3 dấu hiệu nhận biết hạ kali máu và biện pháp khắc phục

(VOH) – Nồng độ kali máu luôn phải được duy trì ổn định để đảm bảo vận hành tốt các hệ cơ quan trong cơ thể, nhất là hệ vận động và tim mạch. Nếu tình trạng hạ kali máu xảy ra sẽ nguy hiểm thế nào?

Có thể nói rằng, so với các khoáng chất quen thuộc như canxi, magie hay kẽm,…thì dường như khoáng chất kali có phần bị “ngó lơ”. Tuy nhiên, trên thực tế hàm lượng kali được tìm thấy trong cơ thể chiếm tỉ lệ cao thứ 3 và trực tiếp tham gia truyền tín hiệu, duy trì rất nhiều hoạt động sinh hóa quan trọng ở tế bào. Chính vì lý do đó, nếu cơ thể rơi vào trạng thái hạ kali máu thì đó là một tín hiệu đáng báo động đấy nhé!

1. Hạ kali máu là gì?

Hạ kali máu là tình trạng nồng độ kali trong máu hạ xuống mức quá thấp dưới 3.5mmol/lít máu và nếu cơ thể không thể tự bù trừ được thì nguy cơ tử vong có thể tăng cao.

2. Triệu chứng hạ kali máu điển hình

Triệu chứng hạ kali máu có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp, thần kinh,…Chính vì thế, khi có những triệu chứng tương tự dưới đây thì bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ và thăm khám:

2.1 Suy nhược mệt mỏi

Giống như hiện tượng thiếu hụt bất cứ chất dinh dưỡng nào, nếu lượng kali trong máu hạ xuống dưới mức an toàn, cơ thể chúng ta sẽ trở nên khá uể oải, thiếu năng lượng để hoạt động.

dau-hieu-nhan-biet-ha-kali-mau-va-bien-phap-khac-phuc-voh-0
Tình trạng mệt mỏi, uể oải có thể là dấu hiệu cảnh báo hạ kali máu (Nguồn: Internet)

2.2 Chuột rút

Chúng ta biết rằng kali thuộc nhóm khoáng chất cực kì cần thiết cho việc duy trì hoạt động của các cơ xương khớp, đảm bảo quá trình co bóp cơ dễ càng hơn. Vì thế, trong trường hợp cơ thể không được đáp ứng đủ lượng kali cần thiết, tần suất bị chuột rút thường khá cao, các cơn co thắt cơ xuất hiện dày đặc, gây nhức mỏi dữ dội.

Xem thêm: Những lý do khiến bạn dễ bị chuột rút và cách xử trí nhanh

2.3 Hơi thở nông, đánh trống ngực

Hơi thở nông hơn, khó thở và thường xuyên đánh trống ngực là dấu hiệu cảnh báo tình trạng hạ kali máu của bạn đang dần chuyển biến nặng bởi lúc này sức ép cơ tim đang giảm, nhịp tim bị rối loạn khá nghiêm trọng.

3. Nguyên nhân hạ kali máu

Lượng kali trong máu thay đổi phụ thuộc vào lượng kali trong, ngoài tế bào và lượng kali mất qua thận, qua mồ hôi và qua phân. Do vậy, dưới đây là những nguyên nhân hạ kali máu mà bạn nên biết để chủ động phòng tránh:

3.1 Do sự dịch chuyển kali qua màng tế bào

Sự dịch chuyển kali qua màng tế bào (từ trong tế bào ra ngoài tế bào) là một trong tác nhân khá phổ biến gây hạ kali máu. Hiện tượng này thường xảy ra sau khi chúng ta sử dụng một số loại thuốc đặc trị như thuốc đồng vận beta 2 (kích thích hệ thần kinh giao cảm) hoặc tiêm bổ sung insulin trong điều trị bệnh tiểu đường.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

3.2 Mất kali qua ống tiêu hóa

Mất kali qua ống tiêu hóa hay còn được biết là hiện tượng đào thải quá mức lượng kali trong quá trình bài tiết chất thải tiêu hóa. Theo đó, việc lạm dụng sai cách thuốc nhuận tràng hoặc tình trạng tiêu chảy kéo dài sẽ khiến biểu mô đại tràng đẩy lượng kali ra ngoài, dẫn tới hạ kali máu.

3.3 Mất kali qua bài tiết của thận

Mất kali qua bài tiết của thận có tỉ lệ xảy ra cao do ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc lợi tiểu (đặc biệt là thuốc lợi tiểu Thiazid) trong thời gian dài, vô tình bài tiết quá mức lượng kali qua nước tiểu, gây hạ kali máu.

