Hiểu đúng về bệnh kiết lỵ ở trẻ em

(VOH) – Trẻ bị kiết lỵ nếu không được điều trị có thể bị mất nước,áp-xe gan, hội chứng tan máu. Vậy bệnh kiết lỵ ở trẻ em là bệnh gì, nguyên nhân do đâu, làm sao nhận biết để điều trị, phòng ngừa?

Kiết lỵ là bệnh lý thường gặp ở trẻ, đặc biệt là ở những nơi kém phát triển và điều kiện vệ sinh kém. Kiết lỵ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm do đó cha mẹ không được lơ là và chủ quan.

Kiết lỵ ở trẻ em là bệnh gì?

Kiết lỵ là một bệnh nhiễm trùng đường ruột, mà chủ yếu là ruột kết. Bệnh do vi khuẩn và một số ký sinh trùng gây nên. Kiết lỵ có thể dẫn đến co thắt dạ dày nhẹ hoặc nặng và tiêu chảy nghiêm trọng. Mỗi năm trên thế giới có từ 120 triệu đến 165 triệu trường hợp bị kiết lỵ, trong đó có 1 triệu người bị tử vong. Trong đó, hơn 60% những trường hợp tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. 

Nguyên nhân gây bệnh kiết lỵ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện, đồng thời hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu nên trẻ rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là trên hệ tiêu hóa. 

Có 2 nguyên nhân chính khiến trẻ bị kiết lỵ:

  • Bệnh kiết lỵ do trực khuẩn/ hoặc bệnh lỵ Shigellosis: Bệnh do các trực khuẩn thuộc nhóm Shigella gây ra. Bệnh thường lây lan do thức ăn bị nhiễm khuẩn và môi trường vệ sinh kém khiến vi khuẩn dễ lây lan.
  • Bệnh kiết lỵ do amip: Bệnh này do Entamoeba histolytica (E. histolytica), một loại amip gây ra. Ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, amip có thể gây ô nhiễm thức ăn, nước uống và lây nhiễm sang người khác do chúng có thể tồn tại trong thời gian dài bên ngoài cơ thể. 

hieu-dung-ve-benh-kiet-ly-o-tre-em-voh

Trực khuẩn Shigella là một trong các nguyên nhân gây bệnh kiết lỵ ở trẻ (Nguồn: Internet)

Triệu chứng bệnh kiết lỵ ở trẻ em

Các triệu chứng của bệnh kiết lỵ có thể từ nhẹ đến nặng, phần lớn phụ thuộc vào chất lượng vệ sinh ở những nơi nhiễm trùng đã lây lan và phụ thuộc vào nguyên nhân gây kiết lỵ. Nhưng hầu hết, trẻ sẽ đều cảm thấy đau quặn bụng và tiêu chảy, mót rặn nhiều lần trong ngày.

Bệnh kiết lỵ được chia ra làm 2 loại chính dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh:

  • Bệnh lỵ do trực khuẩn

Các triệu chứng có xu hướng xuất hiện trong vòng từ 1 đến 3 ngày kể từ ngày nhiễm bệnh.

Thông thường, trẻ sẽ thấy có dấu hiệu đau bụng nhẹ và tiêu chảy, sốt, nhưng không có máu hoặc chất nhày trong phân. Các triệu chứng này khá nhẹ nên không cần thiết phải thăm khám bác sĩ và có thể khỏi sau vài ngày.

Ngoài ra một số trẻ bị nặng hơn sẽ có triệu chứng: sốt cao liên tục, đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, có máu hoặc chất nhày trong phân.

  • Bệnh lỵ do amip

Trẻ mắc kiết lỵ do amip có thể có các triệu chứng: đau bụng, sốt và ớn lạnh, buồn nôn và nôn mửa, phân lỏng nước. Ngoài ra trẻ sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, đi ngoài đau đớn do hậu môn bỏng rát, phân lỏng có chứa máu, chất nhày hoặc mủ. 

Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài tuần nhưng amip vẫn có thể tiếp tục sống trong cơ thể trẻ sau khi hết triệu chứng. Do đó, các triệu chứng của bệnh kiết lỵ có thể tát phát nếu hệ thống miễn dịch của trẻ bị suy yếu hơn. 

hieu-dung-ve-benh-kiet-ly-o-tre-em-1-voh

Tiêu chảy, đau bụng là triệu chứng điển hình của bệnh kiết lỵ (Nguồn: Internet)

Biến chứng của bệnh kiết lỵ 

Biến chứng của bệnh kiết lỵ tuy ít nhưng lại rất nguy hiểm, dưới đây là một số biến chứng khi trẻ mắc bệnh kiết lỵ:

  • Mất nước: Thường xuyên bị tiêu chảy và nôn mửa có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mất nước kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Áp xe gan: Nếu amip lây lan đến gan có thể gây áp xe gan.
  • Hội chứng tan máu Ure huyết: Bệnh lỵ do Shigella có thể ngăn chặn hồng cầu đến thận, dẫn đến thiếu máu ở thận, số lượng tiểu cầu thấp và gây ra suy thận.

Chẩn đoán và điều trị kiết lỵ ở trẻ em

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán kiết lỵ dựa trên các triệu chứng nhiễm bệnh của trẻ. Tùy vào từng trường hợp mà có thể trẻ sẽ được xét nghiệm phân hoặc chẩn đoán hình ảnh nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Khi trẻ có các dấu hiệu trên, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Không nên tự ý điều trị tại nhà để tránh các biến chứng nguy hiểm hơn cho trẻ.

Bệnh kiết lỵ ở trẻ em nên ăn gì?

Khi trẻ bị kiết lỵ, việc làm cần thiết là bù nước và điện giải cho bé, mẹ hãy cho bé uống thêm nước hoặc Oresol mỗi ngày. Ngoài ra, nếu bé quá khó uống, mẹ có thể cho bé uống các loại nước khác như nước dừa, nước muối pha loãng, nước gạo rang… nhé.

Hãy đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ để có sức chống lại bệnh tật, cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất chính: đường bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất từ các loại trái cây, rau củ.

hieu-dung-ve-benh-kiet-ly-o-tre-em-2-voh

Bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất để tăng cường miễn dịch (Nguồn: Internet)

Khi trẻ bị tiêu chảy, nên cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, không ăn thức ăn rắn hoặc quá cứng để cơ thể dễ dàng hấp thụ và không gây áp lực lên dạ dày trẻ.  Do đó, cháo, súp là lựa chọn tuyệt vời cho trẻ bị kiết lỵ.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống các loại nước ép trái cây, đặc biệt là những loại trái cây giàu vitamin C.

Phòng ngừa bệnh kiết lỵ cho trẻ 

Bệnh kiết lỵ phần lớn bắt nguồn từ việc vệ sinh kém. Do đó, để giảm nguy cơ lây nhiễm, cha mẹ nên cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước và sau khi đi vệ sinh. Việc làm này có thể làm giảm tần suất nhiễm khuẩn Shigella và các loại tiêu chảy khác tới 35%. Ngoài ra, hãy đảm bảo tuân theo nguyên tắc ăn chín, uống sôi để phòng ngừa cho trẻ nhé.

Trên đây là các kiến thức về bệnh kiết lỵ ở trẻ em. Hy vọng với bài viết này, cha mẹ đã có được cái nhìn đúng về bệnh kiết lỵ. Đừng chủ quan khi gặp bất cứ dấu hiệu mắc bệnh nào của trẻ. Hãy đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nhất và có các biện pháp điều trị kịp thời. 

>>> Xem thêm: https://hettaobonkeodai.com/

Bài viết được cung cấp bởi công ty cổ phần dược phẩm DELAP