Hội chứng Tic là gì?

(VOH) - Con bạn hay nháy mắt, miệng co giật,…đừng chủ quan xem đó là tật xấu của bé, bởi nó có thể là dấu hiệu của hội chứng Tic. Vậy hội chứng Tic là gì, bé nào có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này?

1. Hội chứng Tic là gì?

Tic là một dạng rối loạn vận động hay một phát âm không chủ đích, xảy ra bất ngờ nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Hội chứng Tic hay còn gọi là rối loạn máy cơ mặt, là tình trạng co thắt không kiểm soát ở mặt như mắt nhấp nháy hoặc nhăn mũi.

Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi, có khoảng 20% trẻ ở độ tuổi đi học mắc phải rối loạn này.

hoi-chung-tic-la-gi-voh

Trẻ hay nháy mắt - dấu hiệu của hội chứng Tic (Nguồn: Internet)

2. Dấu hiệu nhận biết hội chứng Tic

Tần suất, cường độ và thời gian giật các cơ ở từng trẻ sẽ khác nhau. Có 2 loại Tic chính gồm:

2.1 Hội chứng Tic đơn giản

  • Tic âm thanh đơn giản gồm thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét,…
  • Tic vận động đơn giản gồm nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm…

2.2 Hội chứng Tic phức tạp

  • Tic âm thanh phức tạp gồm nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh. Trẻ lặp lại lời của chính mình hoặc nhái giọng của người khác. Ngoài ra, trẻ cũng có thể nói thành tiếng hoặc lẩm bẩm trong miệng.
  • Tic vận động phức tạp gồm hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn,…đôi khi, trẻ mắc bệnh còn bắt chước hành động của người khác.

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng Tic là gì?

Nguyên nhân gây ra hội chứng Tic vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố môi trường và sinh học có thể liên quan đến hội chứng này. Ví dụ, các chất gây dị ứng, hóa chất trong các sản phẩm làm sạch và thậm chí là do bị ảnh hưởng bởi phim ảnh hoặc các trò chơi điện tử.

Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng hội chứng Tic là do di truyền, trong khi một số khác lại nói là do những bất thường trong não hoặc các chất dẫn truyền thần kinh. Hội chứng này cũng có thể do đột quỵ, chấn thương đầu, nhiễm trùng,…

Ngoài ra, các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Huntington, bệnh tế bào gai thần kinh và nhũn não cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng Tic.

Hội chứng Tic có thể phát triển ở trẻ nếu có mẹ:

  • Có những biến chứng trong khi sinh.
  • Người mẹ đã uống rượu hoặc hút thuốc trong thời gian mang thai.

4. Hội chứng Tic có nguy hiểm không?

Mặc dù hội chứng Tic không nguy hiểm như những căn bệnh khác và có thể tự khỏi với những trường hợp mới xảy ra dưới 1 năm, tuy nhiên nếu để tình trạng bệnh kéo dài hoặc không điều trị dứt điểm sớm, các biểu hiện của hội chứng Tic có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Điều này ảnh hưởng nhiều đến công việc và các mối quan hệ trong tương lai của người bệnh.

Hơn nữa, trẻ bị hội chứng Tic cũng có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần như tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, trầm cảm, tự kỷ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…

5. Cách điều trị hội chứng Tic

Hội chứng Tic thường không cần điều trị trừ khi các triệu chứng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của trẻ. Một số phương pháp chữa hội chứng Tic gồm:

5.1 Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT)

Liệu pháp nhận thức – hành vi là một trong những biện pháp điều trị hội chứng Tic tốt nhất. Các chuyên gia sẽ sử dụng một phương pháp của liệu pháp này là đảo ngược thói quen. Khi xuất hiện các triệu chứng của Tic, trẻ sẽ dừng được những triệu chứng.

Ví dụ như, trẻ thường khụt khịt mũi hoặc nháy mắt, với liệu pháp này, trẻ sẽ nhận thức được những hành động của mình và thay thế bằng một hành động khác như thở sâu hoặc nhắm mắt trong vài giây.

Liệu pháp nhận thức – hành vi còn giúp giảm tần số của các triệu chứng Tic qua các kỹ thuật thở và thư giãn.

hoi-chung-tic-la-gi-voh

Nhún mũi cũng là biểu hiện của hội chứng Tic (Nguồn: Internet)

5.2 Dùng các loại thuốc

Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như:

  • Thuốc giảm đau hoặc thuốc chống loạn thần.
  • Clonidine giúp giảm các triệu chứng.
  • Chất botulinum giúp thư giãn cơ và ngăn ngừa hội chứng Tic.
  • Clonazepam cũng làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần số của hội chứng này.

Lưu ý: Các loại thuốc trên cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu hội chứng Tic ở trẻ em do một căn bệnh nào đó thì chỉ cần điều trị khỏi bệnh thì Tic sẽ biến mất.

5.3 Các phương pháp hỗ trợ điều trị

Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm giúp tâm lý người bệnh được thoải mái hơn.

Nhìn chung, trong phần lớn các trường hợp, các triệu chứng Tic sẽ giảm hoặc mất hoàn toàn khi đến tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý và quan sát những biểu hiện của con mình để kịp thời thăm khám cũng như điều trị.