Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ như thế nào là đúng cách?

(VOH) – Buồn nôn, khó thở, người lơ mơ... là những dấu hiệu cho thấy trẻ đã uống thuốc hạ sốt quá liều. Vì thế, cha mẹ cần biết cách sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng cách để tránh nguy hiểm cho con.

Thời gian qua, tại tỉnh Phú Thọ xảy ra trường hợp một bé trai 27 tháng tuổi bị ngộ độc nặng do dùng thuốc paracetamol quá liều khiến nhiều người không khỏi xót xa và bất ngờ, bởi thuốc hạ sốt là một loại thuốc luôn có sẵn trong tủ thuốc của nhiều gia đình.

Thực tế, có rất nhiều người cho rằng thuốc hạ số chỉ có tác dụng giúp hạ sốt mà không hề biết rằng, bất cứ loại thuốc nào, kể cả thuốc hạ sốt cũng đều cần dùng đúng liều lượng. Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em quá liều không chỉ không có tác dụng giúp hạ sốt mà ngược lại, chúng còn gây ra nhiều hậu quả khó lường.

1. Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ quá liều gây hậu quả gì?

Thuốc chứa thành phần paracetamol có tác dụng hạ sốt, giảm đau nên paracetamol được xem nhưng một loại thuốc hạ sốt phổ biến dành cho trẻ em. Thuốc paracetamol dành cho trẻ thường được bào chế dưới dạng gói bột và viên nhét hậu môn, với hàm lượng 80 mg, 150 mg và 250 mg. Viên nhét được dùng khi trẻ sốt li bì không uống được, hoặc bị nôn ói. 

Liều dùng thuốc hạ sốt giảm đau cho trẻ trung bình từ 10 – 15mg/kg.  Tổng liều tối đa không quá 100mg/kg thể trọng/24 giờ. Mỗi lần uống cách nhau từ 4 – 6 giờ và không uống quá 6 lần/ngày (trừ những trường hợp có chỉ định khác từ bác sĩ). Khi cho trẻ uống thuốc, phải tuân thủ khoảng cách an toàn giữa hai lần uống, nếu không sẽ bị quá liều.

dung-thuoc-ha-sot-cho-tre-nhu-the-nao-la-dung-cach-voh

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt cần chú ý đền liều lượng để tránh dùng quá liều (Nguồn: Internet)

Với những trẻ không uống được hoặc hay nôn, cha mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho bé bằng đường hậu môn (thuốc nhét hậu môn), liều lượng bằng với đường uống. Tuyệt đối không được bẻ hoặc nhét 2 – 3 viên  thuốc cùng một lúc.

Paracetamol vốn được chuyển hóa tại gan nên nếu dùng liều lượng phù hợp thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, khi dùng quá liều, loại thuốc này sẽ tạo ra các chất độc, phá hủy tế bào gan dẫn đến nhiễm độc gan mà hậu quả nặng nề là suy gan cấp tính, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi, hôn mê gan và có nguy cơ tử vong.

2. Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ sao cho đúng cách?

Khi trẻ bị sốt khoảng 38.5 độ C (đo nhiệt kế ở nách), cha mẹ có thể sử dụng thuốc để hạ sốt cho con. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều sau đây:

2.1 Dùng đúng thời điểm

Chỉ cho trẻ uống hoặc nhét thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38.5 độ C trở lên. Từ 37.5 – 38.4 độ C là mức độ sốt nhẹ, an toàn với trẻ nên có thể lau mát giúp bé hạ nhiệt, đỡ khó chịu hơn. Riêng trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao có thể uống khi nhiệt độ 38 độ C.

2.2 Dùng đường uống/nhét phù hợp

Nếu bé bị nôn trớ có thể dùng thuốc viên đạn nhét hậu môn. Trong trường hợp bé bị tiêu chảy thì dùng thuốc uống. Và lưu ý, dù là uống hay nhét hậu môn đều tính là 1 lần dùng thuốc, tức là khi trẻ đã nhét thuốc thì cách 4 - 6 giờ sau mới được uống/nhét thuốc lần tiếp theo.

2.3 Dùng đúng liều

Dùng đúng liều theo hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc theo chỉ định cụ thể của bác sĩ cho từng trường hợp.

Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, cha mẹ có thể kết hợp thêm các biện pháp vật lý để giúp trẻ hạ sốt như:

  • Nằm chỗ thoáng mát (nghĩa là nhiệt độ nơi nằm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể 5 - 6 độ C) và tránh nơi gió lùa.
  • Mặc quần áo thích hợp, thoáng, không ủ, trùm chăn mền.
  • Có thể lau người trẻ bằng nước ấm, khoảng 30 - 32 độ C. Tuyệt đối không dùng nước đá chườm cho trẻ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước.

Đối với những trường hợp trẻ sốt kéo dài trên 3 ngày, dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám kịp thời.