đường hô hấp.

VA giúp trẻ ngăn ngừa nhiễm trùng và virus.

Nguyên nhân và biểu hiện của viêm VA

Viêm VA có nguyên nhân thường do vi trùng, virus. Khi VA viêm sẽ to, sau đó trở về bình thường khi hết viêm. Trường hợp khi hết viêm, VA không trở về bình thường thì gọi là quá phát (to hơn bình thường khi không bị viêm, khi đó trẻ sẽ có biểu hiện như nghẹt mũi, ngủ ngáy,... dẫn đến các biến chứng của VA như viêm xoang, viêm tai giữa). Một số trẻ em có thể có VA to từ lúc mới sinh.

Viêm VA thường có biểu hiện như:

Viêm VA nhẹ, không có triệu chứng gì đáng kể. Trường hợp viêm VA cấp và nặng, hoặc mãn tính bé có các biểu hiện sau:

- Sốt cao và ho.

- Nghẹt mũi, chảy mũi, ho (do dịch từ mũi chảy xuống họng)

- Họng: ngủ ngáy, đau họng nuốt khó (do viêm họng)

- Do nghẹt mũi, trẻ phải thở bằng họng, tình trạng nứt môi, khô họng sẽ diễn ra.

- Tai: đau tai, chảy mủ tai.

Biến chứng viêm VA

Với những trường hợp trẻ viêm VA mà không được điều trị, viêm VA sẽ dẫn đến các biến chứng như:

- Viêm tai giữa

- Viêm mũi xoang

- Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi

- Viêm đường tiêu hóa: đau bụng, đi ngoài ra nhầy, ra nước.

- Nếu viêm VA tiếp diễn lâu ngày và tái đi tái lại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng sọ mặt ở trẻ (còn được gọi bộ mặt VA ở trẻ con).

Khi trẻ có những triệu chứng lâm sàn như trên, nếu điều trị không hết trong thời gian dài thì cho trẻ đi kiểm tra VA. Hiện nay, Nội soi là phương pháp tốt nhất xác định VA to (nếu không nội soi thì chụp XQ cổ nghiêng).

Điều trị viêm VA như thế nào?

Trước hết, vệ sinh rửa mũi bằng nước muối hoặc nước biển sâu và điều trị kháng viêm, chỉ điều trị kháng sinh khi cần thiết.

Tất cả trẻ đều có VA, tuy nhiên chỉ phẫu thuật nạo VA khi có chỉ định của bác sĩ và khi:

- Khi VA to bít tắc mũi gây nghẹt mũi, chảy mũi điều trị nội khoa không có kết quả

- Viêm VA có nghẽn đường hô hấp trên

- Có hội chứng ngưng thở khi ngủ

- Có biến chứng viêm tai giữa điều trị nội khoa không khỏi

- Viêm VA có kèm suyễn

- Viêm VA quá phát gây rối loạn mọc răng.

Phòng ngừa viêm VA

- Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, nước biển sâu.

- Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để cung cấp vitamin và tăng cường miễn dịch. Hạn chế ăn nhiều tinh bột và tránh khói bụi, khói thuốc lá.

Phân biệt viêm amidan và viêm VA

 

Viêm VA

Viêm amidan

Triệu chứng

Viêm VA cấp: trẻ bị sốt 38-39 độ C, chảy mũi, ngẹt mũi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở hôi.

Viêm VA mạn tính: trẻ bị chảy mũi và nghẹt mũi kéo dài, đôi khi nghẹt mũi hoàn toàn và phải thở bằng miệng.

Gương mặt thay đổi: Miệng luôn há, trán dô, mũi tẹt, răng vẩu, cằm lẹm…

Viêm amidan cấp: sốt cao 38-39 độ C, người mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, nuốt đau, đau họng nhói lên tai…

Viêm amidan mạn tính: sốt vặt, ngứa và rát họng, nuốt vướng, thường khạc nhổ do xuất tiết, hơi thở hôi, ho khan…

Viêm amidan mạn tính quá phát: thở khò khè, đêm ngủ ngáy to, đôi khi khó thở, có thể gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.

Biến chứng

Viêm phế quản

Viêm tai giữa

Viêm thanh quản

Áp xe thành sau họng

Viêm mũi xoang

Tăng trưởng sọ mặt

Áp xe quanh amidan

Viêm mủ hạch cổ

Viêm tai giữa

Viêm mũi xoang

Nhiễm trùng máu

Sốt thấp khớp cấp: viêm đa khớp, viêm cơ tim.

Viêm cầu thận cấp

Chương trình "Sống khỏe" được phát trực tiếp từ 11g15- 11g45 ngày thứ Bảy hàng tuần trên sóng FM 99.9 MHz - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.