Giúp con trẻ xây dựng sự tự tin

(VOH) - Thực tế cho thấy khi trưởng thành, những đứa trẻ càng tự tin trong giao tiếp, hành động thì càng có khả năng đạt được địa vị cao trong xã hội, thành công trong cuộc sống.

Nuôi dạy một đứa trẻ nên người là điều chẳng dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó khăn; trong số đó là việc xây dựng sự tự tin ở con trẻ. Các bậc cha mẹ cần trau dồi các cách giúp trẻ tự tin làm chủ cuộc sống và những mối quan hệ xã hội của mình. 

1. Cho trẻ cơ hội tự làm, tự quyết định – Đừng làm thay trẻ

Cha mẹ luôn cho rằng con nhỏ bé, sao con có thể làm được, sao con có thể quyết định được. Và một phần trong trách nhiệm và nghĩa vụ hằng ngày cảu cha mẹ là làm thay con nếu có thể trong mọi việc, và quyết định thay con trong mọi việc dựa trên nền tàng cha mẹ nghĩ đó là điều tốt nhất cho con.

Chính điều nay đã làm cho con trẻ ỷ lại cha mẹ, khi gặp việc gì mới, lạ hay khó khăn thì đã có cha mẹ đương đầu làm thay hay quyết định cho. Con chỉ là người mãi mãi được nhận từ cha mẹ, và cha mẹ trở thành mãi mãi cống hiến và cho con.

Để cho con trẻ độc lập, tự chủ cũng là cổ vũ con tự lựa chọn, để chúng luyện tập chính mình đưa ra những quyết định đơn giản ngay từ khi còn bé thì sau này chúng sẽ biết cách đưa ra những quyết định khó khăn.

Cha mẹ hãy giúp con xây dựng sự tự tin từ thuở bé (Ảnh: Internet)

2. Nhìn nhận sự cố gắng của con, giúp con không bỏ cuộc

Với việc con cái trong nhà, vì mục đích muốn con tốt hơn và tốt hơn nữa, chúng ta chỉ tập trung vào cái con chưa làm tốt để hoàn thiện, và một trong những cách hoàn thiện chúng mà cha mẹ hay sử dụng là chỉ trích cái sai, chê bai, la mắng con vì cái sai đó. và đây là một trong những hậu quả nặng nề làm con trỡ nên tự ti, thiếu tự tin hoàn toàn, trở nên nhút nhát, sợ làm sai, không dám làm.

Cha mẹ hãy quay lăng kính ngược lại, hãy nhìn nhận, thừa nhận những điểm tốt của con, những sự cố gắng của con. Vì sự cố gằng và thừa nhận thúc đẩy niềm tin cho con để thực hiện, không bỏ cuộc. Và đến một ngày cũng sẽ trở nên hoàn hảo theo cách riêng của con.

Cho dù kết quả không được như mong đợi, cha mẹ vẫn luôn có thể tìm thấy những điểm đáng để khen ngợi và có thể chỉ ra chỗ mà con ‘làm được tốt’.

Tuy nhiên, khen ngợi trẻ quá mức đôi khi sẽ trở thành áp lực; còn phê bình quá nặng sẽ khiến trẻ bị tổn thương, làm giảm lòng tự trọng của trẻ, dẫn đến việc trẻ trở nên bị động, tự ti, thiếu tự tin… Vấn đề quan trọng nằm ở mức độ và cách cha mẹ nói chuyện với con trẻ. Vì vậy chỉ cần nhìn nhận các sự cố gắng của con hoàn thành việc, tránh khen ngợi từ chung chung như giỏi quá, ngoan quá… luôn giải thích hành động của trẻ đi kèm.

3. Đừng đóng con vào một cái khung do bạn đặt ra, trò chuyện với con mang tính xây dựng

Nhiều nghiên cứu về tâm lý học và thần kinh cho thấy, so với việc biểu đạt thông tin theo cách tiêu cực, não của chúng ta sẽ dễ dàng tiếp nhận và lý giải những thông tin được biểu đạt theo cách tích cực hơn. 

Cha mẹ cần quan tâm đến lòng tự trọng của con. Nếu bạn gán cho con một cái danh nào đó như “nó rất xấu”, “nó lúc nào cũng đi muộn”, “tính nó cục cằn lắm”… chính là bạn đã vô tình giam con trong một cái khung do bạn đặt ra mà con không thể thoát ra được và có thể khiến con cảm thấy thất bại.

Hãy nhắm vào một sự việc, hành động của con để chỉ ra cho con hiểu, không nên từ một sự việc mà đưa ra kết luận gán nhãn cho con. Tương tự, khi con không làm được bài tập, so với việc nói “sao con lại ngốc như vậy hả?” thì nếu bạn nói “câu này con làm sai rồi, làm lại một lần nữa nào, nhất định sẽ làm ra thôi”, sẽ giúp con có động lực, vững tin để làm tiếp. Lời nói của cha mẹ cần mang tính xây dựng mới giúp con trẻ tăng sự tự tin

Bạn đừng quên rằng con trẻ cũng giống chúng ta, cũng có quyền được phạm lỗi.

4. Cổ vũ hành vi đúng đắn của con, hãy quan tâm xây dựng thói quen tốt, hành vi tốt cho con

Những hành vi tiêu cực và quấy rầy cũng có thể thu hút sự chú ý của cha mẹ. Gây rối, phạm lỗi, không nghe lời, phá phách, ngồi ì ra, nói bậy, đánh nhau… đều là những hành vi có thể khiến cha mẹ phản ứng mạnh, để ý tới trẻ. Và trẻ cũng nhận ra được điều này. Nếu một đứa trẻ muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ, chúng sẽ có thể nghĩ cách làm ra những hành vi tiêu cực một cách cố ý và vô ý.

Điều này hoàn toàn không có nghĩa là bạn không quản khi con làm sai, mà có nghĩa là bạn sẽ quan tâm, cổ vũ, khen ngợi những hành động tích cực của con hơn. Hãy để con thấy rằng nếu con làm những hành động đúng đắn thì sẽ có được nhiều ích lợi: được cha mẹ quan tâm, làm cha mẹ vui lòng, được khen ngợi, tâm trạng cha mẹ thoải mái thì sẽ không mắng mình v.v…

Cha mẹ là người bạn đồng hành và cũng là người thầy tốt nhất của con trẻ. Muốn con trẻ tự tin, độc lập, có một tương lai tươi sáng thì cha mẹ phải tìm được cho mình phương pháp giáo dục con đúng đắn, giúp con thành công trong cuộc sống.