Hội chứng banti là gì?

(VOH) - Hội chứng banti được thể hiện bằng việc lách to đơn độc kéo dài, sau vài năm tiến triển, bệnh có thể làm gan to và gây xơ gan. Vậy hội chứng banti là gì, có chữa được không?

1. Hội chứng banti là gì?

Lách là cơ quan nằm phía trên bên trái của bụng, nó đóng vai trò quan trọng đối với các tế bào máu đỏ (còn gọi là hồng cầu) và hệ thống miễn dịch. Nó lọc bỏ các tế bào hồng cầu già và chứa máu dự trữ, được dùng trong các trường hợp khẩn cấp như xuất huyết. Bình thường, chúng ta không thể sờ thấy lách bên trong được.

Hội chứng banti là một tình trạng lách to sung huyết mãn tính, dẫn đến hủy hoại sớm các tế bào hồng cầu tại lách. Bệnh được đặt theo tên nhà nghiên cứu bệnh học và bác sĩ người Ý – Guido Banti.

hoi-chung-banti-la-gi-voh

Hội chứng banti biểu hiện bằng việc lách to (Nguồn: Internet)

Hội chứng banti là một tình trạng hiếm gặp, ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Hội chứng này phổ biến ở Ấn Độ và Nhật Bản, nhưng hiếm gặp ở các nước phương Tây.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng banti

Hội chứng banti có thể xảy ra do một số yếu tố khác nhau gây tắc nghẽn và tăng huyết áp bất thường bên trong một số tĩnh mạch lách hoặc gan. Các triệu chứng này có thể bao gồm những biểu hiện bất thường khi sinh (bẩm sinh) của các tĩnh mạch, cục máu đông hoặc các rối loạn cơ bản khác gây viêm và tắc nghẽn tĩnh mạch của gan.

Tăng lượng arsen cũng liên quan đến một số trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, những bệnh nhân dùng azathioprine lâu dài, đặc biệt là sau khi ghép thận cũng có nguy cơ bị hội chứng banti.

3. Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng banti

Hội chứng banti thường biểu hiện qua 4 dấu hiệu chính là:

  • Thiếu máu, giảm một trong 3 dòng tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
  • Lách to, rõ, mặt nhẵn cứng, lúc đầu tiêm adrenalin thì lách co nhỏ lại rất ít hoặc không co lại.
  • Cắt lách thì các triệu chứng về huyết học sẽ khỏi.
  • Giai đoạn cuối, xuất hiện xơ gan kèm theo các biểu hiện về tiêu hóa như nôn, đại tiện ra máu do quá tình tăng áp tĩnh mạch cửa. Đến giai đoạn này thì bệnh không có chỉ định cắt lách nữa.

hoi-chung-banti-la-gi-voh

Người bệnh gặp các vấn đề về tiêu hóa (Nguồn: Internet)

4. Hội chứng banti điều trị được không?

Về điều trị, hội chứng banti cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Cắt lách là phương pháp điều trị chính, được chỉ định cho các trường hợp cường lách có lách to hay không to.

Khi điều trị bằng thuốc và truyền máu đều không có kết quả, bệnh càng kéo dài thì mức độ nguy hiểm càng lớn, bệnh nhân có tỷ lệ tử vong khoảng 50%.

Điều trị nội khoa chỉ được áp dụng cho các trường hợp nhẹ, thường dùng corticoid. Với trường hợp nặng, tác dụng của thuốc cũng tốt nhưng chỉ tạm thời. Ngoài ra, người ta còn dùng corticoid trong thời gian bệnh nhân chờ đợi cho bệnh tiến triển để thực hiện mổ cắt lách.