Hồng ban nút là bệnh gì, có lây không?

(VOH) - Nếu nhận thấy trên da xuất hiện một hoặc nhiều sẩn cục đỏ, u cục đỏ,…thì có thể bạn đang mắc bệnh hồng ban nút. Vậy hồng ban nút là gì, vì sao bị bệnh hồng ban nút?

1. Hồng ban nút là bệnh gì?

Hồng ban nút (hay còn gọi là hồng ban đỏ) là tình trạng viêm các tế bào mỡ dưới da dạng sẩn hoặc u cục nhỏ màu đỏ hoặc tím. Bộ phận bị hồng ban nút phổ biến là trên cẳng chân, đôi khi các nốt sẩn cũng có thể hình thành trên các bộ phận khác nhưng ít gặp.

hong-ban-nut-la-benh-gi-co-lay-khong

Hồng ban nút thường xuất hiện ở mặt trước của chân (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh hồng ban nút

Đến nay, các nhà chuyên môn vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra hồng ban nút. Tuy nhiên, một số người cho rằng bệnh hồng ban nút thường xảy ra ở những người mang gen HLA B8 (80%) và 6% có tính chất gia đình.

Tổn thương bệnh được coi là sự đáp ứng miễn dịch với các nguyên nhân khác nhau như tình trạng nhiễm khuẩn, sử dụng một số thuốc hoặc là triệu chứng của một số bệnh hệ thống,…

Ở nước ta, nguyên nhân thường gặp là do lao và nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết. Ngoài ra, các bệnh do nhiễm Yersinia, Chlamydia, Salmonela, viêm gan virus A, B, C,...bị viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn,…cũng dễ gây hồng ban nút.

Sử dụng các loại thuốc sulfamid, thuốc chống viêm không steroid, dẫn xuất iod, phụ nữ mang thai,…cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này.

Hồng ban nút thường ảnh hưởng đến những người từ 20 đến 40 tuổi. Phụ nữ có khả năng phát triển bệnh cao gấp 6 lần so với nam giới. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và cả hai giới.

3. Dấu hiệu nhận biết hồng ban nút

Các triệu chứng chính của hồng ban nút là những nốt sẩn màu đỏ, gây đau ở phần dưới chân (mặt trước cẳng chân 2 bên, có tính đối xứng). Đôi khi, những nốt này cũng có thể xuất hiện trên đùi, cánh tay, thân và mặt. Nhìn chung, các nốt, sẩn cục có thể nổi ở bất cứ vị trí nào có tổ chức mỡ dưới da.

Các nốt thường có đường kính từ 1.5 – 10cm. Số lượng có thể từ 2 – 50 nốt.

Các nốt của hồng ban nút rất đau và gây ra cảm giác nóng rát. Chúng thường bắt đầu từ màu đỏ, sau đó chuyển sang màu tím, trông giống như vết bầm tím.

Các triệu chứng khác kèm theo hồng ban nút có thể gồm có:

  • Sốt;
  • Mệt mỏi;
  • Đau khớp;
  • Đau chân;
  • Mắt cá chân sưng phồng;
  • Ho, đau họng;
  • Giảm cân;
  • Đau dạ dày;
  • Tiêu chảy;

Những triệu chứng và biểu hiện kể trên là cơ hội để bạn nhận biết bệnh hồng ban nút.

4. Bệnh hồng ban nút có nguy hiểm không?

Hồng ban nút là bệnh cấp tính nhưng sẽ nhanh khỏi. Các nốt, sẩn cục thường sẽ biến mất trong vòng từ 10 – 15 ngày, không để lại sẹo hay di chứng teo da nên người bệnh có thể yên tâm.

hong-ban-nut-la-benh-gi-co-lay-khong

Các nốt của hồng ban nút sẽ tự biến mất trong thời gian ngắn (Nguồn: Internet)

Mặc dù nhanh khỏi nhưng các nốt có thể tái phát trở lại, vì vậy người bệnh cần xác định nguyên nhân để điều trị dứt điểm nguyên nhân đó, tránh hồng ban nút tái phát.

5. Bệnh hồng ban nút có lây không?

Thông thường, các bệnh da liễu thường có mức độ lây nhiễm cao, mặc dù hồng ban nút cũng là bệnh da liễu nhưng nó không phải là bệnh lây nhiễm. Hầu hết các trường hợp, bệnh hồng ban nút là bệnh tự phát và không rõ nguyên nhân.

6. Hồng ban nút có cần điều trị không?

Các tổn thương của hồng ban nút thường tự biến mất, tuy nhiên người bệnh cần điều trị các nguyên nhân liên quan đến bệnh như dùng thuốc điều trị bệnh lao, các bệnh viêm nhiễm do liên cầu.

Thuốc thalidomid được chỉ định trong trường hợp hồng ban nút do Mycobacterium leprae (hay bệnh phong). Ngoài ra, cần điều trị các triệu chứng gồm các biện pháp như sau:

  • Nghỉ tại giường, nâng cao chân, sử dụng tất đàn hồi giống như trong điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới để có thể cải thiện triệu chứng phù ở chi dưới.
  • Dùng thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau.
  • Sử dụng corticosteroid hàng ngày đối với trường hợp không rõ nguyên nhân, các nốt hồng ban mất sau vài ngày.
  • Trường hợp hồng ban kéo dài có thể dùng thuốc tiêm trực tiếp vào trung tâm của các nốt hồng ban do bác sĩ chuyên khoa da liễu thực hiện.

Hồng ban nút chữa ở đâu? Người bệnh có thể điều trị bệnh hồng ban nút tại các khoa da liễu của bệnh viện đa khoa hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu.