Đừng tạo ác mộng cho con bằng cách hù dọa

(VOH) - Nỗi sợ lớn dần chỉ từ những câu hù “cửa miệng” như ông kẹ bắt con, bác sĩ chích thuốc con… nếu con không nghe lời. 

Hình minh họa. Nguồn: internet

Đọc giả có thể nghe tư vấn của bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM

Hù con là tạo ác mộng cho con

Bà mẹ kể chuyện con mình đêm đang ngủ hay khóc òa đột ngột. Nhiều em bé lớn lên, đến lúc cho ngủ riêng thì không rời bố mẹ. Hay có những trẻ nghe đi khám bác sĩ là sợ không chịu đi. Nỗi sợ lớn dần chỉ từ những câu hù “cửa miệng” như ông kẹ bắt con, bác sĩ chích thuốc con… nếu con không nghe lời. 

Dù bé ở độ tuổi nào, người lớn cũng không nên lấy những hình ảnh như ông kẹ, thằn lằn, bác sĩ, công an… ra hù dọa trẻ. Con không ăn cơm, hù ông kẹ bắt, con không nghe lời, hù chú công an bắt, con không uống sữa, hù đưa bé đi bệnh viện cho bác sĩ chích.

Hậu quả là bé ăn trong nỗi sợ, bé bị bệnh đi gặp bác sĩ sẽ thiếu hợp tác vì… sợ, bé lớn lên cùng với “định kiến” về nghề công an.

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, đầu óc trẻ thơ như tờ giấy trắng. Người lớn nói gì đứa bé tin như vậy.

Những hình dung về nỗi sợ đó sẽ ăn sâu vào đầu óc bé. Nó chuyển thành những cơn ác mộng trong đêm hay nỗi sợ ám ảnh khi bé ngủ chập chờn, khiến trẻ khóc đêm.

Tuyệt đối không hù trẻ

Người lớn không bao giờ hù trẻ, nhất là sự việc, hiện tượng không có thật. Hãy nói với con là “con ăn cơm đi, con không ăn thì con đói bụng” thay vì “con không ăn thì ông kẹ bắt con”. Vô hình chung chúng ta làm trẻ có những ấn tượng đầu tiên không tốt về cuộc sống xung quanh

Khi trẻ làm sai, khi trẻ quá hiếu động, đừng nên dùng ông kẹ, ông ba bị để hù doạ con. Hãy dùng cảm xúc yêu thương nhất để bé cảm nhận được. Chẳng hạn "nếu con còn làm vậy, mẹ sẽ buồn lắm...”. Từ đó, bé biết quan tâm tích cực đến cảm xúc của người khác hơn là những nỗi sợ vô hình.

Nếu ai đó hù con về ông kẹ, mẹ có thể giải tỏa nỗi sợ trong lòng con bằng cách giải thích “ông kẹ là một ông già có râu, phúc hậu lắm, là ông ngoại của cháu kẹ giống như con là cháu của ông ngoại vậy”.