3.4 Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt kali

Chế độ ăn ít kali cũng có thể gây ra tình trạng hạ kali máu. Ngoài ra, biếng ăn hay chứng cuồng ăn vô độ, nghiện rượu cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây hạ kali máu.

dau-hieu-nhan-biet-ha-kali-mau-va-bien-phap-khac-phuc-voh-1
Chế độ ăn thiếu thực phẩm giàu kali là một trong nguyên nhân gây hạ kali máu (Nguồn: Internet)

3.5 Một số nguyên nhân khác

Hạ kali máu có thể xảy ra trong thời gian ngắn khi bạn rơi vào trạng thái liệt cơ chu kỳ, sau khoảng thời gian vận động mạnh, lao động quá sức hoặc đổ mồ hôi nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay, yếu tố này vẫn cần được nghiên cứu sâu và kiểm chứng rõ ràng hơn.

Xem thêm: Vận động mỗi ngày bao nhiêu là đủ?

4. Hạ kali máu nguy hiểm không?

Hạ kali máu rất nguy hiểm, đặc biệt đối với những bệnh nhân sẵn có những bệnh lý mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn... Các biểu hiện của hạ kali máu chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ. Điện tim thấy có sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại, đặc biệt nguy hiểm là khi kali máu giảm nặng, thường có đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân nếu không được bù đủ kali kịp thời.

5. Phương pháp chẩn đoán kali máu

Tại cơ sở y tế, các bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các chẩn đoán quan trọng sau để xác định chính xác mức độ hạ kali máu của người bệnh:

5.1 Thăm hỏi tiền sử bệnh

Thăm hỏi tiền sử bệnh cũng như tìm hiểu các loại thuốc đặc trị mà bạn đang sử dụng sẽ là “mấu chốt” khá quan trọng giúp chẩn đoán rõ ràng nguyên nhân gây hạ kali máu, đồng thời góp phần định hướng hướng điều trị.

dau-hieu-nhan-biet-ha-kali-mau-va-bien-phap-khac-phuc-voh-2
Thăm hỏi tiền sử bệnh là bước chẩn đoán hạ kali máu quan trọng (Nguồn: Internet)

5.2 Xét nghiệm máu và nước tiểu

Xét nghiệm máu và nước tiểu nhằm xác định nồng độ kali hiện tại, đánh giá mức độ nhẹ, nặng hay đang diễn tiến xấu.

Xem thêm: Hướng dẫn cách đọc kết quả các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản

5.3 Đo điện tâm đồ ECG

Thông qua chỉ số từ điện tâm đồ, bác sĩ sẽ nhận diện những thay đổi điện thế ở tim cùng một số hiện tượng rối loạn nhịp tim do kali trong máu hạ thấp.

6. Điều trị hạ kali máu bằng cách nào?

Tình trạng hạ kali máu cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra. Theo đó, tùy theo mức độ nặng nhẹ, bạn sẽ được chỉ định bổ sung thêm thực phẩm giàu kali vào chế độ ăn hay phải dùng thuốc bổ sung kali.

6.1 Hạ kali máu nên ăn gì?

Tìm kiếm và tăng cường các thực phẩm giàu kali vào khẩu phần ăn hàng ngày là phương pháp bù hỗ trợ điều trị hạ kali máu đơn giản, an toàn nhất. Các thực phẩm khi hạ kali máu nên ăn vốn đã quen thuộc với chúng ta, kể đến như quả chuối, quả bơ, khoai tây hay củ dền,…

Xem thêm: 15 thực phẩm giàu kali ở ‘top đầu’ bạn nhất định nên biết để bổ sung đầy đủ!

6.2 Dùng thuốc bổ sung kali

Người bị nghi ngờ hạ kali máu nghiêm trọng cần phải được theo dõi tim mạch và truyền dịch.

Dùng thuốc dạng uống

Thông thường, những người có nồng độ kali thấp nhẹ hoặc vừa phải (2,5-3,5 mEq/l), những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chỉ cần uống kali dưới dạng viên hoặc dạng lỏng. Cách này dễ quản lý, an toàn, không tốn kém và dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, một số chế phẩm với liều quá cao có thể gây kích ứng dạ dày và gây nôn.

Truyền kali vào tĩnh mạch

Nếu có loạn nhịp tim hoặc các triệu chứng quan trọng hay nếu mức kali thấp dưới 2,5 mEq /l, bạn cần được truyền kali tĩnh mạch. Trong trường hợp này, bạn cần được nhập viện hoặc theo dõi tại khoa cấp cứu được chỉ định. Kali được truyền rất chậm vào tĩnh mạch và theo dõi kỹ lưỡng trong nhiều giờ để tránh các vấn đề nghiêm trọng về tim và tránh kích ứng mạch máu chỗ đặt kim truyền.

Đối với những người hạ kali máu nghiêm trọng phải sử dụng cả kali để truyền tĩnh mạch và uống.

Với cơ thể khỏe mạnh và không mắc các bệnh nền mãn tính thì nguy cơ bị hạ kali máu thường khá hiếm gặp, song dù vậy bạn cũng nên tự chủ động phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo cung ứng đủ lượng kali cần thiết. Cùng với đó, cần sắp xếp thăm khám định kì để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra nồng độ kali cũng như các chỉ số sinh hóa khác để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.