Huyết áp thấp nên ăn gì và kiêng gì?

(VOH) - Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị huyết áp thấp. Dưới đây là chế độ dinh dưỡng cho người bị huyết áp thấp.

1. Huyết áp thấp là từ bao nhiêu?

Huyết áp thấp là tình trạng khi huyết áp đột ngột giảm xuống dưới 90/60 mmHg. Huyết áp thấp làm cho thể tích máu giảm đi vì co mạch.

huyet-ap-thap-nen-an-gi-va-kieng-gi-voh-1

Huyết áp giảm dưới 90/60 mmHg được gọi là huyết áp thấp (Nguồn: Internet)

Huyết áp được biểu đạt bằng 2 con số. Số đầu tiên là huyết áp tâm thu (thường cao hơn) hay áp lực trong lòng động mạch khi tim co bóp và đầy máu. Số thứ hai là áp lực tâm trương hay áp suất trong lòng động mạch khi tim nghỉ giữa 2 lần bóp.

Bạn bị huyết áp thấp nếu có huyết áp thấp hơn 90/60, nghĩa là:

  • Huyết áp tâm thu từ 90 mmHg trở xuống.
  • Huyết áp tâm trương từ 60 mmHg trở xuống.

Người bị huyết áp thấp thường có các biểu hiện như cơ thể mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, đau tức ngực, chán ăn, đau bụng, khó tiêu, rối loạn chức năng nội tiết,…

Đa số các trường hợp bị huyết áp thấp không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Trong một số trường hợp cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và điều trị thích hợp.

2. Huyết áp thấp nên ăn gì?

Một số thực phẩm sau đây sẽ có lợi cho người bệnh huyết áp thấp:

2.1 Nho khô

huyet-ap-thap-nen-an-gi-va-kieng-gi-voh-2

Nho khô tốt cho người bị huyết áp thấp (Nguồn: Internet)

Nho khô được xem là một loại thực phẩm giúp điều trị huyết áp thấp hiệu quả. Nho khô hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận, do đó duy trì huyết áp ở mức ổn định.

Nếu bị huyết áp thấp, bạn có thể ăn khoảng 30 – 40 quả nho khô đã được ngâm nước qua đêm. Hãy ăn nho khô khi bụng đói.

2.2 Hạnh nhân

Hạnh nhân có thể phòng ngừa hạ huyết áp ở những người thường bị huyết áp thấp.

2.3 Muối chứa sodium

Muối chứa sodium có tác dụng làm tăng huyết áp. Người bị huyết áp thấp có thể dùng muối sodium nhưng không nên dùng quá nhiều vì sẽ gây hại cho sức khỏe.

2.4 Tỏi

Tỏi chứa thành phần giúp ổn định huyết áp cùng với nhiều lợi ích sức khỏe khác. Bạn có thể ăn 2 tép tỏi sống trước khi đi ngủ một giờ hoặc bổ sung tỏi khi chế biến thức ăn để cải thiện tình trạng huyết áp thấp.

2.5 Một số thực phẩm khác

Những người bị huyết áp thấp do thiếu máu (thường gặp ở phụ nữ trẻ) nên ăn gan lợn, trứng gà, thịt nạc, sữa, tôm cá, các loại đậu, khoai lang, rau dền, rau đay,…

Lời khuyên: Người bị huyết áp thấp nên chú ý ăn đủ các bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng rất quan trọng. Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn thì hãy chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cố gắng hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, bánh mì,…

3. Huyết áp thấp nên uống gì?

Một số thức uống có tác dụng làm tăng huyết áp như cà phê, nước chè đặc, nước sâm, bột tam thất, nước nho,…

Caffein trong cà phê có tác dụng làm tăng huyết áp nhưng chỉ nên uống 1 – 2 cốc mỗi ngày, uống quá nhiều sẽ gây nghiện, mất ngủ, rối loạn nhịp tim. Tốt nhất nên uống cà phê đặc, cà phê không tan tự pha. Nếu bạn bị viêm loét dạ dày thì nên uống cà phê cùng với bột kem cà phê vì cà phê có thể gây kích thích tiết dịch vị dạ dày.

Ngoài ra, người bị huyết áp thấp cũng có thể uống trà cam thảo. Rễ cam thảo như một vị thuốc tự nhiên giúp bình thường hóa chỉ số huyết áp thấp gây ra bởi hàm lượng cortisol trong máu thấp. Hợp chất có trong cam thảo bằng cách ức chế hoạt động của enzym chịu trách nhiệm phân hủy cortisol.

Bên cạnh các loại nước trên, người bị huyết áp thấp cần uống nhiều nước lọc vì nước giúp tăng thể tích máu, giảm một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây huyết áp thấp.

4. Huyết áp thấp nên kiêng gì?

huyet-ap-thap-nen-an-gi-va-kieng-gi-voh-3

Người bị huyết áp thấp không nên ăn cà chua (Nguồn: Internet)

Một số thực phẩm có thể khiến tình trạng huyết áp thấp trở nên nghiêm trọng hơn, đó là:

  • Cà chua, loại thực phẩm này có tác dụng làm giảm huyết áp. Vì vậy, nếu bị huyết áp thấp thì nên tránh ăn cà chua.
  • Táo mèo tốt cho người cao huyết áp nhưng không tốt cho người huyết áp thấp.
  • Hạt dẻ nướng.
  • Thực phẩm có tính lạnh như rau bina, dưa hấu, đậu đỏ, đậu xanh,…
  • Thực phẩm chứa cồn như bia, rượu sẽ gây mất nước.

Lưu ý: Nếu đã thực hiện chế độ ăn uống hợp lý và kiêng ăn một số thực phẩm trên mà tình trạng huyết áp thấp vẫn không được cải thiện thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và nhận được những lời khuyên tốt nhất.