Hạ thân nhiệt: Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý nhanh

(VOH) - Hạ thân nhiệt là tình trạng nhiệt độ bên trong cơ thể xuống dưới 35 độ C một cách đột ngột. Người bị hạ thân nhiệt nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe và cả tính mạng.

Tình trạng cơ thể bị hạ thân nhiệt thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, những ngày nhiệt độ thấp trong mùa đông, khi mặc quần áo ẩm ướt, tắm ở nơi không kín gió... Trẻ em và người cao tuổi hay những người phải lao động ngoài thời tiết lạnh là những đối tượng có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao nhất.

Như thế nào được gọi là hạ thân nhiệt?

Rất nhiều người vẫn nghĩ rằng, nhiệt độ cơ thể người bình thường là 37 độ C. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể chúng ta cũng đều duy trì nhiệt độ ở 37 độ C. Bản chất con người là động vật hằng nhiệt, có khả năng điều hòa thân nhiệt. Chính vì thế, chúng ta thường điều hòa nhiệt độ trung tâm của cơ thể trong khoảng từ 36.5 độ C đến 37.1 độ C. Nhiệt độ cơ thể trung bình khoảng 36.8 độ C.

Hạ thân nhiệt được hiểu là tình trạng nhiệt độ bên trong cơ thể xuống dưới mức 35 độ C. Tình trạng này xảy ra khi nhiệt lượng cơ thể mất đi nhiều hơn lượng nhiệt cơ thể sinh ra.

Có hai nhóm đối tượng thường dễ gặp tình trạng hạ thân nhiệt, đó là:

  • Người già: Người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị hạ thân nhiệt do ít vận động, tình trạng tuần hoàn kém, giảm nhạy cảm với thời tiết.

ha-than-nhiet-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-ly-nhanh-voh

Người già là đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt (Nguồn: Internet)

  • Trẻ em: Trẻ em bị hạ thân nhiệt là do cơ chế điều hòa thân nhiệt của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh, nhất là những trẻ dưới 5 tuổi.

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết hạ thân nhiệt

Các nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng nhiệt độ cơ thể giảm xuống đột ngột là do: tiếp xúc với điều kiện thời tiết lạnh hoặc nước lạnh quá lâu, mặc quần áo không đủ ấm....

Ngoài ra, nó cũng có thể xảy ra ở bất cứ điều kiện nào làm giảm việc sản sinh nhiệt và làm tăng việc mất nhiệt, chẳng hạn như ngộ độc chất cồn, hoặc những nguyên nhân gián tiếp như mắc bệnh hạ đường huyết, biếng ăn tâm lý,...

Các triệu chứng của hạ thân nhiệt thường phụ thuộc vào nhiệt độ cơ thể bị hạ xuống nhiều hay ít.

  • Hạ thân nhiệt nhẹ (thấp hơn 35 độ C) sẽ có triệu chứng run rẩy và mơ hồ ý thức; nói lắp bắp; nhịp thở chậm; da lạnh, xám; mất khả năng phối hợp động tác; mệt mỏi, bơ phờ hoặc thờ ơ lãnh đạm... 
  • Hạ thân nhiệt vừa phải (từ 32 – 35 độ C) triệu chứng run rẩy sẽ ngừng lại và sự mơ hồ sẽ tăng lên.
  • Hạ thân nhiệt nghiêm trọng (dưới 32 độ C) có thể xuất hiện hiện tượng cởi quần áo nghịch lý (nạn nhân bị hạ thân nhiệt tự thoát bỏ phần lớn hoặc toàn bộ quần áo trên cơ thể, khiến thân nhiệt càng giảm), cũng như nhiều khả năng tim bị ngừng đập.

Các triệu chứng hạ thân nhiệt thường diễn biến chậm, người bị hạ thân nhiệt mất dần ý thức và năng lực thể chất, do đó bản thân họ không ý thức được sự cần thiết phải cấp cứu. Bên cạnh đó, khi thân nhiệt quá thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não, làm cho người bệnh khó vận động, di chuyển, suy nghĩ cũng bị hạn chế và điều đó dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân.

Cách xử lý khi bị hạ thân nhiệt đột ngột

Khi phát hiện người bị hạ thân nhiệt, hãy nhanh chóng thực hiện các bước sơ cấp cứu sau đây trước khi chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất.

  1. Nếu nạn nhân bất tỉnh

Điều đầu tiên cần làm là quấn chăn ủ ấm cho bệnh nhân, đồng thời kêu gọi người phụ giúp đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

  1. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo

ha-than-nhiet-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-ly-nhanh-1-voh

Cho bệnh nhân uống nước ấm để giúp làm tăng thân nhiệt (Nguồn: Internet)

Nếu nạn nhân ở ngoài trời, hãy nhanh chóng đưa vào nhà hoặc nơi trú ẩn. Còn trong trường hợp ở trong nhà, hãy làm ấm căn phòng bằng cách sưởi đèn, đóng các cửa tránh gió lùa. Sau đó thực hiện các bước:

  • Thay quần áo ấm và đắp chân ấm, nên mang tất để làm ấm bàn tay, chân.
  • Để đèn gần bệnh nhân để sưởi hoặc nếu không có đèn có thể bàn tay hơ gần lửa cho ấm rồi áp vào người bệnh nhân để sưởi ấm.
  • Cho bệnh nhân dùng thức ăn giàu năng lượng và uống nước ấm. Sau đó, loại bỏ các nguyên nhân có thể gây lạnh khác.

Nếu thấy tình trạng hạ thân nhiệt vẫn không được cải thiện hoặc ngày càng xấu đi, nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được xử trí thích hợp và kịp thời.

Lưu ý: Cần chuyển nhanh người bị hạ thân nhiệt đến các cơ sở y tế gần nhất nếu thân nhiệt bệnh nhân dưới 32 độ C.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế tình trạng hạ thân nhiệt

Để ngăn ngừa tình trạng nhiệt độ cơ thể bị giảm đột ngột, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già cần lưu ý những thói quen sau đây:

  • Mặc ấm khi trời lạnh.
  • Tăng cường chăm sóc sức khỏe tổng thể.
  • Nạp đủ lượng calo và lượng nước cần thiết.
  • Thận trọng với mọi thay đổi thời tiết.
  • Nếu bị ướt hãy thay quần áo ướt bằng một bộ quần áo khô, ấm.
  • Nếu đã từng có tiền sử bị hạ thân nhiệt, không nên đến những khu vực có nhiệt độ thấp. Nếu có, hãy ra khỏi vùng đó ngay lập tức.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang suckhoedoisong.vn
  2. Trang vi.wikipedia.org – Bách khoa toàn thư mở

Sốc nhiệt: Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý : Khi bạn đang quen với nhiệt độ mát mẻ trong phòng thì bất ngờ bước ra ngoài trời nắng có nhiệt độ cao, việc này rất dễ dẫn đến sốc nhiệt.

Bị say nắng, say nóng nên xử trí thế nào?: Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng cao điểm.... Và tình trạng này lại không hề đơn giản như nhiều người vẫn thường nghĩ.